Báo Công An Đà Nẵng

Trở lại câu chuyện phát triển du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp ở Hòa Vang (Kỳ cuối: Hòa Vang quyết tâm định hướng đã chọn)

Thứ năm, 16/06/2022 16:22
Khách du lịch tham quan tại Làng du lịch sinh thái Thái Lai, Hòa Nhơn, Hòa Vang.

Cách đây hơn 10 năm, những ai từng xem bộ phim truyền hình “Bí thư Tỉnh ủy” phát sóng trên VTV kể về cuộc đời thật của ông Kim Ngọc- Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ với câu chuyện "khoán 10" đã làm thay đổi vận mệnh của cả đất nước. Bộ phim nói về một giai đoạn lịch sử của những năm 1960, thế kỷ 20, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, ở miền Bắc vừa chiến đấu vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội. Hoàn cảnh thời chiến nhiều khó khăn cộng thêm cơ chế quan liêu bao cấp, ý thức lao động của người nông dân chủ yếu trông chờ vào tiếng “kẻng” Hợp tác xã để ra đồng làm việc, năng suất lao động thấp, người nông dân làm vất vả nhưng vẫn không đủ ăn. Câu chuyện “khoán 10” tức là giao ruộng đất, tư liệu sản suất cho người nông dân là một việc “dám làm dám nghĩ” mang tính đột phá, mang lại hiệu quả sản xuất cao, đảm bảo đời sống người nông dân. Câu chuyện còn mang tính thời sự đến tận bây giờ…

Trở lại câu chuyện phát triển dịch vụ du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản ở Hòa Vang, trong lần trò chuyện với Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc Thái Văn Hoài Nam, ông trăn trở, Hòa Bắc được thiên nhiên ưu đãi về cảnh sắc, khí hậu với nguồn tài nguyên du lịch đa dạng, có lợi thế, tiềm năng về du lịch sông, suối… tạo sự quyến rũ, yên bình bất cứ ai đến Hòa Bắc. Hòa Bắc lại có 2 thôn đồng bào dân tộc Cơ Tu nên càng đa dạng về bản sắc văn hóa. Nông nghiệp sinh thái ở Hòa Bắc gắn với vườn rau, cây ăn trái, ruộng đồng, trang trại, ao cá, làng quê, cảnh quan núi rừng. Nếu phát triển được du lịch, sản phẩm nông nghiệp sẽ có đầu ra thông qua việc gắn kết với các mô hình du lịch… Tuy nhiên, với thực trạng hiện nay, diện tích đất nông nghiệp bị bỏ hoang ngày càng nhiều do sản xuất kém hiệu quả. Ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 cũng tác động lớn đến tình hình sản xuất nông nghiệp, các loại nông sản chủ lực như cây mía không tiêu thụ được, tình trạng thất nghiệp trong độ tuổi thanh niên ngày càng cao dẫn đến hệ lụy sa ngã vào các tệ nạn xã hội.

Thấy sự phát triển của địa phương theo xu hướng phát triển du lịch sinh thái, không ít người dân cũng chạy theo mô hình phát triển du lịch sinh thái, tự ý dựng các lều sạp tạm trên đất nông nghiệp để phục vụ du khách. Vấn đề này đã gây không ít khó khăn cho chính quyền địa phương trong công tác quản lý đất đai. Nhưng không thể phủ nhận mặt tích cực của hoạt động phát triển du lịch trên đất nông nghiệp… Trước hết, các mô hình này tận dụng những thửa đất không sản xuất nông nghiệp được hoặc sản xuất kém hiệu quả, tránh lãng phí tài nguyên đất. Phát triển du lịch mang lại nguồn thu nhập tương đối ổn định so với việc sản xuất nông nghiệp thuần túy tại những thửa đất kém hiệu quả, tạo thêm công ăn việc làm cho nông dân. Cũng theo ông Hoài Nam, việc kinh doanh trên lĩnh vực du lịch đã mang lại nguồn thu không nhỏ, từ năm 2020 đến nay ước đạt trên 3 tỷ đồng, đồng thời cũng tiêu thụ được các loại sản phẩm nông nghiệp khác nhờ có khách du lịch như, ngô, dầu phụng, nước mía, rau… Du lịch đã góp phần phát triển kinh tế theo hướng dịch vụ du lịch cho địa phương, ổn định tình hình ANCT-TTATXH trên địa bàn… Ông Nam trăn trở cho biết thêm, cái khó nhất của phát triển du lịch trên đất nông nghiệp là hành lang pháp luật vì nếu đánh giá một cách thẳng tuột ra, làm du lịch trên đất nông nghiệp là vi phạm luật, vì đã sử dụng đất sai mục đích. Vậy thì phải làm thế nào cho đúng có hiệu quả, mà không phạm luật…?

Trao đổi vấn đề này, ông Nguyễn Thúc Dũng-Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho biết, hiện Hòa Vang đã có 2 đề án phát triển du lịch sinh thái cộng đồng và phát triển du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, được UBND TP Đà Nẵng phê duyệt. Trong những năm qua, mô hình phát triển du lịch cộng động ở Tà Lang, Hòa Bắc của anh Đinh Văn Như được lãnh đạo thành phố rất tâm đắc, đã góp phần cải thiện đời sống cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số một cách rõ rệt. Để triển khai 2 đề án, huyện Hòa Vang đã xem xét, nghiên cứu một cách rất thận trọng, lấy Nghị quyết 82 của HĐND thành phố là cơ ở để làm theo và vận dụng. Sắp tới UBND huyện đề xuất thành phố cho triển khai 15 mô hình phát triển du lịch. Các mô hình được xây dựng các tiêu chí, có đủ các điều kiện theo quy định để đầu tư. Làm sao để không ảnh hưởng đến đất nông nghiệp, các mô hình du lịch thực hiện nghĩa vụ thuế đối với nhà nước và cam kết thực hiện theo đúng chủ trương của Nghị quyết 82. Được biết, cuối tháng 5-2022 vừa qua, UBND huyện đã khai trương Khu du lịch Làng sinh thái Thái Lai, Hòa Nhơn, lấy trung tâm là ngôi nhà cổ Tích Thiện Đường có tuổi đời hơn 200 năm. Đến đây du khách được trải nghiệm đạp xe tham quan làng cổ, thưởng thức ẩm thực truyền thống, hướng dẫn nấu ăn, lưu khách Đỗ Gia Viên, cho thuê mặt bằng tổ chức sự kiện, nhà sàn nghỉ ngơi. Tương lai, sẽ có thêm nhiều mô hình như thế ở Hòa Vang để cải thiện, nâng cao đời sống cho người dân địa phương.

Qua ông Nguyễn Thúc Dũng, được biết, Hòa Vang quyết tâm đi đúng hướng phát triển du lịch đã chọn.

Hồng Thanh