Trịnh Xuân Thanh phủ nhận thâu tóm 3.400 m2 đất Tam Đảo
Thứ tư, 10/03/2021 07:53
Trả lời tòa về khu đất 3.400 m2 tại thị trấn Tam Đảo (Vĩnh Phúc), bị cáo Trịnh Xuân Thanh nói mình không liên quan gì đến việc mua bán hay chuyển nhượng.
Ngày 9-3, phiên tòa xét xử 12 bị cáo trong vụ án liên quan đến sai phạm tại dự án Ethanol Phú Thọ của TAND TP Hà Nội tiếp tục với phần xét hỏi.
Những ai góp tiền mua đất ở Tam Đảo?
Trong ngày xử 8-3, hai bị cáo Đinh La Thăng (cựu chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN) và Trịnh Xuân Thanh (cựu chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí - PVC) được cách ly để các bị cáo còn lại trả lời thẩm vấn.
Theo cáo trạng, năm 2009 Trịnh Xuân Thanh cùng Đỗ Văn Hồng thành lập Công ty cổ phần Đầu tư và xây lắp dầu khí Kinh Bắc (PVC Kinh Bắc). Tiếp đó, PVC ký hợp đồng với PVC Kinh Bắc về việc thi công một số hạng mục thuộc dự án Nhà máy Polyester Đình Vũ - Hải Phòng.
Các bị cáo tại tòa. Ảnh: TP
Quá trình thực hiện hợp đồng, bị cáo Thanh bàn bạc với Hồng tìm mua đất để đầu tư xây dựng khu nghỉ dưỡng, thống nhất mua lô đất 3.400 m2 tại thị trấn Tam Đảo. Để có tiền mua đất, bị cáo Thanh chỉ đạo PVC cho PVC Kinh Bắc tạm ứng 25 tỉ đồng. Sau khi nhận được tiền, bị cáo Hồng sử dụng gần 24 tỉ đồng để mua đất, đứng tên PVC Kinh Bắc.
Tiếp đó, bị cáo Thanh đề nghị Hồng chuyển nhượng lại khu đất này từ PVC Kinh Bắc sang cho Công ty Mai Phương (do ông Trịnh Xuân Giới - cha bị cáo Thanh đứng tên thành lập) với giá 23,8 tỉ đồng. Tuy nhiên, Thanh mới chỉ trả 20,8 tỉ đồng, số tiền 3 tỉ đồng còn lại bị cáo không trả.
Sau này, ông Giới chuyển nhượng toàn bộ Công ty Mai Phương gồm cả thửa đất 3.400 m2 cho vợ bị cáo Thanh. Cuối cùng, vợ bị cáo Thanh chuyển nhượng cho một cá nhân trú tại Vĩnh Phúc.
Trả lời đại diện VKS, bị cáo Hồng thừa nhận việc mua 3.400 m2 đất tại thị trấn Tam Đảo, sau đó chuyển nhượng lại cho gia đình bị cáo Thanh với số tiền 23,8 tỉ đồng. Đến nay, gia đình bị cáo Thanh mới chuyển 20,8 tỉ đồng, 3 tỉ đồng còn lại chưa lấy được, đã nhiều lần đòi nhưng không thành.
Về cáo buộc dùng tiền tạm ứng thi công để mang đi mua đất, cựu chủ tịch PVC Kinh Bắc lý giải rằng việc chi tiêu doanh nghiệp hoàn toàn không có quy định rõ “đồng nào mua cá, đồng nào mua rau”. Bị cáo thực hiện hợp đồng với PVC bằng nguồn lực khác của công ty…
Trước đó, cũng trả lời HĐXX về khu đất trên, Trịnh Xuân Thanh phủ nhận việc bàn bạc với Đỗ Văn Hồng trong việc tìm mua đất. Theo bị cáo, Hồng với tư cách là công ty liên kết, việc mua đất là do Hồng tự quyết định đầu tư, không cần xin ý kiến nên không liên quan gì tới mình.
