Báo Công An Đà Nẵng

Trở lại “con đường sáng”…

Thứ ba, 21/11/2017 19:00

Nhiều năm qua, tại TP Đà Nẵng đã có hàng trăm thanh thiếu niên hư, vi phạm pháp luật, thanh thiếu niên sử dụng trái phép chất ma túy được “giành giật” ra khỏi “bóng tối” nhờ các mô hình ý nghĩa từ các tổ chức đoàn thể, chính quyền các cấp, cùng với những việc làm thiết thực như đi thực tế trại giáo dưỡng, tham quan và được nghe về giá trị của lao động, được hỗ trợ đi học lại, đi học nghề, trao phương tiện sinh kế, tạo việc làm ổn định... Tại các khu dân cư, lực lượng công an khu vực xây dựng nhiều mô hình có hiệu quả cao như mô hình “5+1” của CAP Thanh Khê Tây, Tân Chính, Tam Thuận, mô hình “Vùng giáo ba không” của CAP Tam Thuận, câu lạc bộ “giúp nhau cùng tiến” của CAP Hòa An... Qua đó, các em đã có sự nhận thức về hậu quả của những hành vi vi phạm pháp luật và giá trị của một cuộc sống lương thiện.

Thanh thiếu niên chậm tiến đối thoại, đề đạt nguyện vọng với lãnh đạo thành phố.

Thời gian qua tuổi trẻ TP Đà Nẵng đã có những cách làm sáng tạo, những mô hình hay trong công tác cảm hóa, giúp đỡ thanh thiếu niên chậm tiến, tuổi từ 12-17 với những tội: Trộm cắp, đánh nhau, gây rối, dùng thuốc lắc, sử dụng trái phép chất ma túy như mô hình “4+1”, mỗi em sử dụng trái phép chất ma túy sẽ có ít nhất 1 cán bộ Thành Đoàn, 1 đồng chí cán bộ quận, huyện đoàn, 1 đồng chí cán bộ đoàn xã/phường, 1 cán bộ Đoàn hoặc là đoàn viên là công an tại địa phương theo dõi. Thành Đoàn Đà Nẵng phối hợp với CATP tiến hành thử test hàng tháng đối với các đối tượng, định kỳ có biện pháp quản lý, giúp đỡ. Với những thanh thiếu niên hư thì mô hình “3+1”, 1 em thanh thiếu niên chậm tiến sẽ do 1 cán bộ Thành Đoàn cùng với 1 đồng chí cán bộ quận, huyện đoàn và các đồng chí bí thư đoàn phường trực tiếp kèm cặp, giúp đỡ. Các mô hình được thực hiện bước đầu có hiệu quả.

Các cán bộ được phân công cảm hóa, giáo dục các em đã đến tận nhà động viên, thăm hỏi, tìm hiểu tâm tư, khảo sát nhu cầu nguyện vọng của từng em và có biện pháp kèm cặp, giúp đỡ phù hợp. Đối với các em muốn học nghề, các cán bộ này cũng chủ động làm việc với trung tâm giới thiệu việc làm, cơ sở trên địa bàn, giới thiệu, tìm địa chỉ học tập phù hợp với ngành, nghề mà các em muốn theo học. Qua khảo sát và nắm bắt tình hình nguyện vọng của các em, Thành Đoàn đã hỗ trợ phương tiện xe máy, học lái xe ô-tô, hỗ trợ việc làm cho nhiều thanh thiếu niên có nhu cầu... Bằng sự lắng nghe, đồng cảm và quyết tâm giúp đỡ, trong những năm qua Thành Đoàn Đà Nẵng đã đảm nhận cảm hóa, giúp đỡ 213 thanh thiếu niên chậm tiến, trong đó 181 em đã tiến bộ; hơn 50 em sử dụng trái phép chất ma túy có biểu hiện tiến bộ, nhận ra lỗi lầm của mình...

Theo tìm hiểu của chúng tôi, đa phần thanh thiếu niên hư, vi phạm pháp luật, sử dụng trái phép chất ma túy đều có hoàn cảnh khá khó khăn. Bên cạnh số ít các em đua đòi, sớm nhiễm thói hư tật xấu, bốc đồng và bất cần, phần lớn các em bỏ học, có hành vi vi phạm pháp luật là do hoàn cảnh gia đình nghèo khó, cha mẹ bất hòa, không nhận được tình yêu thương, sự quan tâm, bảo ban, giúp đỡ từ những người xung quanh. Cá biệt có những trường hợp có hoàn cảnh bi đát như cha hoặc mẹ mất sớm, hoặc bị tai nạn, hoặc bị các bệnh hiểm nghèo, không thể nuôi dạy các em; lại gặp cảnh bạn bè xấu lôi kéo, sinh chán nản, bi quan, rồi hư hỏng, phạm pháp lúc nào không biết... Có thể vì thế, tình hình thanh thiếu nhi vi phạm pháp luật ngày càng tăng và trẻ hóa, tình trạng trốn học, bỏ học đi chơi game và tụ tập, la cà tại các quán xá ngày càng phổ biến.

Hải Châu và Liên Chiểu là một trong những đơn vị đi đầu trong công tác cảm hóa, giáo dục thanh thiếu niên lỗi lầm, bằng trách nhiệm, sự nhiệt tình, năng động, tham gia kèm cặp, giúp đỡ, cảm hóa các em, nhiều cán bộ đoàn, công an khu vực đã có những việc làm thiết thực để cảm hóa, nâng đỡ những thiếu niên lầm lỗi, góp phần giữ gìn bình yên địa bàn... Anh Phạm Văn Xanh (Quận Đoàn Hải Châu) cho biết, với các mô hình “4+1”, “3+1”, Quận Đoàn đã tổ chức khảo sát nguyện vọng của từng em và gia đình, đồng thời, liên hệ với các cơ sở sản xuất, gia công giới thiệu cho các em học nghề... Tuy nhiên, cái khó là bản thân các em và gia đình thường mặc cảm, ngần ngại tiếp xúc vì những lỗi lầm của mình, vì vậy anh em cán bộ đoàn cần trao đổi chân tình, động viên nhẹ nhàng để “đả thông tư tưởng”. Trường hợp em N.V.V (2000, trú Q.Hải Châu), là một trong những thanh thiếu niên chậm tiến được Quận Đoàn Hải Châu kèm cặp giúp đỡ đã có nhiều tiến bộ, hoàn cảnh gia đình V. rất khó khăn, mẹ đi làm xa, V. sống cùng ông bà ngoại, em đã bỏ học và hiện tâm lý không được ổn định. Nhờ sự quan tâm hỗ trợ của Quận Đoàn, V. được tham gia lớp học nghề dự án Reach tại Thành Đoàn và tránh xa các tệ nạn xã hội. Hay em P.X.T. (trú P.Hải Châu 2, Q.Hải Châu), được Đoàn thanh niên hỗ trợ xe máy đi làm tại một công ty pin ắc-quy với mức lương  hơn 5 triệu đồng/tháng...

Những năm qua, Thành Đoàn Đà Nẵng cùng với các đoàn thể đã phối hợp giúp đỡ, hỗ trợ hàng trăm thanh, thiếu niên Đà Nẵng vi phạm pháp luật, bỏ học... sớm trở lại “con đường sáng”, được đi học văn hóa, học nghề và trở thành những công dân tốt...

THANH HOA