Triệt phá đường dây làm giả con dấu, tài liệu liên tỉnh (Bài cuối: Số giấy tờ giả đã giao dịch lên đến hàng tỷ đồng)
Trung úy Lê Kim Tin - cán bộ điều tra của Đội CSHS CAQ Thanh Khê (Đà Nẵng) cho biết, khi tiến hành bắt giữ và khám xét khẩn cấp chỗ ở của đối tượng Phạm Hoài Thanh tại K47/39- Thăng Long (P.4, Q. Tân Bình), lực lượng BCA 341T thu giữ 45 tài liệu các loại nghi làm giả, gồm: 29 bản gốc và 54 bản sao y trong đó có bằng tốt nghiệp, CMND, sổ hộ khẩu, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... Ngoài ra, BCA 341T còn thu giữ 2 ĐTDĐ của đối tượng sử dụng để liên hệ giao dịch với khách hàng và 4 thẻ ATM ngân hàng dùng để giao dịch và các giấy tờ khác có liên quan.
Từ trái qua phải: Phạm Hoài Thanh, Phạm Thiên Phi, Phạm Văn Đoàn, Nguyễn Tấn Linh. |
Ngay sau khi bắt được Phạm Hoài Thanh và di lý đối tượng về Đà Nẵng trong đợt đầu tiên, vụ án đã phát sinh nhiều tình tiết mới. Qua đấu tranh với Thanh đã xuất hiện thêm nhiều đối tượng có liên quan khác nên một tổ công tác tiếp tục ở lại TP Hồ Chí Minh để triển khai truy xét nóng. Trong các ngày 9, 10 và 11-6-2020, các trinh sát (TS) và điều tra viên (ĐTV) của CAQ Thanh Khê dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thượng tá Phan Duy Thạch đã phối hợp với các TS địa bàn của CAQ Tân Bình, CAQ 12, CAH Hóc Môn (TP Hồ Chí Minh) liên tục triển khai các biện pháp nghiệp vụ để truy lùng các đối tượng còn lại của chuyên án. Bởi theo thông tin từ nhiều nguồn, các đối tượng đều ở rải rác trên nhiều địa bàn khác nhau, chứ không tập trung một nơi để tránh sự theo dõi của các cơ quan chức năng.
Trung tá Trần Văn Tuấn- Đội trưởng Đội CSHS CAQ Thanh Khê cho biết, trong thời điểm tập trung đấu tranh để khám phá chuyên án, các TS và ĐTV đã phải nỗ lực rất lớn với quyết tâm là bằng mọi cách phải khám phá thành công chuyên án. Sau khi nắm bắt kỹ di biến động của các đối tượng liên quan, lực lượng CA đã nhanh chóng khép chặt vòng vây, thực hiện lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp và lệnh khám xét khẩn cấp chỗ ở của Nguyễn Tấn Linh tại địa chỉ: K75/36/19/23B- Vườn Lài (P. Phú Đông, Q. 12, TP Hồ Chí Minh). Tại thời điểm đó, các TS đã thu giữ 1 laptop, 1 ĐTDĐ cùng 84 tài liệu các loại và 4 con dấu nghi vấn làm giả.
Qua đấu tranh khai thác Phạm Hoài Thanh và Nguyễn Tấn Linh đã hé lộ thêm đối tượng có liên quan khác. Bởi vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, cơ quan CAQ Thanh Khê đã tiếp tục thực hiện lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp và lệnh khám xét khẩn cấp chỗ ở của Phạm Văn Đoàn tại địa chỉ 3/589A- Nhị Tân (xã Tân Thới Nhì, H. Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh). Tại đây, các TS đã tiếp tục thu giữ 41 con dấu tròn của nhiều cơ quan, tổ chức, 240 các loại tài liệu nghi vấn làm giả, 10 vỏ dấu, 1 máy ép nhựa plastic, 1 máy dập gạt tay nhỏ, khoảng 200 phôi giấy các loại và 31,1 triệu đồng.
Một số giấy tờ giả và con dấu giả bị cơ quan CA thu giữ. |
Ngoài ra, qua đấu tranh với Linh và Thanh, các đối tượng khai nhận còn có Phạm Thiên Phi (1994, quê xã Đức Phong, H. Mộ Đức, Quảng Ngãi), trú địa chỉ K154/05/20/01- Nguyễn Phúc Chu (P.15, Q. Tân Bình, TP Hồ Chí Minh). Ngay sau đó, TS đã tiến hành triệu tập làm việc và tạm giữ của Phi 11 tài liệu các loại nghi vấn làm giả, 1 ĐTDĐ và 1 thẻ ATM. Ngay trong ngày 11-6-2020, các đối tượng nằm trong chuyên án đều đã được di lý về TP Đà Nẵng để phục vụ công tác điều tra mở rộng.
Quá trình điều tra ban đầu xác định: Phạm Hoài Thanh, Nguyễn Tấn Linh, Phạm Thiên Phi, Phạm Văn Đoàn câu kết với nhau thành một đường dây làm giả con dấu, tài liệu và tiêu thụ các tài liệu giả cho những người có nhu cầu sử dụng trên cả nước. Linh, Phi và Thanh thông qua mạng xã hội Zalo, Facebook đăng quảng cáo nhằm tìm khách hàng có nhu cầu làm giả tài liệu. Những yêu cầu của khách hàng sẽ được chuyển cho Phạm Văn Đoàn để trực tiếp làm giả rồi giao cho các đối tượng chuyển cho khách hàng thông qua Công ty “Giao hàng tiết kiệm”. Đặc biệt, các đối tượng rất tinh vi khi yêu cầu nhân viên giao hàng đến một địa điểm hẹn cụ thể để thực hiện việc giao nhận hàng nhằm tránh sự theo dõi của cơ quan CA.
Qua điều tra bước đầu, CAQ Thanh Khê xác định, từ đầu năm 2020 đến nay, số tiền giao dịch qua tài khoản của các đối tượng trên từ hoạt động này lên đến hàng tỷ đồng và chia nhau theo tỷ lệ. Hiện nay Cơ quan CSĐT CAQ Thanh Khê đang tiếp tục điều tra, truy xét mở rộng các đối tượng có liên quan khác để xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Qua đây, CAQ Thanh Khê khuyến cáo người dân cần cảnh giác đối với trường hợp sử dụng sổ đỏ giả, CMND giả để lừa đảo mua bán đất; dùng lệnh, giấy triệu tập giả để lừa đảo qua mạng yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng.
PHƯƠNG KIẾM