Báo Công An Đà Nẵng

Triệt phá đường dây làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức

Thứ ba, 31/05/2016 11:50

* Khởi tố 10 đối tượng, tịch thu hơn 22.000 tài liệu

* Đối tượng cầm đầu là cán bộ Phòng Nội vụ

* Gia Lai có 20 trường hợp mua và sử dụng chứng chỉ giả

(Cadn.com.vn) - Sau gần 3 tháng vào cuộc điều tra, Phòng An ninh điều tra (ANĐT) CA tỉnh Gia Lai phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Bộ CA và CA nhiều tỉnh, thành phố triệt phá đường dây làm giả con dấu, giấy tờ, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Đây là đường dây cung cấp các loại chứng chỉ, bằng cấp giả trải dài Bắc - Trung - Nam và địa bàn Tây Nguyên.

ĐƯỜNG DÂY LIÊN TỈNH

Qua công tác nắm tình hình, các TS Phòng ANĐT CA tỉnh Gia Lai nắm được thông tin về Bùi Thị Mỹ Phương (26 tuổi, trú thôn Đồng Tâm, xã Bàu Cạn, H. Chư Prông, Gia Lai) nhận “làm” các loại chứng chỉ giả cho một số người có nhu cầu trên địa bàn. Không những thế, Phương còn câu kết với một số đối tượng ngoài tỉnh để thực hiện việc làm, mua, bán các loại chứng chỉ giả. Tiếp tục theo dõi, điều tra, đến ngày 23-2, các TS Phòng ANĐT đã bắt quả tang Bùi Thị Mỹ Phương và Đinh Thanh Lam (29 tuổi, trú TT Phú Hòa, H. Chư Păh, Gia Lai) đang có hành vi mua bán chứng chỉ giả mạo (loại chứng chỉ Anh văn trình độ C). Tại CQĐT, Phương khai nhận: để “quảng bá”, Phương sử dụng mạng xã hội facebook đăng thông tin nhận làm các loại chứng chỉ Anh văn trình độ A, B, C và chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm chỉ với giá… 800 ngàn đồng. Khi người có nhu cầu liên lạc, thống nhất giá cả và nhận ảnh của người mua, Phương chuyển ảnh, cung cấp thông tin của người mua và tiền cho một đối tượng tại TP Hà Nội để làm chứng chỉ giả. Trong vòng 5-10 ngày, chứng chỉ giả sẽ được chuyển qua đường bưu điện cho Phương. Với thủ đoạn trên, Phương khai nhận đã nhận làm nhiều loại chứng chỉ giả cho các đối tượng trên địa bàn 2 tỉnh Gia Lai và Đắc Lắc để kiếm lời… Đến ngày 29-2, Cơ quan ANĐT CA tỉnh Gia Lai đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Phương và Lam về hành vi “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” theo Điều 267 Bộ luật Hình sự.

Từ phải qua: Trịnh Văn Chung, Trịnh Văn Nam và Lê Quang Phát.

Đồng thời, bằng các biện pháp nghiệp vụ, CQĐT CA tỉnh Gia Lai xác định danh tính đối tượng tại TP Hà Nội đã cung cấp các loại chứng chỉ giả cho Phương là Lê Quang Lâm (28 tuổi, quê TT Bố Hạ, H. Yên Thế, Bắc Giang, tạm trú Q. Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội). Tiếp tục củng cố các hồ sơ, chứng cứ, đến đầu tháng 3-2016, Phòng ANĐT CA tỉnh Gia Lai phối hợp với Cục ANĐT (Bộ CA) tiến hành bắt khẩn cấp đối với Lê Quang Lâm và bạn gái của đối tượng là Phạm Thị Hồng An (22 tuổi, quê Tiền Phong, Thái Bình, tạm trú Q. Cầu Giấy, TP Hà Nội).

