Triều Tiên thay lãnh đạo quân sự trước hội nghị Mỹ-Triều
Ba quan chức quân sự hàng đầu của Triều Tiên đã được thay thế trước hội nghị thượng đỉnh lịch sử giữa nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump, một động thái được cho là có chủ ý của Bình Nhưỡng.
Ông Park Yong-sik, một trong ba quan chức quân đội bị thay thế lần này. Ảnh: YONHAP |
Yonhap dẫn nguồn thạo tin cho biết, các quan chức được cho là bị bãi miễn khỏi một số vị trí quan trọng nhất trong cơ cấu quân sự Triều Tiên, bao gồm ông Ri Myong-su, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Triều Tiên (KPA) và cũng là bạn thân của cố lãnh đạo Kim Jong-il. Hai nhân vật khác là Bộ trưởng Quốc phòng Park Yong-sik và Cục trưởng Cục Chính trị KPA Kim Jong-gak.
Thay thế Bộ trưởng Quốc phòng Pak Yong-sik là ông No Kwang-chol, một người được cho là theo đường lối ôn hòa hơn. Trong khi đó, Tướng Kim Su-gil thay thế Kim Jong-gak làm Cục trưởng Tổng cục Chính trị đã được xác nhận trong một bản tin của truyền thông nhà nước Triều Tiên vào tháng trước, khi ông Kim Su-gil tháp tùng nhà lãnh đạo Kim Jong-un đi thị sát một khu vực du lịch biển.
Hiện chưa rõ lý do khiến 3 quan chức cấp cao của quân đội Triều Tiên mất chức, song một số nhà quan sát cho rằng, có thể những người này bất đồng quan điểm với nhà lãnh đạo Kim Jong-un trong chính sách theo hướng cởi mở, ôn hòa hơn với Mỹ và Hàn Quốc.
Ken Gause, Giám đốc nhóm nghiên cứu quan hệ quốc tế của một tổ chức phi lợi nhuận, nhận định: "Nếu ông Kim Jong-un muốn hòa hoãn với Mỹ và Hàn Quốc và muốn mặc cả ít nhất một phần chương trình hạt nhân, ông ấy sẽ phải tạm gói ghém lại tầm ảnh hưởng của quân đội Triều Tiên. Việc cải tổ này sẽ chọn ra các quan chức có thể làm điều đó. Họ là những người trung thành tuyệt đối với ông Kim Jong-un".
Ngoài ra, ba tướng được bổ nhiệm mới cũng có tuổi đời trẻ hơn so với những người tiền nhiệm. Michael Madden, một chuyên gia của trang web 38Norrth của Đại học Johns Hopkins (Mỹ), cũng nhận định, động thái này của ông Kim Jong-un dường như là nhằm thiết lập một đội ngũ trợ lý quân sự trẻ hơn và đáng tin cậy hơn trong bối cảnh ông phải đối mặt với hàng loạt vấn đề trong nước và quốc tế. Chuyên gia này cho rằng, động thái cải tổ nhân sự cũng phản ánh mong muốn của ông Kim Jong-un nhằm đưa quân đội đóng vai trò lớn hơn trong các dự án kinh tế trọng điểm của quốc gia. Ngoài ra, ông Kim Jong-un có lẽ mong muốn sớm nhận được nhiều hơn đầu tư và viện trợ kinh tế của quốc tế dựa vào tiến triển của các cuộc đối thoại đang diễn ra giữa Triều Tiên với Mỹ và Hàn Quốc.
Giáo sư Yang Moo-ji thuộc Đại học nghiên cứu Triều Tiên ở Seoul cũng có cùng nhận định: "Điểm này cho thấy hai điều đó là: ông Kim Jong-un đang củng cố quyền lực và củng cố mối quan hệ giữa đảng với quân đội trong bối cảnh Triều Tiên đẩy mạnh phát triển kinh tế. Họ trẻ tuổi, nhưng họ đều là những người có năng lực”.
Ông Kim Yong-hyun, Giáo sư nghiên cứu Triều Tiên tại Đại học Dongguk ở Seoul, ban lãnh đạo quân sự mới sẽ đưa ra ý kiến chuyên môn về các công việc kinh tế do quân đội điều hành thay vì các chiến lược tác chiến. Đây có thể là một dấu hiện cho thấy nhà lãnh đạo Triều Tiên đang "theo đuổi một chính sách mới để trở thành một quốc gia đang phát triển mà không có vũ khí hạt nhân thay vì một quốc gia nghèo khó sở hữu vũ khí hạt nhân". Chuyên gia này nói thêm: "Ông ấy đã chọn con đường theo đuổi phi hạt nhân và một hiệp ước hòa bình thông qua đối thoại và sẽ bổ nhiệm một thế hệ các nhà lãnh đạo quân sự mới để thể hiện cho tầm nhìn của ông ấy. Ông Kim đã chọn một ban lãnh đạo mới, những người phản ánh cách tiếp cận mới và có thể truyền bá một cách tự nhiên hơn những chính sách của ông ấy nhằm đem lại sự ổn định trong quân đội".
Các động thái quân sự này cũng có thể được nhìn nhận như một bước đi khác của ông Kim Jong-un nhằm thể hiện thiện chí tạo ra những thay đổi nội bộ mạnh mẽ trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Singapore vào ngày 12-6 tới.
Bình Nhưỡng vẫn không đưa ra những dấu hiện rõ ràng về việc nước này sẽ "tiến" bao xa đối với những đòi hỏi của Washington nhằm dỡ bỏ chương trình hạt nhân trong cuộc gặp sắp tới. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, Mỹ, Hàn Quốc và Triều Tiên có thể tuyên bố chấm dứt chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên ngay sau khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều kết thúc với kết quả tích cực.
AN BÌNH
Tổng thống Putin mời nhà lãnh đạo Triều Tiên thăm Nga Ngày 4-6, hãng thông tấn RIA dẫn lời ông Ivan Melnikov, Phó Chủ tịch Hạ viện Nga, cho biết Tổng thống Vladimir Putin đã mời nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thăm Nga vào tháng 9 tới. Theo ông Melnikov, hồi tuần trước trong chuyến thăm Bình Nhưỡng, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã chuyển lời của Tổng thống Putin mời nhà lãnh đạo Triều Tiên thăm Nga nhân dịp diễn ra Diễn đàn Kinh tế phương Đông (EEF), vốn được tổ chức thường niên ở thành phố Vladivostok. |