Báo Công An Đà Nẵng

Triều Tiên lại thử bom H

Thứ hai, 04/09/2017 08:29

Ngày 3-9, Triều Tiên tuyên bố nước này đã thử thành công một quả bom nhiệt hạch (bom H) để gắn vào tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Năng lượng phát ra từ vụ thử này lớn hơn bất kỳ vụ thử hạt nhân nào trước đó của Bình Nhưỡng. 

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un kiểm tra bom H có thể gắn vào ICBM trong chuyến thăm Viện nghiên cứu vũ khí hạt nhân. Ảnh: Yonhap

Trong một thông báo quan trọng, Triều Tiên cho biết đã thử hạt nhân lần thứ 6 vào lúc 12 giờ (giờ Bình Nhưỡng), gọi đó là một thành công “hoàn hảo”.

Thông báo này được đưa ra vài giờ sau khi một trận động đất nhân tạo với cường độ 5,7 độ richter được phát hiện gần khu vực thử hạt nhân của Triều Tiên ở đông bắc nước này. “Vụ thử nghiệm H-bomb được tiến hành để kiểm tra và khẳng định tính chính xác và độ tin cậy của công nghệ điều khiển công suất, và thiết kế kết cấu bên trong mới được đưa vào sản xuất bom H được đặt làm trọng tải của ICBM”, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) tuyên bố. “Sự thành công này cũng đánh dấu bước đi quan trọng để đạt được mục tiêu cuối cùng là hoàn thành năng lực hạt nhân của đất nước”, KCNA nhấn mạnh thêm.

Kênh truyền hình nhà nước Triều Tiên (KCTV) thông báo vụ thử bom H nói trên được nhà lãnh đạo Kim Jong-Un chỉ đạo thực hiện. KCTV khẳng định đây là vụ thử “thành công hoàn hảo” và là bước đi “đầy ý nghĩa” trong việc hoàn thành chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng. Triều Tiên cũng khẳng định không có hiện tượng rò rỉ chất phóng xạ trong vụ thử hạt nhân này.

Gây động đất mạnh

Theo Hội đồng tham mưu trưởng liên quân  (JCS) Hàn Quốc, một trận động đất nhân tạo được phát hiện ở xung quanh bãi thử Punggye-ri, tỉnh Bắc Hamgyeong của Triều Tiên.

Quân đội Hàn Quốc điều động đơn vị phản ứng khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên. Trong khi đó, Cơ quan khí tượng Hàn Quốc cho biết, trận động đất này được ghi nhận xảy ra vào lúc 12 giờ 36 (giờ địa phương). Vụ nổ mới nhất này mạnh gấp 5-6 lần so với vụ thử nghiệm lần thứ 5 của Triều Tiên hồi tháng 9-2016 và có sức phá hủy gấp 11 lần so với vụ thử nghiệm lần thứ 4.

Cơ quan khảo sát địa chất Mỹ (USGS) cho biết, một trận động đất mạnh 5,6 độ Richter đã xảy ra tại Triều Tiên. USGS cho biết tâm chấn của trận động đất trên chỉ nằm ở độ sâu 10km. Cơ quan Động đất Trung Quốc (CEA) đã phát hiện một trận động đất mạnh 6,3 độ Richter tại Triều Tiên và nghi ngờ đây là một vụ nổ. CEA sau đó cũng phát hiện một trận động đất khác mạnh 4,6 độ Richter ở Triều Tiên ở độ sâu 0km, diễn ra 8 phút sau trận động đất thứ nhất.

Theo Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA), trận động đất được cho là do một vụ thử hạt nhân của Triều Tiên mạnh hơn ít nhất 10 lần so với lần Bình Nhưỡng cho nổ một quả bom nguyên tử cách đây một năm. Giám đốc Chương trình không phổ biến vũ khí hạt nhân Đông Á Jeffrey Lewis trên trang Twitter cho biết, quy mô của trận động đất ở Triều Tiên cho thấy vụ nổ này có sức công phá khoảng 1 megaton. 

Bước ngoặt sản xuất vũ khí hạt nhân

Trước đó, KCNA tuyên bố, Triều Tiên đã sản xuất được bom H có thể gắn vào ICBM, khẳng định có thể chế tạo được nhiều vũ khí hạt nhân như nước này mong muốn.

KCNA cho biết, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un đã kiểm tra loại bom H có thể gắn vào ICBM nói trên trong chuyến thăm Viện nghiên cứu Vũ khí hạt nhân. Theo KCNA, viện nghiên cứu nói trên đã thành công trong việc phát triển “một loại vũ khí hạt nhân hiện đại hơn”, tạo ra “một bước ngoặt” đối với quá trình sản xuất vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. 

