Báo Công An Đà Nẵng

Trở lại Cà Nhông

Thứ tư, 29/05/2019 13:59

Tiếng Cơ Tu gọi Cà Nhông là "Ga Rong", có nghĩa là dãy núi dài. Cà Nhông nằm bao bọc về phía Nam và phía tây ngọn núi Chúa, thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Bà Nà- Núi Chúa. Trạm Bảo vệ rừng Cà Nhông, nằm sát chân dãy Cà Nhông, thuộc địa phận xã Hòa Bắc, H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng. Những cán bộ Kiểm lâm bảo, nếu cắt đường rừng về tới thôn Tà Lang (Hòa Bắc) phải mất hơn một ngày đường, nếu đi bằng xe máy, ô-tô về tới Trung tâm xã Hòa Bắc cũng phải tới 100km. Thành ra mang tiếng là cán bộ Kiểm lâm của TP trực thuộc T.Ư, nhưng ở Trạm Kiểm lâm Cà Nhông này cũng chẳng khác gì ở vùng sâu vùng xa tận miền biên giới nào đó. Trạm có 5 cán bộ, nhân viên, Trưởng trạm là anh Phạm Hùng. Tất cả còn trẻ, duy nhất có ông Trần Văn Ba, nguyên cũng là cán bộ Kiểm lâm Đà Nẵng, quê tận Duy Xuyên (Quảng Nam) sau hơn 30 năm gắn bó với rừng, lại tình nguyện lên Cà Nhông để xin làm nhân viên hợp đồng. "Về hưu rồi, nhưng nhớ rừng quá, thôi lại lên với rừng, khi nào yếu thì mới về nghỉ...", ông Ba bảo.

Lực lượng Kiểm lâm Đà Nẵng trên đường tuần tra rừng Cà Nhông.

Nhắc tới hai chữ Cà Nhông, người ta vẫn "ám ảnh" về câu chuyện như một ký ức buồn, đó là vụ phá rừng Bà Nà xảy ra từ năm 2012 đến năm 2014, có tới 19 đối tượng phải ra tòa, trong đó toàn bộ cán bộ, nhân viên Trạm Kiểm lâm Cà Nhông. Ông Trần Viết PhươngChi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng trầm ngâm: "Đau xót lắm, rừng bị tàn phá, cán bộ vi phạm pháp luật, tiếp tay cho lâm tặc... Nhưng đây cũng là bài học kinh nghiệm cho ngành Kiểm lâm Đà Nẵng, để mỗi người phải xác định rõ rằng, đã bước chân vào ngành Kiểm lâm, phải có tình yêu với rừng, phải coi rừng là máu thịt của mình, phải thấy đau xót khi rừng bị tàn phá...!". Ký ức buồn ấy chưa dễ phai nhòa, nhưng những Kiểm lâm đã xốc lại đội ngũ, để có một Trạm Cà Nhông như hôm nay, để rừng Cà Nhông và cả Bà Nà mãi xanh tươi, yên bình...

Hôm chúng tôi lên, Cà Nhông đang những ngày nắng lửa, cả Trạm Kiểm lâm căng mình tỏa ra các nẻo đường tuần tra từ sáng sớm. Anh Phạm Hùng cho biết, phải kịp thời phát hiện ngay những hành vi xâm hại, tác động vào rừng, nhất là các trường hợp có thể gây nguy cơ cháy. Thông thường, mỗi chuyến tuần rừng như thế, cán bộ, nhân viên của trạm phải lội bộ, ăn ngủ trong rừng ít nhất 3-5 ngày. Trong thời gian qua, Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Bà NàNúi Chúa đã hợp đồng với 6 nhóm hộ người Cơ Tu thuộc các thôn của xã Tư, H. Đông Giang (Quảng Nam), theo chương trình dịch vụ môi trường rừng, nơi giáp gianh với khu vực Cà Nhông. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền về luật và quy định về quản lý bảo vệ rừng, bà con nhân dân địa phương rất hưởng ứng và nhiệt tình tham gia công tác bảo vệ rừng. Anh Nguyễn Văn Riều- Trưởng thôn Ga Rong, cũng là thành viên của các nhóm hộ dân cho biết, ý thức quản lý bảo vệ rừng của người dân ngày một nâng cao, mọi người đều nhận rõ tác hại, hậu quả đối với thiên nhiên, môi trường khi rừng không còn nữa. Lực lượng này kịp thời phát hiện, ngăn chặn và báo cho lực lượng Kiểm lâm khi có những đối tượng xâm hại vào rừng như khai thác gỗ rừng, săn bắn động vật rừng trái phép. Đã hơn 4 năm nay, khu vực Cà Nhông không xảy ra một vụ việc nào xâm hại đến rừng.

