Báo Công An Đà Nẵng

Trịnh Công Sơn qua ký ức một người bạn

Thứ sáu, 04/05/2012 00:00

Kỳ 1: Đi tìm giọng ca

(Cadn.com.vn) - Thời sinh viên của bà gắn bó với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, với những đêm diễn nhạc Trịnh cùng hát vang những bài ca phản chiến kêu gọi thống nhất... Bà vẫn nhớ như in những kỷ niệm vui, buồn với người nhạc sĩ tài hoa... Đó là bà Trần Tuyết Hoa, một người bạn tâm giao với cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, mẹ của ca sĩ Nguyễn Hữu Thái Hòa nổi tiếng với dòng nhạc Trịnh, trở thành một giọng hát "ruột" không thể thiếu đối với các fan ghiền nhạc Trịnh cả trong và ngoài nước trong nhiều năm qua. Hiện gia đình bà đang sống tại TPHCM. Tôi đã may mắn gặp và nghe bà kể về những kỷ niệm sâu sắc với cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, trong dịp gia đình bà đến  Đà Nẵng du lịch vừa qua.

Hành trình đến với âm nhạc Trịnh Công Sơn trong tôi khởi đầu từ mối tâm giao giữa những người bạn thời sinh viên. Tấm lòng chân thành của bạn bè đã đưa chúng tôi lại gần với nhau tự lúc nào không biết. Và cũng bắt đầu từ đó, âm nhạc Trịnh Công Sơn đã là một phần trong đời sống của tôi. Đầu những năm 1960, lần đầu tiên tôi được nghe một số tình khúc của Trịnh Công Sơn, lúc bấy giờ là một nhạc sĩ trẻ chưa mấy tên tuổi ở Sài Gòn hoa lệ. Lứa tuổi học trò chúng tôi thời ấy không ai không thuộc những ca khúc Ướt mi, Thương một người, Nhìn những mùa thu đi, Chiều một mình qua phố... Những bài hát của Sơn có sức hút rất lạ với chúng tôi, như có một ma lực nào đó không lý giải được. Những Hạ Trắng, Diễm xưa, rồi Phôi pha, Mưa hồng... những bản tình ca đượm buồn với lời ca thánh thiện và triết lý, trăn trở về thân phận con người.

Trịnh Công Sơn hát tại Đại học Văn khoa Sài Gòn. 

Khi nghe những ca khúc của Sơn, tôi cứ nghĩ ông này chắc lãng tử lắm nhưng gặp rồi mới biết không hẳn vậy. Vào niên khóa 1964-1965, tôi ở trong Ban đại diện Sinh viên Đoàn Đại học Văn khoa Sài Gòn và tại đây lần đầu tiên tôi gặp Trịnh Công Sơn. Sơn gầy, đeo kính cận rộng vành, dáng dấp thư sinh, nói giọng Huế nhỏ nhẹ. Sơn và ca sĩ Thái Thanh đến trường tôi để tham gia hội lửa trại. Sơn đệm đàn cho Thái Thanh hát những sáng tác mới là Lời buồn thánh và Tuổi đá buồn... Không có sân khấu, khán giả hầu hết là sinh viên, ngồi xổm dưới đất, cứ thế nghe nhạc của Sơn liền mấy đêm lửa trại, vậy mà vui. Sau những đêm diễn ấy, Sơn hỏi nhóm bạn hữu về giọng ca của ca sĩ Thái Thanh, ai cũng khen cô hát tốt nhưng tôi lại nghĩ khác "giọng của Thái Thanh rất độc đáo nhưng bắt cô hát nhạc Trịnh Công Sơn thì tội cho cả hai", nghe vậy Sơn cười và chúng tôi kết thâm giao từ ấy.

Thời gian này, Sơn phải lẩn trốn để không phải bị bắt quân dịch. Cứ mỗi chỗ Sơn ở vài hôm để tránh bị theo dõi. Sinh viên Văn khoa chúng tôi dành cho Sơn và những người bạn căn nhà tiền chế bỏ hoang trong khuôn viên trường để làm hội họa sĩ trẻ và cũng là nơi cho Sơn trú ngụ trong những ngày trốn lính. Sơn sáng tác rất khỏe, nhiều bản tình ca bất hủ ra đời trong thời gian này... Tuy nhiên, điều Sơn trăn trở nhất là tìm một giọng ca phù hợp với nhạc của mình. Sau ca sĩ Thái Thanh, Sơn lại mời được Lệ Thu hát một số bản tình ca quê hương, và hỏi tôi nhận xét. Tôi nói Lệ Thu hát khá hay nhưng vẫn thấy thiêu thiếu một cái gì đó. Nhiều lần tìm kiếm như thế, cuối cùng Sơn gặp được Khánh Ly khi cô đang hát tại một phòng trà ở Đà Lạt. Giọng ca Khánh Ly kết hợp với nhạc Trịnh Công Sơn như là duyên kỳ ngộ, có sức hút lạ thường.

