Triều Tiên dọa oanh kích Mỹ-Nhật
(Cadn.com.vn) - Quân đội Triều Tiên lại có những tuyên bố khiêu khích khi cảnh báo, các căn cứ Mỹ ở Guam và Nhật Bản nằm trong “tầm truy kích” của họ.
Tình hình bán đảo Triều Tiên càng dậy sóng khi Bình Nhưỡng ngày 21-3 cho biết sẽ tấn công các căn cứ quân sự của Mỹ ở Nhật và đảo Guam ở Thái Bình Dương nếu bị khiêu khích. Đây là tuyên bố mạnh mẽ và “hiện thực” nhất phát đi từ Triều Tiên nhằm đáp trả việc Mỹ sử dụng máy bay ném bom B-52 vũ trang hạt nhân trong cuộc tập trận chung với Hàn Quốc.
Tấn công đảo Guam
Hãng KCNA dẫn lời một phát ngôn viên Bộ Chỉ huy Tối cao Quân đội Nhân dân Triều Tiên nhấn mạnh: “Chúng tôi không thể dung thứ cho việc Mỹ tiến hành cuộc tập trận tấn công hạt nhân mà chúng tôi là mục tiêu...”. Bình Nhưỡng cũng cảnh cáo, Mỹ không nên quên rằng, căn cứ không quân Andersen ở Guam cũng như các căn cứ hải quân Mỹ ở đảo Okinawa và đảo chính của Nhật Bản đều nằm trong tầm tấn công của quân đội Triều Tiên.
Đe dọa này đưa ra một ngày sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un giám sát một cuộc diễn tập tấn công máy bay không người lái nhằm vào Hàn Quốc. Cũng ngày này, Bình Nhưỡng lên án việc Mỹ triển khai máy bay ném bom B-52 trên Bán đảo Triều Tiên như “động thái khiêu khích không thể tha thứ”, đồng thời đe dọa có hành động quân sự nếu Mỹ tiếp diễn hành động này. Washington đã gửi tín hiệu cảnh báo mạnh mẽ nhất gửi đến Triều Tiên bằng việc triển khai huấn luyện bay máy bay ném bom B-52 có khả năng mang vũ khí hạt nhân trên bầu trời Hàn Quốc.
Căn cứ quân sự Futenma của Mỹ ở Okinawa, Nhật Bản. Ảnh: CNN
Đáp lại, Bình Nhưỡng cũng tuyên bố sẵn sàng cho một cuộc không kích quy mô kèm theo một thông điệp yêu cầu các đơn vị quân đội sẵn sàng chiến đấu. Thông tin này được Bộ Thống nhất Hàn Quốc dẫn nguồn từ một đài phát thanh ở Seoul, song cho biết, động thái hăm dọa trên dường như là một phần trong cuộc tập trận quốc phòng. Giới chuyên gia cũng cho rằng, hành động này dường như là cuộc tập trận theo kịch bản tấn công đường không.
Chiến lược quân sự đầu tiên
Kể từ khi nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-Un lên nắm quyền thay cha từ cuối năm 2011, ông dường như theo đuổi chính sách răn đe quân sự mạnh mẽ hơn chứ không phải áp dụng cách tiếp cận hòa bình trong mối quan hệ với Hàn Quốc và Mỹ.
Chính quyền của nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-Un trong thời gian qua liên tục đưa ra những đe dọa đầy hiếu chiến nhằm đáp trả cuộc tập trận “xâm lược và thù địch” giữa Hàn Quốc và Mỹ cũng như các biện pháp trừng phạt mới của HĐBA LHQ sau vụ thử nghiệm hạt nhân lần 3.
Hãng thông tấn KCNA ngày 21-3 cho biết, Triều Tiên sẽ triệu tập kỳ họp thứ VII của Quốc hội khóa XII vào ngày 1-4. Đây là kỳ họp cực kỳ quan trọng trong bối cảnh mối quan hệ giữa Bình Nhưỡng với các nước lân cận đang “bước vào thời kỳ nguy hiểm”.
Kết quả là, Triều Tiền trở thành vấn đề lo ngại trong chính sách ngoại giao của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ông chủ Nhà Trắng càng sốt ruột khi ông Kim Jong-Un quan tâm đến các cuộc tiếp xúc với ngôi sao bóng rổ Dennis Rodman hơn các nhà ngoại giao. Rồi các vụ thử tên lửa tầm xa và thử hạt nhân thực sự làm tan vỡ hy vọng về bất kỳ đàm phán nào về chương trình hạt nhân của Triều Tiên trong tương lai gần.
Thật vậy, Bình Nhưỡng gần đây thẳng thừng tuyên bố không đàm phán về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của mình, đồng thời còn khẳng định đã hủy bỏ hiệp ước đình chiến với Seoul.
Khả Anh