Lâm khai nhận: đầu năm 2015, do có nhu cầu làm chứng chỉ Anh văn, Tin học để bổ sung vào hồ sơ xin việc nên dò hỏi, tìm mua chứng chỉ giả. Sau khi biết một đối tượng bán chứng chỉ nên Lâm liên lạc và mua 2 chứng chỉ giả với giá 700 ngàn đồng. Thấy việc mua bán thuận lợi và có nhiều người có nhu cầu “không cần học mà vẫn có bằng” nên Lâm nảy sinh ý định mua bán chứng chỉ giả để kiếm lời. Để thực hiện hành vi của mình, Lâm lên mạng xã hội rao những nội dung, như: nhận thi, cấp chứng chỉ tin học, ngoại ngữ A, B, C và nghiệp vụ sư phạm nhanh chóng, uy tín… kèm theo số điện thoại của Lâm. Mỗi chứng chỉ giả Lâm bán giá 450 - 500 ngàn đồng và “khách hàng” của Lâm không chỉ có Bùi Thị Mỹ Phương ở Gia Lai mà còn một số đối tượng khác ở các tỉnh Cần Thơ, Cà Mau và TPHCM. Riêng Phạm Thị Hồng An khai nhận, khi thấy bạn trai kiếm tiền dễ dàng từ việc mua, bán chứng chỉ, bằng cấp giả nên đã tham gia. Theo đó, qua điều tra xác định, từ tháng 7-2015 đến khi bị bắt, An đã mua, bán hơn 50 chứng chỉ Anh văn, Tin học giả cho nhiều đối tượng ở các tỉnh Nam Định, Sơn La, Cà Mau, TP Đà Nẵng với giá 350 - 400 ngàn đồng.

Hoàng Đức Huấn cùng tang vật tại Cơ quan ANĐT.

CÁN BỘ PHÒNG NỘI VỤ CẦM ĐẦU ĐƯỜNG DÂY

Chỉ một thời gian sau khi bắt giữ các đối tượng trên, được sự chỉ đạo của lãnh đạo CA tỉnh Gia Lai, Phòng ANĐT CA tỉnh Gia Lai đã triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ điều tra; đồng thời với sự phối hợp chặt chẽ của Cục ANĐT (Bộ CA) và CA các tỉnh, thành phố đã tiến hành bắt giữ nhiều đối tượng liên quan đến đường dây này, gồm: Hoàng Đức Huấn (30 tuổi, trú xã Liên Trung, H. Đan Phượng, TP Hà Nội), Lê Quang Phát (25 tuổi, trú Q. Thanh Xuân, TP Hà Nội), Trịnh Văn Chung (27 tuổi, trú H. Nghĩa Hưng, Nam Định), Trịnh Văn Nam (26 tuổi, trú H. Vĩnh Lộc, Thanh Hóa), Nguyễn Quốc Phương (40 tuổi, trú TP Buôn Ma Thuột, Đắc Lắc) và Võ Trần Xuân Đan (46 tuổi, trú H. Tân Châu, An Giang).

Trong các đối tượng này, Hoàng Đức Huấn được xác định là đối tượng cầm đầu đường dây và trước khi bị bắt, Huấn là cán bộ công tác tại Phòng Nội vụ của UBND H. Đan Phượng (TP Hà Nội). Huấn khai nhận: nhận thấy dễ kiếm tiền từ việc làm các loại chứng chỉ, bằng cấp giả do nhiều người có nhu cầu mua nên tháng 12-2014, Huấn vào mạng Internet đặt mua 10.000 phôi chứng chỉ giả của một đối tượng tên Huyền ở TP Hà Nội với giá 120 triệu đồng. Sau đó, Huấn mua máy in màu và sử dụng phần mềm để chỉnh sửa rồi in và bán hàng trăm chứng chỉ tin học, ngoại ngữ và nghiệp vụ sư phạm giả.

Còn Trịnh Văn Chung, thấy Huấn “làm ăn phát đạt” nên đã đặt mua của Huấn 1.000 phôi chứng chỉ giả có sẵn chữ ký, con dấu giả để in bán cho các đối tượng nhằm kiếm lời. Tiến hành khám xét nơi ở của các đối tượng trên, cơ quan CA đã tịch thu hơn 22.000 phôi, tài liệu, bằng cấp, chứng chỉ giả các loại.

Đại tá Vũ Quang Khuyến - Trưởng phòng ANĐT CA tỉnh Gia Lai cho biết: “Từ đường dây này, cơ quan CA cũng đã phát hiện có 20 trường hợp mua, sử dụng chứng chỉ giả trên địa bàn tỉnh Gia Lai và chúng tôi đã tiến hành tịch thu, xử lý theo quy định. Thời gian tới, bên cạnh tiếp tục mở rộng điều tra vụ án, chúng tôi sẽ phối hợp, tham mưu cho Sở Nội vụ của các tỉnh có đối tượng mua, bán chứng chỉ giả tiến hành rà soát, kiểm tra bằng cấp, các chứng chỉ liên quan của cán bộ, công chức, viên chức nhằm phát hiện, ngăn chặn tình trạng sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả và xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật”.

M.T