Báo Công An Đà Nẵng

TƯ VẤN PHÁP LUẬT:

Trợ cấp thôi việc

Thứ hai, 28/09/2015 10:06

(Cadn.com.vn) - Ông Nguyễn Việt Trung (trú Q. Sơn Trà, Đà Nẵng) hỏi: Trước năm 1995, tôi làm việc cho một xí nghiệp Nhà nước. Sau đó, xí nghiệp này sáp nhập vào một công ty (Cty) Nhà nước và đến năm 2000 thì cổ phần hóa. Vừa qua, tôi xin chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) với Cty. Khi giải quyết trợ cấp thôi việc, Cty chỉ tính thời gian công tác của tôi từ khi Cty cổ phần hóa (năm 2000) mà không tính thời gian tôi làm việc trước đó. Vậy, Cty giải quyết chế độ cho tôi có đúng pháp luật không?

Thạc sĩ- Luật sư Lê Ngô Hoài Phong, Trưởng Chi nhánh Văn phòng luật sư Phạm và Liên Danh tại Đà Nẵng, trả lời: Theo quy định tại Thông tư số 17/2009/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội: trường hợp sau khi sáp nhập, hợp nhất, chia, tách doanh nghiệp, chuyển quyền sở hữu, quyền quản lý hoặc quyền sử dụng tài sản doanh nghiệp mà người lao động (NLĐ) chấm dứt HĐLĐ thì người sử dụng lao động kế tiếp có trách nhiệm cộng cả thời gian NLĐ làm việc cho người sử dụng lao động liền kề trước đó để tính trả trợ cấp thôi việc cho NLĐ. Tiền lương làm căn cứ tính trợ cấp thôi việc là tiền lương, tiền công theo HĐLĐ được tính bình quân của 6 tháng liền kề trước khi chấm dứt HĐLĐ cuối cùng. Như vậy, Cty của ông Trung đã thực hiện việc trả trợ cấp thôi việc không đúng với quy định của pháp luật. Thời gian trả trợ cấp thôi việc cho ông phải được tính tổng thời gian ông làm việc tại xí nghiệp, công ty Nhà nước và công ty cổ phần hiện nay.

Chuyên mục này có sự hợp tác về chuyên môn

của Chi nhánh Văn phòng luật sư Phạm và Liên Danh tại Đà Nẵng

Gọi 1900 599 907 để được tư vấn pháp luật