Báo Công An Đà Nẵng

Triều Tiên lại thử tên lửa

Thứ năm, 30/11/2017 11:08

Sau hơn 2 tháng im hơi lặng tiếng, Triều Tiên ngày 29-11 tuyên bố thử thành công tên lửa đạn đạo tầm xa có thể vươn tới toàn bộ lục địa Mỹ, động thái làm gia tăng căng thẳng quân sự trong khu vực.

Hình ảnh Triều Tiên phóng tên lửa được chiếu trên màn hình
trên đường phố ở Tokyo, Nhật Bản.
    Ảnh: MSN

Đủ sức vươn tới Mỹ?

Thông báo của Cơ quan Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết, loại tên lửa được phóng đi lần này là Hwasong-15, phiên bản nâng cấp của tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-14, có thể mang đầu đạn hạt nhân siêu lớn, thành công mà nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un mô tả là những phát hiện cuối cùng về quá trình phát triển vũ khí hạt nhân của nước này.

"Đây là ICBM mạnh nhất đáp ứng mục tiêu hoàn tất phát triển hệ thống vũ khí tên lửa của Triều Tiên", thông báo của KCNA cho biết. Truyền thông nhà nước Triều Tiên sau đó đưa tin, ông Kim Jong-Un trước đó một ngày đã ra lệnh cho các kỹ sư phóng ICBM mới với "sự dũng cảm". Truyền hình nhà nước Triều Tiên đăng tải bản mệnh lệnh có chữ ký của ông Kim với nội dung: "Vụ phóng thử đã được chấp thuận. Diễn ra vào sáng 29-11! Phóng bằng dũng khí vì đảng và đất nước".

Thông báo được đưa ra vài giờ sau khi Triều Tiên phóng tên lửa từ một địa điểm ở phía bắc thủ đô Bình Nhưỡng. Theo thông báo của cả quân đội Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản, tên lửa đã bay theo hướng Đông 950km, với độ cao nhất khoảng 4.475km, trước khi rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật Bản. Nếu được xác nhận, đây là vụ thử ICBM thứ 3 của Triều Tiên từ tháng 7 đến nay. Đây cũng là vụ phóng tên lửa đạn đạo đầu tiên của Bình Nhưỡng kể từ hôm 15-9, khi nước này bắn một tên lửa đạn đạo tầm trung bay qua lãnh thổ Nhật Bản.

Theo các chuyên gia, tên lửa Triều Tiên phóng sáng 29-11 đủ sức vươn đến thủ đô Washington của Mỹ và nhiều khu vực của nước này. Chuyên gia David Wright, Giám đốc chương trình an ninh toàn cầu, nhận định, nếu tên lửa bay theo quỹ đạo chuẩn thay vì theo quỹ đạo "đường vòng" thì có thể đạt tầm bắn hơn 13.000 km. Ông Wright cho hay: "Loại tên lửa như vậy sẽ có thừa tầm bắn để vươn tới thành phố Washington và thực tế là bất kể nơi nào trên lục địa Mỹ". Đồng quan điểm, ông Scott Seaman, Giám đốc Châu Á tại hãng tư vấn Eurasia, cho rằng, nếu tên lửa bay theo quỹ đạo thẳng, nó có thể bay được hơn 13.000km và vươn đến những khu vực rất xa, ví dụ như thủ đô Washington.

Tuy nhiên, Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak-yon tuyên bố vụ thử tên lửa tầm xa mới nhất của Triều Tiên có thể đã không hoàn toàn thành công vì tên lửa đã mất liên lạc với trung tâm kiểm soát trên mặt đất ở giữa hành trình bay. Tuy nhiên, ông Lee cũng cho rằng, Triều Tiên "đã đạt đến giai đoạn chạy đua hướng đến việc hoàn thiện ICBM".

Mỹ là mục tiêu tấn công hạt nhân duy nhất

Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tối cao kiêm Giám đốc Viện Thống nhất Quốc gia Triều Tiên, ông Ri Jong-hyok, tuyên bố chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng chỉ nhằm vào Mỹ và các quốc gia khác không nên lo sợ bị nước này tấn công.

"Quyết tâm của nhân dân Triều Tiên là đối đầu với Mỹ chỉ bằng vũ khí hạt nhân nhằm đạt sự cân bằng sức mạnh", ông Ri nhấn mạnh. Ông Ri cũng cho biết, chương trình hạt nhân của Triều Tiên chỉ là một công cụ phòng thủ chống lại Mỹ. Ông này nêu rõ: "Sự răn đe hạt nhân của chúng tôi là một thanh gươm công lý nhằm chống lại vũ khí hạt nhân của Mỹ... Do đó, Châu Á và bất cứ nước nào trên thế giới không cần phải lo lắng về những mối đe dọa từ chúng tôi, miễn là họ không tham gia cuộc xâm lược và khiêu khích chúng tôi".

Đáp trả động thái khiêu khích của Triều Tiên, thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Lindsay Graham khẳng định, Tổng thống Trump sẽ không cho phép nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un thực hiện một vụ tấn công bằng vũ khí hạt nhân có khả năng vươn tới lục địa Mỹ. Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa bang Nam Carolina cảnh báo Bình Nhưỡng đang tự đặt mình vào tình huống nguy hiểm lớn hơn, với việc tiến hành các vụ thử bất chấp sức ép từ cộng đồng quốc tế buộc nước này ngừng chương trình tên lửa và hạt nhân.

Nga-Trung chỉ trích

Nga đã chỉ trích vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, cho rằng đây là "hành động khiêu khích" làm gia tăng căng thẳng.  Phát biểu với các phóng viên tại Moscow người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Nga hy vọng tất cả các bên liên quan cần giữ bình tĩnh nhằm tránh để xảy ra kịch bản xấu nhất tại Bán đảo Triều Tiên.

Trung Quốc cũng bày tỏ "quan ngại sâu sắc" trước vụ Triều Tiên phóng thử tên lửa. Phát biểu tại một buổi họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nêu rõ, Bắc Kinh kêu gọi tất cả các bên liên quan hành động thận trọng để duy trì hòa bình và ổn định. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in lên án động thái này của Triều Tiên. Ông cảnh báo, một khi Bình Nhưỡng hoàn tất phát triển ICBM, tình hình an ninh sẽ trở nên trầm trọng hơn đến mức "không kiểm soát được".

Theo giới phân tích, vụ thử mới nhất của Triều Tiên đã dội gáo nước lạnh dập tắt hy vọng nhà lãnh đạo Kim Jong-Un có thể quay trở lại bàn đàm phán, mở ra cánh cửa tìm kiếm một giải pháp thông qua thương lượng trong vấn đề bất đồng hạt nhân với Tổng thống Trump.

AN BÌNH