Báo Công An Đà Nẵng

Trịnh Công Sơn qua ký ức người bạn thời thơ ấu

Thứ bảy, 02/01/2016 11:40

(Cadn.com.vn) - Trong hàng chục quyển sách và vô số tài liệu viết về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, hầu như những thông tin về quãng đời tuổi thơ của ông vẫn còn nhiều khoảng trống. Bởi phần lớn, những người bạn chí cốt của nhạc sĩ thường là  văn nghệ sĩ kết thân sau khi ông chính thức nổi danh trên con đường âm nhạc. Và trong số họ, không phải dễ tìm gặp người đã cùng ông thả diều, đánh đáo trong năm tháng ấu thơ...

Ông Trần Văn Thanh bên những bức ảnh chân dung nhạc sĩ Trịnh Công Sơn do ông vẽ.

Tình cờ, tôi gặp và làm quen ông Trần Văn Thanh, một người gốc Huế-nguyên là thầy dạy tiếng Anh, đồng thời cũng là một họa sĩ nghiệp dư. Một lần, được ông Thanh mời đến nhà chơi, tôi thật ngạc nhiên khi thấy trong số những bức tranh do ông sáng tác, có khá nhiều chân dung nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Hỏi mới biết, ông Thanh không chỉ là người mến mộ mà còn là người bạn thời thơ ấu, ở cùng xóm, học cùng trường tiểu học và thường cùng Trịnh Công Sơn chơi đùa, nghịch ngợm với nhau... Ông Thanh nói: "Tôi và Trịnh Công Sơn có khá nhiều điểm trùng hợp gần gũi nhau. Đầu tiên, tôi và Sơn cùng một tuổi (sinh năm 1939). Sau khi gia đình Sơn rời Buôn Ma Thuột trở về Huế, thì hai đứa tôi ở cùng xóm thuộc vùng Bến Ngự (xóm Trường Giang, Hương Thủy nay là P. Phước Vĩnh). Nhà tôi và Sơn cách nhau chừng 200m, Sơn ở đầu kiệt, tôi ở cuối kiệt. Chúng tôi cùng học Trường Tiểu học Nam Giao, tuy khác lớp, nhưng chung đường đến trường. Ngoài giờ học, chúng tôi thường rủ nhau đi bắt ve, thả diều, hoặc chơi những trò chơi trẻ con... Tôi nhớ lúc đó, Sơn thuộc diện gia đình khá giả, học giỏi, nhưng rất hòa đồng với bạn bè".

Theo ông Thanh, những kỷ niệm thời thơ ấu giữa ông và Trịnh Công Sơn diễn ra trong khoảng thời gian từ 1945-1948. Bởi hết bậc tiểu học, Sơn theo học trường Pellerin, rồi trường Thiên Hựu (Providence) và đến năm 1950 thì cả gia đình Sơn đi Sài Gòn, ông Thanh không biết tin tức. Đến năm 1962, tình cờ khi nhận công tác dạy tiểu học tại Quy Nhơn, ông gặp lại Trịnh Công Sơn cũng đang theo học sư phạm tại đây. Thời gian xa cách khá dài, trong phút đầu hội ngộ, hai người bạn nhìn nhau ngỡ ngàng. Ông Thanh kể, "Tôi gọi: "Ê, Sơn đó hở?", còn Sơn gọi: "Ê, bên đó tên chi mình quên rồi!". Tôi nói: "Bến Ngự! Bến Ngự... nhớ không?:, vậy là Trịnh Công Sơn reo lên: "Nhớ rồi!", chúng tôi ôm chầm lấy nhau.

   Trong ký ức của ông Thanh, không gian thơ ấu mà ông và Trịnh Công Sơn cùng trải qua là nơi tiếp giáp với dòng sông Bến Ngự và khu ngoại ô Nam Giao với những làng vườn thơ mộng, mỗi ngày, hòa lẫn trong tiếng kinh cầu là tiếng chuông thu không của những ngôi chùa cổ. Thú vị nhất là những trưa hè, nhóm bạn cùng lứa trong xóm thường rủ đi bắt ve ve trong các khu vườn và Sơn rất ưa thích thú vui này. Hẳn vì vậy mà về sau có người ví "Đời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn như là một mô phỏng của đời ve, với tấm thân rỗng không, suốt đời chạy về phía chân trời tràn ngập tiếng hát ca".

Những ngày ở Bến Ngự, Trịnh Công Sơn cùng  nhóm bạn thường đi bộ từ nhà qua trường, đi bộ dọc theo bờ sông Hương, băng qua bến đò Thừa Phủ..., reo hò, nhìn ngắm trời mây. Có lẽ vì thế mà sau này nhạc của Trịnh Công Sơn luôn tràn ngập thiên nhiên nên thơ của Huế... Ông Thanh cho biết, hiện nay ngôi nhà thời thơ ấu của Trịnh Công Sơn ở Bến Ngự vẫn được gia đình người anh họ là bác sĩ Trịnh Đình Luông ở và là nơi thờ cúng của tộc Trịnh. Mỗi năm, dịp Tết, về thăm Huế, ông Thanh vẫn thường ghé lại đây, hoặc đến Gác Trịnh ngồi bên ly cà-phê nhâm nhi từng lời ca, hồi tưởng về người bạn tài hoa từng gặp trong năm tháng tuổi thơ...

Trần Trung Sáng

Những năm tháng tuổi thơ ở Huế là những năm tháng đẹp nhất trong cuộc đời của Trịnh. Ông sống giữa tình yêu thương của gia đình, hít thở thiên nhiên Huế vàng son và thơ mộng. Vẻ đẹp khôn tả của những hàng cây trên phố, màu gạch cổ đỏ xa mờ giữa những hàng rêu phong, đã suốt đời ám ảnh ông. Thiên nhiên mà mọi người biết sau này qua những ca khúc của Trịnh Công Sơn là một thiên nhiên Huế đã được tái tạo từ nỗi đam mê, nó chói lên ánh hồ quang của một tiềm thức sâu thẳm với đường phượng bay tràn ngập sương mù, và những hàng cây thắp những ngọn nến màu xanh non. Trịnh Công Sơn vào học Trường Tiểu học Nam Giao. Ngôi trường nhỏ ấy bây giờ vẫn hãy còn... (Ngồi dưới hiên nhà/ Nguyễn Xuân Hoàng).