Báo Công An Đà Nẵng

Triệt phá băng nhóm chuyên trộm xe đạp điện

Thứ năm, 27/11/2014 08:50

(Cadn.com.vn) - Thời gian gần đây, tình trạng trộm cắp xe đạp điện gây hoang mang cho người dân và làm "đau đầu" cơ quan bảo vệ pháp luật. Chỉ tính riêng ở địa bàn TP Huế (TT- Huế), có ngày cơ quan CA tiếp nhận 5-7 vụ mất cắp xe đạp điện. Trước tình hình đó, cuối tháng 10-2014, CATP Huế xác lập chuyên án 1014-XĐ để đấu tranh với loại tội phạm này.

Sau khi chuyên án được xác lập, các trinh sát (TS) phát hiện tại một tiệm cầm đồ nằm trong con hẻm trên đường Phan Châu Trinh (TP Huế) hàng ngày có rất nhiều người đưa xe đạp đến cầm cố, bán buôn. Trong đó, có một số đối tượng không nghề nghiệp, nghiện ma túy thường xuyên đưa xe đến bán. Tiếp tục xác minh, những đối tượng trên bản thân không hề có xe đạp điện. Vậy, xe đạp điện từ đâu mà bọn chúng đưa tới tiệm cầm đồ để bán?

Từ câu hỏi này, lần theo dấu vết của các con nghiện, qua thu thập các chứng cứ và triển khai các biện pháp nghiệp vụ, tối 24-11, các mũi TS cùng lúc bắt giữ 4 đối tượng, gồm: Trần Văn Hiền, Lê Văn Mới, Trần Duy Bi, Nguyễn Xuân Phi và một số nghi phạm (đều trú TP Huế, tuổi từ 20-25).

Số đối tượng này đa phần có tiền án, tiền sự và nghiện ma túy. Trần Văn Hiền khai nhận, trước khi lấy trộm xe, nhóm này đã có nhiều ngày quan sát. Vào buổi trưa hoặc tối, lợi dụng người dân ở trong nhà sinh hoạt hoặc các sinh viên khóa cửa đi ngủ, xe đạp dựng bên ngoài sân dùng kìm cắt khóa lấy trộm.

2 trong số các đối tượng trộm xe đạp điện bị bắt giữ và chủ tiệm cầm đồ Nguyễn Thị Bạch.

Qua đấu tranh khai thác nhanh, ngay trong đêm, lực lượng CA khám xét khẩn cấp tiệm cầm đồ của Nguyễn Thị Bạch (trú 8/358-Phan Châu Trinh, TP Huế) thu giữ 6 xe đạp và 11 xe điện các loại. Đáng nói, cơ quan CA thu giữ nhiều tang vật có liên quan đến vụ trộm là phương tiện, công cụ làm thay đổi hình dáng bên ngoài, số khung, số máy để bị hại không nhận diện được tài sản bị mất cắp.

Xe đạp điện có giá từ 8 - 12 triệu đồng/chiếc nhưng sau khi lấy trộm, chúng chỉ bán lại từ 1 - 2,5 triệu đồng/chiếc cho các "đầu nậu" tiêu thụ xe gian. Mở rộng vụ án, cơ quan điều tra tiếp tục củng cố hồ sơ làm rõ hành vi tiêu thụ tài sản nghi vấn trộm cắp đối với Lê Thị Thu Thủy (1972, em dâu Nguyễn Thị Bạch). Tại cơ quan CA, Nguyễn Thị Bạch khai nhận, mục đích thay đổi hình thức xe bị trộm là để dễ tiêu thụ và che giấu hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

Hiện, lực lượng CA đã thu giữ hàng chục xe đạp điện được cất giấu tinh vi, với nhiều thủ đoạn, vỏ bọc khác nhau và đang làm thủ tục trao trả lại cho người dân. Thượng tá Võ Văn Sáu-Phó Trưởng CATP Huế nói, qua vụ việc này có thể thấy, việc thực hiện thành công các vụ trộm cắp, ngoài phương thức, thủ đoạn tinh vi của bọn tội phạm thì sơ hở của người dân trong việc tự bảo vệ tài sản là nguyên nhân chính để bọn tội phạm thực hiện trót lọt các vụ trộm.

Mặt khác, sự tiếp tay, tham lam và coi thường pháp luật của không ít các chủ cơ sở cầm đồ đã làm cho bọn tội phạm dễ dàng thực hiện hành vi gây án. Đó là việc chứa chấp, cất giấu, tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có mà không bị phát hiện. Việc bắt giữ chủ tiệm cầm đồ Nguyễn Thị Bạch sẽ là lời cảnh tỉnh cho không ít đối tượng kinh doanh lĩnh vực "nhạy cảm" này.

Việc thông đồng của một số chủ tiệm cầm đồ đã gây không ít khó khăn cho lực lượng CA trong việc điều tra làm rõ các vụ án. Đây thực sự là hành vi đáng lên án và cần phải xử lý nghiêm để có tính giáo dục, răn đe cho những đối tượng đã, đang và manh nha ý định vi phạm pháp luật.

Hiện chuyên án đang được CATP Huế tiếp tục mở rộng. Cơ quan CA mong rằng người dân luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, có biện pháp bảo vệ tài sản an toàn.

H.Lan