Triều Tiên và Thế vận hội PyeongChang
Nhiều chuyên gia lo ngại, cuộc diễu hành tên lửa của Triều Tiên ngay vào đêm trước thềm khai mạc Thế vận hội lần này có thể phủ bóng đen lên nỗ lực hòa giải liên Triều. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia khác cho rằng, đây chỉ là một hoạt động thường lệ chứ không phải là khiêu khích.
Triều Tiên trong lễ diễu binh. Ảnh: AP |
Ngày 8-2, Triều Tiên tổ chức buổi diễu binh hoành tráng nhân kỷ niệm 70 năm thành lập lực lượng vũ trang, trong động thái mà giới phân tích đánh giá là nhằm phô trương sức mạnh quân sự chỉ một ngày trước khi Hàn Quốc khai mạc Thế vận hội mùa Đông PyeongChang.
CNN dẫn các nguồn tin ngoại giao cho biết, cuộc diễu binh quy tụ hàng trăm tên lửa đạn đạo, trong đó có các tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Hwasong 15 và 14 đời mới. Đây là các loại tên lửa được cho là có khả năng vươn tới lãnh thổ Mỹ. Khoảng 50.000 người, trong đó có 13.000 binh sĩ, có mặt tại Quảng trường Kim Nhật Thành ở trung tâm thủ đô Bình Nhưỡng tham gia sự kiện. Nhà lãnh đạo Kim Jong-Un xuất hiện cùng phu nhân, bà Ri Sol-ju. Phát biểu tại lễ kỷ niệm này, nhà lãnh đạo khẳng định với 1,1 triệu binh sĩ, quân đội Triều Tiên có khả năng bảo vệ đất nước trước các mối đe dọa.
Thông điệp gì?
Nhiều chuyên gia lo ngại, cuộc diễu hành tên lửa lần này có thể phủ bóng đen lên nỗ lực hòa giải liên Triều, nhưng chuyên gia khác cho rằng, đây chỉ là một hoạt động thường lệ chứ không phải là khiêu khích.
Trong tuyên bố chính thức, chính quyền Triều Tiên khẳng định sự kiện này không liên quan tới lễ khai mạc Thế vận hội Pyeongchang diễn ra vào hôm nay (9-2). “Đây là truyền thống và rất bình thường. Mọi quốc gia đều coi trọng ngày thành lập quân đội và kỷ niệm bằng những sự kiện hoành tráng như vậy”, tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên, tuyên bố. Bình Nhưỡng hồi tháng 1 quyết định kỷ niệm thành lập quân đội vào ngày 8-2 thay vì 25-4 như các năm trước. Động thái này làm dấy lên nhiều nghi vấn về việc Bình Nhưỡng muốn sử dụng cơ hội này để khiêu khích hay phô trương sức mạnh quân sự khi các nước tập trung đến Hàn Quốc dự Thế vận hội PyeongChang. Nhưng Bình Nhưỡng có lý do thật sự. Quân đội Triều Tiên thành lập ngày 8-2-1948, ngày kỷ niệm sau đó được chuyển sang tháng 4 kể từ năm 1978.
Tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều ngờ vực. Nhiều người cho rằng, đây là một bước đi được tính toán cẩn thận nhằm tận dụng sự chú ý toàn cầu đối với Bán đảo Triều Tiên để tái khẳng định sức mạnh quân sự của Bình Nhưỡng. Với cách tiếp cận kép, Triều Tiên đang tìm cách bình thường hóa sự trỗi dậy về mặt quân sự và vị thế một “quốc gia hạt nhân trên thực tế” và có thể đang cố gắng làm suy yếu các biện pháp trừng phạt của quốc tế hoặc làm rạn nứt liên minh Mỹ- Hàn.
Đối thoại Mỹ - Triều: Hy vọng mong manh
Vì lý lẽ này, bất chấp động thái tan băng trong mối quan hệ liên Triều nhờ Thế vận hội PyeongChang, căng thẳng vẫn tiếp tục gia tăng giữa Bình Nhưỡng và Washington.
Khi Bình Nhưỡng đang diễu binh quân sự, Mỹ đang gia tăng sức ép đối với quốc gia Đông Bắc Á này. Vì vậy, đã có nhiều hy vọng về cuộc gặp thượng đỉnh chưa từng có giữa Mỹ-Triều tại PyeongChang lần này. Ngọn lửa hy vọng càng được thắp lên khi Bình Nhưỡng thông báo đã cử ông Kim Yong-nam, Chủ tịch Quốc hội tới Hàn Quốc trong thời gian diễn ra sự kiện thể thao toàn cầu này. Theo giới chuyên gia, việc cử ông Kim đến Hàn Quốc là dấu hiệu cho thấy thiện chí sẵn sàng đối thoại của Triều Tiên đối với Mỹ. Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence hôm 7-2 nói không loại trừ khả năng có một cuộc gặp với các quan chức Triều Tiên bên lền Thế vận hội PyeongChang.
Nhưng vẫn khó có khả năng Bình Nhưỡng và Washington sẽ tiến hành các cuộc đối thoại “có ý nghĩa” bên lề Thế vận hội. Thực tế là, ngày 8-2, Đại sứ quán Triều Tiên tại Moscow thông báo phái đoàn của nước này không có kế hoạch gặp các đại diện Mỹ tại PyeongChang. Bình Nhưỡng khẳng định không muốn sử dụng Thế vận hội này như một “không gian chính trị”.
KHẢ ANH