Báo Công An Đà Nẵng

Trở lại chuyện con tôm, con cua ở Trường Định

Thứ năm, 25/06/2020 18:33

Đầu năm 2020, xã Hòa Liên (H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng) đạt chuẩn trong chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Con tôm, cua nước lợ nơi cửa sông Cu Đê, thôn Trường Định là một trong những sản phẩm mang lại hiệu quả kinh tế cao, từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giải quyết được việc làm cho người lao động, tạo nguồn thu ổn định cho người nông dân, tiến lên làm giàu... Phấn khởi như thế, nhưng  ông Đỗ Trực- Tổ trưởng Tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản thôn Trường Định trò chuyện cùng tôi trong buổi sáng cuối tháng 6 lại đầy lo âu: "Năm nay thời tiết nắng nóng khốc liệt quá, vụ tôm đầu năm  bà con lỗ nặng...".

Nông dân Trường Định thu hoạch tôm trên diện tích ao hồ chưa có giấy tờ pháp lý.

Thôn Trường Định hiện nay có hơn 30 ha diện tích ao hồ nuôi tôm, cua với 35 hộ tham gia. Thực ra nghề nuôi tôm ở Trường Định có từ năm 2006, những năm trước con tôm mang lại hiệu quả kinh tế rất cao, nhiều hộ đã vươn lên làm giàu từ con tôm. Năm nay thì tình hình ngược lại. Ông Trực hạch toán, giá một con tôm giống là 10 đồng, trên 1.000m2 ao hồ sẽ thả 60 nghìn con tôm, nếu thời tiết thuận lợi sẽ có trên một tấn tôm thịt, thu về lợi nhuận  trên 50 triệu đồng. Thế nhưng, vụ tôm từ tháng 2 đến tháng 4, nắng hạn dữ dội, nguồn nước ngập mặn cao, lại bị ô nhiễm nặng, tôm mắc dịch bệnh đến 80%, giá bán chỉ còn 50 nghìn 1 kg tôm thịt, người dân nuôi tôm lỗ nặng.  Bây giờ chỉ còn hy vọng vào vụ tôm, cua từ tháng 5 đến tháng 8, may ra bù lỗ vụ trước và "có ăn"...  Ông Trực cho biết, con cua trứng nước lợ, người dân ở Trường Định mới đưa vào nuôi khoảng 3 năm nay, thời điểm hiện tại, giá cua giống là 5.000 đồng 1 con, trên 1.000m2 ao sẽ thả 50 con, giá cua thịt loại 1 là 400 nghìn đồng, thấp nhất cũng là 300 nghìn đồng, trên 1.000 m2 ao sẽ thu về trên 10 triệu đồng, cả diện tích ao hồ hơn 30 ha ở Trường Định sẽ thu về hàng chục tỷ đồng. Ông Trực đánh giá, nuôi tôm thì hiệu quả cao, nhưng rủi ro lớn, nuôi cua lợi nhuận ít hơn, nhưng bà con yên tâm hơn. Hiện nay Tổ hợp tác  nuôi thủy sản Trường Định lại phát triển thêm nuôi cá dìa và cá đối nước lợ, thế là cùng con tôm, con cua, đã có 4 loại thủy sản đều là những đặc sản có giá trị, nhưng bà con nông dân vẫn không thể yên tâm...!

Nông dân Trường Định xuất bán tôm.

Ông Trực giải thích, cái chuyện không "yên tâm" đã kéo dài cả chục năm qua. Toàn bộ diện tích nuôi trồng thủy sản ở  Trường Định chưa có giấy tờ pháp lý, tức là chưa có "sổ đỏ", mà chưa có sổ đỏ nó kéo theo hàng loạt những khó khăn cho người nông dân... Nào là không thể vay vốn phát triển sản xuất, nào là không thể dám đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, ngay cái việc xây một cái chòi để tiện bề chăm sóc con tôm, con cua ở  khu vực diện tích ao hồ cũng khó khăn, vì như thế là xây dựng trái phép. Đó là chưa nói đến việc xây dựng hệ thống dẫn nước đầu ra, đầu vào cho diện tích nuôi trồng thủy sản.  Vấn đề này người dân đã kiến nghị, đề nghị tại các cuộc họp HĐND, kiến nghị lên chính quyền,  ban ngành chức năng các cấp từ nhiều năm nay, nhưng vẫn chưa được xem xét, giải quyết. Năm 2018, khi được đi gặp mặt nông dân tiêu biểu điển hình tiên tiến thành phố, đích thân ông Trực đã kiến nghị với Bí thư Thành ủy. Đặc thù của diện tích nuôi thủy sản ở Trường Định là bà con làm theo cách tự phát, trên diện tích đất khai hoang, đến hiện tại vẫn chưa có một quy hoạch tổng thể nào cả. Mặc dù việc nuôi thủy sản được đánh giá là rất hiệu quả, nhưng không có giấy tờ pháp lý về đất đai, như năm 2020 này, khó khăn đã gánh nặng lên vai người nông dân. Nắng nóng khô hạn, mà toàn bộ diện tích ao hồ ở Trường Định chỉ có duy nhất một đường dẫn nước vào đồng thời cũng là đường thoát nước thải ra, vậy là ô nhiễm trầm trọng, tôm chết, lỗ vốn nặng. Biết là vậy nhưng nông dân không thể mạnh dạn đầu tư cải tạo, xây dựng lại hệ thống dẫn nước, thoát nước cho bài bản chỉ vì không có vốn, vướng mắc từ cái chuyện không có sổ đỏ. Sang năm 2019, nông dân lại nghe, thành phố sẽ có dự án phát triển diện tích nuôi thủy sản ở Trường Định lên thêm 50ha nữa, như thế bà con nông dân sẽ có thêm việc làm, có thêm thu nhập...  Rồi Đại hội Đảng bộ xã Hòa Liên giữa tháng 6-2020 vừa qua cũng đưa vào Nghị quyết, tiếp tục phát triển hơn nữa nghề nuôi thủy sản ở Trường Định...  Nghe thì mừng, nhưng nông dân đang mong mỏi từng ngày, thành phố và ngành chức năng sớm xem xét quy hoạch tổng thể vùng nuôi thủy sản Trường Định, sớm giao đất bằng thủ tục pháp lý, để bà con có quyền sở hữu hợp pháp, mạnh dạn đầu tư, nâng cấp ao hồ nuôi trồng cho ổn định, hiệu quả, chứ không bấp bênh như những ngày đầu năm 2020 này thì thật gay go.

HỒNG THANH