Anh Phạm Hùng cho biết, khu vực Cà Nhông có diện tích 4.760ha rừng giàu, nghĩa là rừng còn nguyên sinh, được chia làm 5 tiểu khu. Như vậy, theo đúng quy định của Bộ NN & PTNT, mỗi cán bộ Kiểm lâm nơi đây phải phụ trách quản lý hơn 500ha rừng. Có lội bộ xuyên rừng với Kiểm lâm mới thấy những vất vả của nghề này như thế nào. Anh Hùng bảo, công tác quản lý bảo vệ rừng nhiều vấn đề phức tạp, chỉ cần lơ là một chút là các đối tượng khai thác rừng trái phép có thể "ập" vào rừng ngay. Lúc đó, cây rừng lại gục ngã, gỗ rừng lại kéo ra, rồi hậu quả thế nào thì ai cũng hiểu. Vậy là anh em động viên, quyết tâm không rời vị trí nhiệm vụ, vào những ngày mưa, ngày lễ, tết có khi cả tháng không anh em nào được về thăm gia đình. Điều kiện sinh hoạt ở trạm vẫn còn nhiều những khó khăn, cả trạm chỉ có một máy phát điện bằng tuabin nước, lắp đặt cách trạm gần 2km, mà cũng chỉ sử dụng được trong mùa mưa. Sóng điện thoại hầu như vẫn là con số "0". Đường ranh giới, diện tích rừng vẫn còn chồng lấn với địa phận tỉnh Quảng Nam, chưa được cắm mốc, phân định rõ ràng... Đây là những khó khăn lớn nhất đối với cán bộ, nhân viên Trạm Kiểm lâm Cà Nhông.

Đội tuần tra rừng bên một cây gỗ gõ trong rừng Cà Nhông.

Ông Phạm Đình Thuận- Phó Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Bà Nà-Núi Chúa cho biết, Khu Bảo tồn thiên nhiên Bà Nà-Núi Chúa là một trong những khu bảo tồn đặc biệt ở Việt Nam, nằm giáp ranh với 2 tỉnh Quảng Nam và TT- Huế với chiều dài 89km. Tổng diện tích khu bảo tồn hơn 26.758 ha nằm trên địa phận 3 xã Hòa Ninh, Hòa Phú, Hòa Bắc, H. Hòa Vang, trong đó có hơn 95% là diện tích rừng giàu (chất lượng cao). Theo kết quả điều tra của Phân viện Điều tra Quy hoạch rừng Trung Trung Bộ, Khu bảo tồn có 311 loài thực vật thân gỗ, trong đó có 13 loài quý hiếm loài cần phải bảo vệ nghiêm ngặt theo quy định của Chính phủ như Trầm hương, Gụ lau, Sến mật, Kiền kiền, Giáng hương, Trâm mật, Gõ đỏ... Đã ghi nhận được 448 loài động vật, trong đó có 77 loài thú, 214 loài chim, 78 loài cá, 51 loài bò sát, 28 loài lưỡng cư...

Trong đó đã ghi nhận được những loài động vật cần phải bảo vệ nghiêm ngặt như Báo Hoa mai, Hổ Đông dương, Rùa Hội trán vàng... Trải dài trên toàn khu Bảo tồn hiện có 6 Trạm Kiểm lâm gồm Sông Nam, Sông Bắc, Tà Nô, Cà Nhông, An Lợi, Phúc Tú. Cũng như ở Trạm Cà Nhông, các cán bộ, nhân viên Kiểm lâm đang dấy lên phong trào thi đua làm tốt nhiệm vụ quản lý và bảo vệ rừng, như Bác Hồ kính yêu đã nói "Rừng là vàng, nếu ta biết giữ rừng thì đó là nguồn tài nguyên vô giá". Với Đà Nẵng cũng vậy, Bà Nà-Núi Chúa là điểm nhấn, là lá phổi xanh, là linh hồn của Đà Nẵng, nếu không còn Bà Nà, Đà Nẵng sẽ không còn là điểm đến ưa thích với du khách gần xa... 

HỒNG THANH