Báo Công An Đà Nẵng

Triều Tiên hạn hán, lo thiếu lương thực

Thứ sáu, 19/06/2015 11:38

(Cadn.com.vn) - Triều Tiên thừa nhận đang phải đối mặt với nạn hạn hán tồi tệ nhất trong một thế kỷ, làm dấy lên những lo ngại về tình trạng thiếu lương thực.

Hãng thông tấn KCNA cho biết: "Đợt hạn hán nặng nhất trong 100 năm đang tiếp diễn ở Triều Tiên, gây thiệt hại lớn. Các tỉnh trồng lúa chính, gồm Nam Hwanghae, Bắc Hwanghae, Nam Pyongan và Nam Hamgyong, bị ảnh hưởng nặng nề và hơn 30% những cánh đồng lúa bị khô hạn. Mực nước tại các hồ chứa đều ở mức thấp nhất. Sông, suối đang dần cạn khô. Bộ Thống nhất Hàn Quốc tuần trước cho biết, sản lượng thu hoạch của Triều Tiên có thể giảm đến 20% so với năm ngoái nếu thời tiết ít mưa còn kéo dài đến đầu tháng 7.

Tình hình quá nghiêm trọng

Thật bất thường khi Triều Tiên công khai về thiếu thốn của họ. Nó chứng tỏ tình hình nghiêm trọng, và có thể, Bình Nhưỡng muốn sự giúp đỡ từ bên ngoài. Theo giới phân tích, tuyên bố xác nhận về nạn hạn hán trùng hợp với việc thả 2 tù nhân Hàn Quốc, cho thấy mong muốn được giúp đỡ của Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên, thăm dò dư luận ở Hàn Quốc đưa ra những lập trường trái ngược. Đa số người ủng hộ viện trợ cho Triều Tiên nhưng một số cũng hỏi vì sao phải giúp một đất nước phát triển vũ khí hạt nhân nhắm vào chính những nước viện trợ. Trước đây, Bình Nhưỡng từng nhấn mạnh, không có gì xấu có thể xảy ra ở một quốc gia với sự lãnh đạo của một Lãnh tụ vĩ đại khôn ngoan" và cho rằng, yêu cầu viện trợ nước ngoài làm "mất giá trị của họ", nhà phân tích Hàn Quốc Andrei Lankov nói với BBC. Nhưng trong 10 năm qua, Triều Tiên cởi mở hơn trong việc thừa nhận các vấn đề gây ra bởi hiện tượng tự nhiên.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un đến thăm một trang trại hồi đầu tháng này. Ảnh: BBC

Nạn đói những năm 1990 có lặp lại?

Triều Tiên từng trải qua nạn đói khủng khiếp vào những năm 1990, với hàng trăm ngàn người được cho là đã chết đói. Theo giới phân tích, nếu sản lượng lương thực hiện tại của nước này giảm 20%, nạn đói có thể xảy ra như hồi những năm 1990.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, những thay đổi trong nền kinh tế Triều Tiên trong vòng 20 năm qua khiến nạn đói thảm khốc ít có khả năng xảy ra. Những cải cách nông nghiệp cho phép nông dân dự trữ nhiều sản phẩm, dẫn đến sự gia tăng trong sản xuất. Ngoài ra, theo ông Robert Winstanley-Chesters, chủ đề tài nghiên cứu "Đằng sau Dự án Chiến tranh Triều Tiên" tại Đại học Cambridge, Bình Nhưỡng cố gắng đa dạng hóa sản xuất nông nghiệp từ trồng lúa sang nhiều loại lương thực khác.

Phó Giám đốc khu vực Châu Á của Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), John Aylieff, cảnh báo, nông nghiệp của Triều Tiên vẫn phụ thuộc nặng nề vào lượng mưa và hạn hán tác dụng lên vụ thu hoạch chính trong vài tháng tới có thể gây ra tình trạng suy dinh dưỡng, đặc biệt là ở trẻ em".

Ưu tiên cho quân sự?

Triều Tiên vẫn duy trì số quân thường trực lớn nhất thế giới và trong nhiều năm qua, "quân đội là trên hết" vẫn là chính sách hàng đầu của chính phủ.

Viện trợ chủ yếu dành cho tầng lớp ưu tú, nhưng ông Lankov cho biết, một yếu tố quan trọng trong phân phối viện trợ là giữ cho bộ máy quân sự hoạt động. Viện trợ được phân phối trước tiên đến những "các ngành nghề nhạy cảm chính trị", chẳng hạn như cảnh sát và những người làm trong lĩnh vực trong sản xuất quân sự. Những người trong các thành phố lớn cũng là một ưu tiên nhằm tránh bạo loạn. Ngoài ra, vì quân đội tham gia vào rất nhiều lĩnh vực trong cuộc sống ở Triều Tiên, chi tiêu quân sự sẽ tập trung vào các dự án nông nghiệp do quân đội điều hành như cải tạo đất cho các trang trại.

An Bình
(Theo BBC)