Bà Trần Tuyết Hoa và ca sĩ Thái Hòa (bên trái) kể chuyện về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. 

Từ đó, dân Sài Gòn chỉ nghe nhạc Trịnh Công Sơn qua giọng hát của Khánh Ly. Tôi nhớ có lần Sơn tập cho Khánh Ly hát bài Tình ca người mất trí, cả buổi sáng mà chưa xong. Khi thấy tôi đến, Mai (tên thật của Khánh Ly) cầu cứu: "Từ sáng đến giờ có mỗi chữ "chết" mà em "chết" mãi không được nên ảnh mắng em kìa". Thì ra Sơn bắt Mai phải hát láy chữ "chết" xuống một tí nhưng cô này cứ láy mãi không được nên Sơn bực. Dù rất trầm tính nhưng khi thể hiện bài hát, Sơn yêu cầu rất khắt khe. Nhạc Trịnh mang đậm tính triết lý và nhân sinh. Một lần tôi mang những tập nhạc kêu gọi hòa bình của Trịnh Công Sơn vào bán cho sinh viên Văn khoa. Khi  đưa ra giới thiệu, nhiều người la ó, phản đối,  đuổi tôi đi.

Tôi chỉ biết khóc, rồi ôm những tập nhạc chạy nhanh ra khỏi trường, tìm đến cái gác xếp nơi Sơn đang ở, kể hết chuyện vừa xảy ra. Lúc ấy trời đang mưa, nghe tôi kể lại chuyện, Sơn nói: "Bạn có thấy những giọt mưa ngoài sân kia không, chúng dìu dắt nhau đi tìm sự an trú mà không có, tội nghiệp chưa. Tôi với bạn được an trú dưới mái nhà này, dù nhỏ bé và nghèo nhưng vẫn còn hạnh phúc hơn những người dân ở nông thôn, đạn bom cày xới suốt ngày. Đừng có con nít nữa, quan tâm làm gì những lời lẽ vong thân mất gốc ấy". Tôi cứ suy nghĩ mãi về những gì Sơn nói. Sơn đã đưa triết học vào âm nhạc và không rõ có phải vì những giọt mưa ấy mà Sơn đã viết bài Giọt nước mắt quê hương không?

 Những năm sau này tôi ít gặp Sơn vì tốt nghiệp xong cử nhân còn bận làm cao học và cũng vì Sơn đang trốn lính nên phải dời đổi chỗ ở liên tục. Và khi hay tin Sơn cùng với Khánh Ly đi hát ở phòng trà, tôi giận vì nhạc của Sơn không phù hợp với chốn phòng trà. Tôi tâm sự điều này với Bùi Giáng thì ông phản đối: "Phải để hắn ra ngoài đó mới thấy hết cảnh "ta bà thế giới" này, nhìn thấy hết mọi thứ từ thượng vàng tới hạ cám thì nhạc của hắn mới sâu, mới thấm thía, chứ cứ đóng khung trong cửa Khổng sân Trình thì chỉ có một giới nào đó nghe thôi. Hắn cũng phải nghe thiên hạ nữa chứ...". Ban đầu tôi không đồng tình với Bùi Giáng nhưng sau đó nghe hàng loạt ca khúc đậm chất triết học như Cát Bụi, Một cõi đi về hay Đóa hoa vô thường thì mới thấy Bùi Giáng nói rất đúng. Thời gian sau đó, Sơn chuyển hẳn sang dòng nhạc tranh đấu đòi độc lập thống nhất và hòa giải dân tộc, với những bài hát làm chấn động:  Không mất niềm tin, Huế- Sài Gòn - Hà Nội, Nối vòng tay lớn...Và một trong những bài hát ấy được Trịnh Công Sơn cất lên trong ngày 30-4 -1975.

Hoàng Anh (ghi)

(còn nữa)