Triều Tiên thử tên lửa
(Cadn.com.vn) - Ngày 12-2, Triều Tiên đã bắn tên lửa đạn đạo tầm trung vào vùng biển phía Đông Bán đảo Triều Tiên, động thái mà quân đội Hàn Quốc cho là sự khiêu khích nhằm thể hiện khả năng quân sự đồng thời kiểm tra phản ứng của tân chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Không phải ICBM
Tên lửa được phóng đi vào khoảng 7 giờ 55 từ căn cứ không quân Banghyon ở tỉnh Pyongan Bắc, phía Tây Triều Tiên. Tên lửa được phóng đi đạt 550 km và sau đó bay khoảng 500 km trước khi rơi xuống vùng biển phía Đông Bán đảo Triều Tiên. Trong tuyên bố sau đó, Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) cho biết, tên lửa này là loại tầm trung Musudan.
Đây là vụ phóng tên lửa đầu tiên của Triều Tiên kể từ khi ông Trump trở thành tổng thống Mỹ, và là hành động khiêu khích lớn đầu tiên của nước này trong năm 2017. Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản lên án mạnh mẽ vụ thử tên lửa của Triều Tiên. “Phóng tên lửa không chỉ vi phạm rõ ràng và trắng trợn các nghị quyết có liên quan của HĐBA LHQ mà còn là mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và ổn định trên Bán đảo Triều Tiên cũng như toàn thể cộng đồng quốc tế”, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết trong một tuyên bố. Quyền Tổng thống kiêm Thủ tướng Hàn Quốc Hwang Kyo-ahn tuyên bố Seoul sẽ đáp trả “một cách tương xứng”.
Trong cuộc họp báo chung đột xuất ở Florida, Tổng thống Trump khẳng định Mỹ 100% ủng hộ Nhật Bản sau vụ Triều Tiên phóng tên lửa. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng lên án vụ phóng tên lửa của Triều Tiên là “hoàn toàn không thể chấp nhận” và thúc giục Bình Nhưỡng tuân thủ nghị quyết HĐBA LHQ.
Một tên lửa đạn đạo Triều Tiên phóng đi. Ảnh: Yonhap |
Gửi thông điệp đến Nhật?
Ông Abe đang ở thăm Mỹ. Nhật Bản rất có thể là đối tượng chính mà Triều Tiên nhắm đến trong vụ phóng tên lửa này. “Đây rõ ràng nhắm vào Nhật Bản”, ông Carl Schuster, cựu Giám đốc điều hành tại Trung tâm tình báo Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ cho biết.
Có hai khía cạnh mà Triều Tiên nhắm đến khi thử tên lửa lần này: kỹ thuật và chính trị. Ngay cả khi vụ thử nghiệm lần này thất bại, Bình Nhưỡng được lợi về nhiều mặt. “Họ đang thử nghiệm khoảng cách, tìm nguyên nhân khiến tên lửa rơi. Họ có thể thử nghiệm một số loại lá chắn nhiệt và liệu tên lửa có thể chịu được lực hấp dẫn hay không?”, tướng về hưu Mỹ Mark Hertling nhận định. Ngoài ra, vụ phóng còn mang ý nghĩa chính trị cả trong nước và quốc tế. Đây là cách để ông Kim chứng minh ông là nhà lãnh đạo mạnh mẽ. Đây cũng là thông điệp khiêu khích mà Bình Nhưỡng muốn nhắc nhở kẻ thù về khả năng quân sự của mình.
Cơ hội của ông Trump
Ông Trump cam kết tiếp cận cứng rắn hơn với Triều Tiên nhưng cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu rõ ràng. Hồi tháng 1, ông Trump cho rằng “sẽ không xảy ra” việc Bình Nhưỡng phát triển tên lửa hạt nhân có khả năng tấn công Mỹ, bất chấp việc Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong bài phát biểu năm mới khẳng định nước này đã “đạt đến giai đoạn cuối” trong việc tung ra một ICBM.
Vụ phóng tên lửa này là cơ hội để ông Trump thực hiện cam kết. Một quan chức Mỹ cho biết chính quyền Trump mong đợi “sự khiêu khích” từ Triều Tiên ngay sau khi nhậm chức và sẽ xem xét các phản ứng phù hợp, tỏ rõ quyết tâm của Mỹ trong khi tránh tình hình leo thang.
Ông Trump đang cân nhắc một loạt các phản ứng, trong đó có các biện pháp trừng phạt mới như thắt chặt kiểm soát tài chính, nâng cao năng lực hải quân và không quân trong và xung quanh bán đảo Triều Tiên cũng như nhanh chóng triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa mới ở Hàn Quốc. Chính quyền Trump cũng có khả năng sẽ gây áp lực lên Trung Quốc để kiềm chế Triều Tiên.
Chuẩn bị cho một cuộc tấn công ICBM tiềm năng trong tương lai là trụ cột quan trọng trong chính sách quốc phòng của Mỹ đối với Triều Tiên. Và mỗi hành động khiêu khích của Bình Nhưỡng là động lực đối với Nhật Bản và Hàn Quốc trong việc cải thiện hệ thống phòng thủ tên lửa.
An Bình
(Theo Yonhap, CNN, Reuters)