Báo Công An Đà Nẵng

Trở lại đất nước Chùa Tháp

Thứ hai, 26/06/2017 11:33

(Cadn.com.vn) - 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Campuchia, bên bờ sông Kôn, tỉnh Bình Định, có người lính quân tình nguyện nhớ lại 10 năm trận mạc trên đất bạn và chuyến đi thăm chiến trường vừa qua.

Đại tá Đỗ Xuân Thu bên mộ liệt sĩ Đỗ Văn Khẩn ở nghĩa trang TP Hồ Chí Minh. Ảnh: T.T

Tôi biết Đại tá CCB Đỗ Xuân Thu, nguyên Chính trị viên Ban CHQS H. Sơn Tây Sơn (Bình Định) khi chứng kiến anh tâm huyết chỉ đạo và trực tiếp đào bới, cất bốc ven bờ sông Kôn nhiều hài cốt liệt sĩ hy sinh thời chống Mỹ, cứu nước. Gặp lại khi anh vừa có chuyến đi trở về từ chiến trường K, mới thấy con người này vô cùng đa cảm, lúc nào cũng như có ngọn lửa ấm áp tình đồng đội. Một thập kỷ làm nhiệm vụ quốc tế, Đại tá Đỗ Xuân Thu có bao nhiêu kỷ niệm buồn vui. Có lẽ cái nghiệp thương binh, liệt sĩ đeo đuổi anh từ thời đương chức mà đến lúc "giã từ vũ khí" anh lại thấy có trách nhiệm với chính đồng đội của mình. Đó là việc quay lại nơi bạn đã ngã xuống, thắp cho bạn nén hương.

Vậy là nghỉ hưu tháng 3 thì tháng 5, anh lên mạng internet, kết nối liên lạc, rồi gọi điện thoại với những đồng đội Trung đoàn 250, Sư đoàn 309 năm nào. Anh kêu gọi mọi người cùng đi thăm lại mảnh đất gần 40 năm trước, họ đã chiến đấu giúp hồi sinh nhân dân Campuchia. Đây là lần đầu tiên CCB Trung đoàn tổ chức đi qua nước bạn nên mọi thứ trong đó có kinh phí bỏ ra đều phải lên kế hoạch chu đáo nhất. Thuận lợi là nhiều cơ quan trong và ngoài nước đều rất sẵn lòng hỗ trợ về mọi thủ tục pháp lý. May mắn hơn nữa là Trung tướng Phạm Văn Dĩ, Chính ủy Quân khu 7, nguyên Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 250 cũng dành cho đoàn những lời động viên chân tình. Đến giờ cuối, số người 20 ban đầu chốt lại chỉ còn 9 nhưng đoàn vẫn hăm hở lên đường cuối năm 2016. Phụ trách đoàn cùng với anh là CCB Nguyễn Quốc Hùng, nguyên đại đội trưởng đại đội 4, tiểu đoàn 1.

Từng ký ức hiện về theo bánh xe lăn. Đi qua những con đường bê tông thẳng tắp, những phố xá sầm uất nhộn nhịp người mua bán của Campuchia hôm nay, người lính Trung đoàn lại trôi theo kỷ niệm bao ngày vượt rừng, lội suối, sốt rét, đói khát và từng cái tết lặng lẽ ở trận địa. Đỗ Xuân Thu nhớ mãi năm 1978 ấy, khi anh còn đi học cấp 3 thì tiếng súng gây hấn của quân Pol Pot đã nổ vang trên tuyến biên giới Tây Nam. Ba anh mất trước đó chưa bao lâu, mẹ bám mảnh vườn nuôi đàn con thơ dại. Là con trai lớn, thương mẹ vô cùng nhưng anh đã gác lại niềm riêng để tòng quân. Trong đội hình Tỉnh đội Đắc Lắc, đơn vị anh phối hợp với các lực lượng chiến đấu giải phóng 3 tỉnh đông bắc Campuchia. 3 tháng sau đó, Trung đoàn về lại TP Hồ Chí Minh, lên máy bay ở Tân Sơn Nhất qua sân bay Pôchentông ở thủ đô Phnom Penh rồi tiêu diệt tàn quân Pol Pot ở tỉnh Pusat và Battambang cho đến khi rút quân năm 1989...