Năm 2016, Thanh lên Tam Đảo chơi, biết việc công ty của Hồng gặp khó khăn khi chưa triển khai được dự án nên nói với vợ huy động bạn bè mua giúp hoặc giới thiệu. Kết quả, những người góp tiền mua là ông Đỗ Chí Thanh (nay là phó tổng giám đốc PVN), ông Trịnh Xuân Tuấn (em bị cáo Thanh), vợ bị cáo Thanh và một cựu tổng cục phó Tổng cục Cảnh sát.
Trịnh Xuân Thanh khẳng định việc mua bán, chuyển nhượng khu đất là giữa Đỗ Văn Hồng với công ty của vợ, không liên quan gì tới mình. Bị cáo còn cho rằng với vị trí chủ tịch HĐQT Công ty PVC thì hoàn toàn có thể lấy tiền của Hồng mà không cần phải nợ nần.
Không có chuyên môn vẫn chỉ định thầu
Cũng trong phần xét hỏi, kiểm sát viên dành nhiều thời gian để làm rõ trách nhiệm của bị cáo Vũ Thanh Hà (cựu tổng giám đốc PVB) liên quan đến việc chỉ định thầu cho liên danh của PVC thực hiện gói thầu TK05.
Trả lời đại diện VKS, bị cáo Hà nhiều lần khẳng định không cố tình làm sai luật mà chỉ “không có năng lực chuyên môn”. Với vai trò tổng giám đốc PVB, bị cáo thành lập tổ chuyên gia giúp việc đấu thầu, có nhiệm vụ lập hồ sơ yêu cầu, lựa chọn nhà thầu và trình bị cáo phê duyệt. “Tôi chỉ có chuyên môn công nghệ, không biết về các thủ tục thầu nên không có khả năng xem xét có thiếu sót không” - bị cáo giải thích.
Về việc tự ý thay đổi hình thức đánh giá từ “đạt”, “không đạt”, sang “chấm điểm”, cựu tổng giám đốc PVB nói tuyệt đối tin tưởng chuyên môn của tổ chuyên gia, trách nhiệm thuộc về tổ này.
Thấy vậy, đại diện VKS trích dẫn một số lời khai thể hiện bị cáo Hà biết rõ PVN có định hướng chỉ định thầu cho liên danh của PVC nên đã chỉ đạo thuộc cấp tại PVB bằng mọi cách thực hiện chủ trương trên.
Đáp lại, bị cáo Hà tiếp tục lấy lý do mình “không có chuyên môn”, cũng không tham dự xây dựng các tiêu chí, dẫn tới việc ký quyết định phê duyệt hồ sơ yêu cầu mà không có các tiêu chí về năng lực nhân sự và kinh nghiệm của nhà thầu.
Không chỉ cựu tổng giám đốc PVB, hai trong ba thành viên của tổ chuyên gia giúp việc thẩm định đấu thầu khi được hỏi về các sai phạm trong công tác lựa chọn nhà thầu cũng đều khai “không có năng lực chuyên môn”.
Bị cáo Lê Thanh Thái, cựu trưởng phòng kinh doanh PVB, thành viên tổ chuyên gia, khai không biết mình là thành viên của tổ, quyết định thành lập do bị cáo Hà lập là quyết định không số, chưa từng phát hành.
Trước lời khai này, đại diện VKS đặt vấn đề tại sao quá trình điều tra bị cáo đều thừa nhận vai trò của mình trong tổ chuyên gia, có thực hiện chỉ đạo của bị cáo Hà nhằm chỉ định thầu sai quy định cho liên danh của PVC.
Trả lời, bị cáo Thái nói bản thân không có chuyên môn, cũng không được giao nhiệm vụ thẩm định nhà thầu nên không biết và cũng không có ý kiến gì về việc chỉ định nhà thầu.
Tương tự, một thành viên khác của tổ chuyên gia là bị cáo Khương Anh Tuấn cũng nói “không có chuyên môn đấu thầu”, nhiệm vụ của bị cáo chỉ liên quan đến dịch thuật hồ sơ từ tiếng Việt sang tiếng Anh và ngược lại.
“Không biết gì về đấu thầu tại sao lại ký tên vào hồ sơ thẩm định nhà thầu?” - kiểm sát viên truy vấn. “Chữ ký của tôi chỉ liên quan đến phần chuyển ngữ. Tôi không biết gì cả” - bị cáo đáp.
Hôm nay (10-3), tòa tiếp tục làm việc.
Theo PLO