Báo Công An Đà Nẵng

Trò chuyện với nhà văn Bùi Công Dụng về tiểu thuyết "Thuyền độc mộc"

Thứ ba, 27/10/2015 09:19

(Cadn.com.vn) - Trong 5 năm gần đây, nhà văn Bùi Công Dụng (Hội Nhà văn Đà Nẵng) đã in 5 đầu sách, trong đó có 3 cuốn tiểu thuyết về đề tài chống tham nhũng. Cuốn tiểu thuyết thứ 3 có tên "Thuyền độc mộc" (Nhà XB Hội Nhà văn) vừa ra mắt bạn đọc tháng 9- 2015. Đây là một đề tài nhạy cảm không phải dễ dàng thực hiện, nếu không có một sự tích lũy hoặc ít nhất cũng là đóng một phần vai trò người trong cuộc. Theo nhà văn  Bùi Công Dụng, trên hết vẫn là thực tiễn cuộc sống thực thi pháp luật, kỷ cương phép nước của công dân trong xã hội hiện tại. Người cầm bút phải nói lên được thực trạng đó. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với nhà văn xung quanh việc ra đời tiểu thuyết "Thuyền độc mộc".

Nhà văn Bùi Công Dụng

P.V: Anh có ý kiến thế nào nếu có ai đó nhận xét tác phẩm sẽ như một phóng sự điều tra hơn là một tiểu thuyết?

Nhà văn Bùi Công Dụng: Tôi khẳng định rằng chỉ có  20% hư cấu, tiểu thuyết đã trở thành một thiên phóng sự điều tra thu hút được người đọc, tôi cho đó là một thành công. Suy cho cùng, người viết cần có bạn đọc và vấn đề người viết nêu ra lại được bạn đọc quan tâm hưởng ứng. Đối với tôi vậy là đủ.

P.V: Bây giờ lùi về chủ đề. Anh có thể nói một cách ngắn gọn về nội dung phản ảnh việc giữ gìn kỷ cương trong các cuốn tiểu thuyết đó?

Nhà văn Bùi Công Dụng: Bạn đọc để ý sẽ thấy trong các tác phẩm đó, tôi đều phản ánh việc người có thẩm quyền đã làm trái những quy định hành chính nhà nước khi điều hành công việc. Tức là ở các cấp độ nào trong bộ máy công quyền hiện nay, cũng đều có chuyện vi phạm văn bản pháp luật, nói cách khác là họ làm méo mó văn bản pháp quy để phục vụ cho ý đồ cá nhân. Tôi thấy đề tài này mới, mình "ghé" vào xem thử.

P.V:Từ lúc nào anh hình thành ý tưởng về đề tài kỷ cương này?

Nhà văn Bùi Công Dụng: Năm 2009, một hôm tôi tình cờ đọc được trên mạng một cái tin, nói rằng mỗi năm Cục kiểm tra văn bản Bộ Tư pháp phát hiện hàng nghìn văn bản ban hành trái pháp luật. Tôi lập tức lưu ý vì sự việc này quả là khủng khiếp. Hôm qua tôi bấm thử vào google cụm từ "hàng nghìn văn bản ban hành trái pháp luật", thì đọc được câu này: "...năm 2014, phát hiện 6.872 văn bản vi phạm quy định của Chính phủ...". Tức là cũng 6, 7 năm rồi chuyện vi phạm không giảm mà còn tăng lên...

P.V: Theo anh thì mức độ ảnh hưởng của nó là gì?

Nhà văn Bùi Công Dụng: Trước tiên, việc vi phạm đó phần nào đã làm mất niềm tin trong người dân về bộ máy điều hành. Tùy mức độ, sẽ xuất hiện oan ức và bắt đầu cho những mầm mống khiếu kiện kéo dài. Giải quyết không khéo sẽ dẫn đến biểu tình tập thể, gây bất ổn xã hội... Tất cả cũng chỉ vì một tờ giấy cỏn con đó.

P.V: Nhưng để biết một văn bản vi phạm pháp luật, việc này đối với người dân không phải là dễ?

Nhà văn Bùi Công Dụng: Đúng. Chỉ có một lối đi. Đó là mọi người dân phải tự tìm hiểu, nghiên cứu luật pháp. Luật pháp là chính nghĩa, là sức mạnh. Nó ở trong tay mình mà mình lại không nắm lấy. Câu khẩu hiệu "sống và làm việc theo Hiến pháp và Pháp luật" thể hiện phương cách sống theo kỷ cương phép nước, đạo đức, văn minh xã hội. Người dân phải tự giác nâng tầm hiểu biết về luật pháp của mình lên. Đó cũng chính là mục tiêu cuối cùng mà những tác phẩm của tôi muốn nói đến.

P.V: Nhưng dù sao, ít nhất cũng phải có một nền tảng nào đó rồi mới phát hiện được điều sai trái chứ?

Nhà văn Bùi Công Dụng: Có rất nhiều hướng mở ra cho người dân học hỏi. Hiến pháp quy định các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội... ra sao, quyền được sống trong một môi trường trong lành là như thế nào, trách nhiệm của Nhà nước trong việc đảm bảo các quyền đó là gì..., rồi gần hơn là Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân quy định những gì phải công khai cho dân biết, chủ tịch tỉnh khi ban hành một quyết định phải dựa vào điều nào của luật, chủ trương của ai..., rất nhiều thứ hấp dẫn rất đáng được quan tâm, tất nhiên bên cạnh đó thì nghĩa vụ công dân cũng thế, đầy đủ một cách tương xứng. Trong "Thuyền độc mộc", câu chuyện nói rằng một ngành ở cấp trung ương đã vi phạm nghị định Chính phủ về thời hạn trả lời tổ chức và công dân, nhưng lại không thừa nhận lỗi vi phạm đó, đã gây cho cơ sở trực thuộc những hệ quả xung đột khác... Những tồn tại này cho thấy việc vi phạm hệ thống văn bản luật pháp của Nhà nước ở các cấp đang diễn ra ngày càng nhiều, tinh vi và phức tạp.

P.V: Anh có thể cho nhận xét về cái hậu của những cuốn tiểu thuyết đó?

Nhà văn Bùi Công Dụng: Đọc xong, bạn cũng hình dung được cái hậu. Nhưng vấn đề lại ở chỗ cái hậu đó có được những nhân vật phản diện trong tiểu thuyết mang trả lại cho cuộc sống hay không?, lúc đó tác phẩm mới gọi là đã hoàn thành sứ mệnh trên giấy của nó.

P.V: Cảm ơn nhà văn về cuộc trò chuyện!

Tiểu thuyết "Thuyền độc mộc" của Bùi Công Dụng.

Trần Trung Sáng
(thực hiện)