KCNA khẳng định các nhà khoa học Triều Tiên đã “nâng cấp các đặc tính kỹ thuật của loại bom H mới đến một mức độ vô cùng tối tân, dựa trên những thành công thu được từ vụ thử bom H đầu tiên”. Vào tháng 1-2016, Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 4, trong đó Bình Nhưỡng tuyên bố thử thành công một quả bom H. Triều Tiên tuyên bố, tất cả các thành phần của bom H là “tự chế” và nước này cũng sở hữu toàn bộ các công đoạn và công nghệ chế tạo bom H. Điều này cho phép Bình Nhưỡng sản xuất bom H số lượng lớn mà không phụ thuộc vào nước ngoài.

Trong bản tin ngày 3-9, KCNA khẳng định sức mạnh của quả bom H mà Triều Tiên chế tạo có thể lên tới hàng trăm kiloton và có thể được kích nổ ở độ cao lớn để tạo ra những vụ tấn công bằng xung điện từ (EMP) vô cùng nguy hiểm có thể đánh sập hệ thống năng lượng, máy tính, thông tin liên lạc của đối phương.

Vụ thử mới nhất dường như đưa Triều Tiên tiến gần hơn tới mục tiêu phát triển một ICBM mang đầu đạn hạt nhân có khả năng vươn đến lục địa Mỹ. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, Triều Tiên cần vài năm nữa để thành công bởi ngoài việc thu nhỏ vũ khí hạt nhân, công nghệ tái nhập khí quyển là một yếu tố quan trọng trong việc phát triển một ICBM. Yang Moo-jin, giáo sư tại Đại học Nghiên cứu Bắc Hàn cho biết, “Vụ thử nghiệm vũ khí hạt nhân thứ sáu cho thấy Triều Tiên đang đẩy nhanh việc đối phó với Mỹ trên cơ sở bình đẳng sau khi giành được một vị thế về vấn đề hạt nhân”.

Các nước lên án mạnh mẽ

Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết, Tokyo đã kêu gọi HĐBA LHQ họp khẩn về vụ thử hạt nhân nói trên, đồng thời khẳng định, Nhật Bản đã trao công hàm phản đối Bình Nhưỡng về vụ thử này.

Hàn Quốc cũng cực lực lên án vụ thử hạt nhân mới nhất của Triều Tiên, đồng thời cam kết thúc đẩy các biện pháp trừng phạt mới và mạnh mẽ nhất của HĐBA LHQ nhằm cô lập hoàn toàn Bình Nhưỡng. Phát biểu sau cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC), Cố vấn an ninh chủ chốt của Tổng thống Hàn Quốc, ông Chung Eui-yong khẳng định: “Tổng thống Moon Jae-in tuyên bố Hàn Quốc sẽ không bao giờ cho phép Triều Tiên tiếp tục thúc đẩy công nghệ hạt nhân và tên lửa”. Bên cạnh đó, ông Chung Eui-yong cũng khẳng định, Tổng thống Moon đã ra lệnh tiến hành các biện pháp đáp trả tối đa đối với Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân lần thứ 6.

Trung Quốc cũng kịch liệt lên án vụ thử hạt nhân của Triều Tiên, chỉ trích gay gắt Bình Nhưỡng đã phớt lờ những chỉ trích của quốc tế về chương trình vũ khí hạt nhân của nước này. Trong khi đó, Nga kêu gọi bình tĩnh, đồng thời chỉ trích Triều Tiên. Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Nga khẳng định: “Hành động thiếu tôn trọng mới nhất của Bình Nhưỡng đối với yêu cầu của các nghị quyết liên quan của HĐBA LHQ và các tiêu chuẩn của luật pháp quốc tế cần bị lên án mạnh mẽ nhất”.

Tại Pháp, Tổng thống Emmanuel Macron kêu gọi cộng đồng quốc tế đáp trả “rất kiên quyết” đối với việc Triều Tiên thông báo thử thành công một quả bom hạt nhân. 

AN BÌNH

-------------------------------------------------------------------------------------------------------

Mỹ cam kết bảo vệ Nhật Bản bằng răn đe hạt nhân

Ngày 3-9, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ H.R. McMaster đã nói với Chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia Nhật Bản Shotarou Taniuchi rằng, Washington cam kết bảo vệ Tokyo, trong đó có răn đe hạt nhân.

Theo Reuters, ông McMaster đã đưa ra lời trấn an nói trên trong cuộc điện đàm với ông Shotarou. Theo hiệp ước liên minh Nhật-Mỹ, Washington cam kết bảo vệ Tokyo. Mỹ đặt Nhật Bản dưới chiếc ô hạt nhân của mình, có nghĩa là Washington có thể đáp trả bằng vũ khí hạt nhân đối với bất cứ cuộc tấn công nào nhằm vào Nhật Bản.

T.VĂN

-------------------------------------------------------------------------------------------------------