Triều Tiên đe dọa hủy thỏa thuận quân sự, Hàn Quốc xuống nước
Bộ Thống nhất Hàn Quốc ngày 4-6 cho biết, chính phủ nước này đang xây dựng kế hoạch hợp pháp hóa lệnh cấm thả tờ rơi có nội dung chống Triều Tiên vào quốc gia láng giềng, vài giờ sau khi Triều Tiên đe dọa hủy bỏ thỏa thuận giảm căng thẳng quân sự với Hàn Quốc và ngừng các dự án trao đổi quan trọng với miền Nam.
Bà Kim Yo-jong, Phó trưởng ban thứ nhất của Ủy ban trung ương Đảng Lao động Triều Tiên. Ảnh: Yonhap |
“Phải trả giá đắt”
Thông báo của Bộ Thống nhất Hàn Quốc được đưa ra vài giờ sau khi bà Kim Yo-jong, Phó trưởng ban thứ nhất của Ủy ban trung ương Đảng Lao động Triều Tiên, em gái của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, đưa ra tuyên bố tố cáo việc thả tờ rơi tuyên truyền chống Triều Tiên là một hành động thù địch chống lại các thỏa thuận hòa bình mà hai bên đã ký kết trong cuộc họp thượng đỉnh của lãnh đạo hai nước hồi năm 2018. Bà Kim Yo-jong đe dọa xé bỏ thỏa thuận giảm căng thẳng quân sự và ngừng các dự án trao đổi quan trọng với Hàn Quốc nếu như Seoul không xử lý hành vi lén đưa tờ rơi chống Bình Nhưỡng.
“Tôi nói rõ, giới chức Hàn Quốc sẽ phải trả giá đắt nếu như họ cứ để tình hình này tiếp diễn trong khi luôn viện cớ. Nếu họ không xử lý những hành động vô nghĩa chống lại Bình Nhưỡng, tốt hơn hết là họ nên sẵn sàng cho khả năng rút khỏi Khu công nghiệp Kaesong, không được tham quan núi Kumgang, hoặc đóng cửa Văn phòng liên lạc chung Bắc-Nam, hoặc thậm chí hủy bỏ thỏa thuận quân sự giữa hai miền”, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn lời bà Kim Yo-jong cho biết. Bà nhấn mạnh thêm rằng, quá trình hòa giải và lòng tin không bao giờ đi kèm với những hành động thù địch.
Bà Kim Yo-jong chỉ rõ những kẻ đào tẩu rời khỏi Triều Tiên và các nhà hoạt động chống Bình Nhưỡng là thủ phạm gửi những tờ rơi chống Bình Nhưỡng qua biên giới thông qua những quả bóng bay khổng lồ. Các tờ rơi, được buộc kèm với tờ tiền một USD và thẻ nhớ USB để thu hút người Triều Tiên đến nhận, mang nội dung chỉ trích nhà lãnh đạo Triều Tiên đe dọa “sở hữu vũ khí hạt nhân chiến lược mới”.
Bà Kim Yo-jong gọi những kẻ đào tẩu đó là "cặn bã" và "những con chó rác rưởi", thúc giục Hàn Quốc thực hiện mọi hành động có thể, bao gồm ban hành luật chống lại hành vi thả tờ rơi mà không sử dụng lý do "tự do ngôn luận" như một lý do nữa. "Nếu họ thực sự coi trọng các thỏa thuận Bắc-Nam và nỗ lực thực hiện chúng triệt để, họ nên dọn sạch rác trong nhà, trước khi lên tiếng kêu ủng hộ", bà nói. "Trước khi đưa ra những lời bào chữa khập khiễng, ít nhất họ nên đưa ra luật để ngăn chặn trò hề cặn bã của con người", bà nói thêm.
Sửa luật
Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết chiến dịch phát tờ rơi gây căng thẳng giữa hai miền và cần phải dừng lại. Người phát ngôn bộ trên, Yoh Sang-key nêu rõ: "Thực tế, phần lớn các tờ rơi lại được phát hiện nằm trên lãnh thổ Hàn Quốc, gây ô nhiễm môi trường và làm tăng gánh nặng dọn dẹp cho cư dân sống gần khu vực biên giới... Bất kỳ hành động nào có thể đặt ra mối đe dọa đối với sự an toàn và tài sản của người dân nơi đây cần được chấm dứt". Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết đang cân nhắc các biện pháp, trong đó có việc "sửa đổi quy định" để ngăn chặn hoạt động gây gia tăng căng thẳng này.
Chính phủ Hàn Quốc đã nhiều lần kêu gọi không thả tờ rơi như vậy sang phía Triều Tiên, với lý do lo ngại về sự an toàn của cư dân ở những khu vực nơi những quả bóng bay mang theo tờ rơi được thả vì Bình Nhưỡng có thể hành động quân sự trả đũa đối với các khu vực này. Tuy nhiên, các nhóm đào ngũ và các tổ chức dân sự chống Triều Tiên thường phớt lờ những khuyến cáo như vậy, với lý do hành động thả tờ rơi thể hiện quyền tự do ngôn luận của họ. Luật hiện hành cũng không cấm chiến dịch phát tờ rơi.
Tiếp tục bế tắc
Tuyên bố mạnh mẽ của Triều Tiên được đưa ra trong bối cảnh quan hệ liên Triều trở nên trì trệ trong bối cảnh các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa giữa Bình Nhưỡng và Wasington rơi vào bế tắc kể từ sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 2-2019 kết thúc mà không đạt được thỏa thuận nào.
Tháng 10-2019, Triều Tiên yêu cầu Hàn Quốc dỡ bỏ cơ sở hạ tầng tại khu du lịch núi Kumgang để nước này có thể tự xây một khu du lịch quốc tế của riêng mình. Hàn Quốc đã đóng cửa tổ hợp công nghiệp chung ở thị trấn biên giới Kaesong của Triều Tiên vào năm 2016 sau các vụ khiêu khích hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng. Trước đó, trong các cuộc hội nghị thượng đỉnh 2018, lãnh đạo hai bên đã nhất trí nối lại các chuyến du lịch trên núi và hoạt động tại khu công nghiệp, cũng như các dự án trao đổi xuyên biên giới quan trọng. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, quá trình không mấy tiến triển vì các lệnh trừng phạt toàn cầu.
Đầu năm nay, Hàn Quốc và Triều Tiên cũng tạm thời đóng cửa văn phòng liên lạc tại Kaesong do sự bùng phát của đại dịch Covid-19.
AN BÌNH