Đại tá Đỗ Xuân Thu bồi hồi: "8 ngày đêm ở nước bạn, chúng tôi lần lượt đi thăm vùng đất năm xưa Ponlay, Kraco, Tasanh, Samlot, Pailin, Namsap, Lovia... Dẫu địa hình đã thay đổi nhiều nhưng ai nấy đều nhận ra nơi đơn vị từng đứng chân, các nghĩa trang của Sư đoàn, Trung đoàn. Có nơi cột mốc là ngôi nhà gỗ đã mục, hay cây vú sữa, hàng xoài, vườn cam, những tảng đá, hố sâu, một vài chiến hào còn nham nhở... Có thời điểm cả đại đội 4 chỉ còn 10 tay súng. Họ ngã xuống cho chúng tôi được sống. Dù tất cả đã được đưa về nước nhưng vẫn như thấy các anh đâu đây, máu loang bộ quân phục, có người cơ thể không còn nguyên vẹn. Đi đến đâu chúng tôi cũng đặt lễ cúng cầu mong các anh siêu thoát". Có lẽ trong các đồng đội thì tình cảm với bạn đồng hương Đỗ Văn Khẩn khiến anh nhớ nhất, đặc biệt khi đoàn đến lại Samlot, nơi Khẩn hy sinh. Cả hai cùng huấn luyện tân binh, cùng ở trung đội từ trong nước ra đến chiến trường. Ngày trung đội phó Thu được cử đi học, tối đó hai anh em tâm sự đến 1 giờ sáng. Rồi Khẩn đi đổi gác. Vài phút sau đã nghe tiếng súng vang lên do bọn Pol Pot đột nhập vào. Ôm người bạn mới đó còn nói chuyện với mình mà nay đã hy sinh, Đỗ Xuân Thu đau đớn như thấy ai cắt vào da thịt. Sáng hôm sau thi thể của Khẩn được đưa lên chuyến xe chở anh Thu đi học và trao cho đội quy tập đưa về nước. Mộ của bạn anh hiện ở nghĩa trang TP Hồ Chí Minh mà trước khi đi qua Campuchia, đoàn đã đến thắp hương, dâng hoa.

 CCB Trung đoàn 250 thắp hương cho đồng đội ở nghĩa trang Ampim Boramđơm tỉnh Battambang.

10 năm cầm súng, những người lính như anh gửi tuổi thanh xuân ở chiến trường. Năm 1985, anh về phép cưới vợ. Tình yêu thời trận mạc, thương nhau là chính, đâu có thời gian tìm hiểu nhiều. Tin mẹ anh mất báo qua đã 2 tháng, rồi cũng phải 6 tháng sau, hết chiến dịch anh mới được về nhà. Giao 3 đứa em còn thơ nheo nhóc cho người vợ trẻ lo toan, anh lại vác ba lô trở lại đơn vị mà lòng nặng trĩu. Kỷ luật quân đội hay ý thức trách nhiệm của người lính trước nhiệm vụ quốc tế cao cả mà anh đã không để mình mềm yếu, buông xuôi, tiếp tục bước vào những ngày chiến đấu mới. Anh nhớ ngày người dân từ các trại tập trung về lại quê hương mà trong tay không có gì để ăn. Những người lính Trung đoàn 250 đã nhường nắm cơm vắt cuối cùng cho họ. Đi qua những vùng đất ấy nay đã hồi sinh, nhìn các cô gái xinh tươi ríu ran trong các bộ váy đẹp, anh cứ nghĩ ai trong số đó là con những người mẹ đã đói lả năm nào. Niềm vui ấy càng nhân lên gấp bội, khi anh Sĩ, một thành viên trong đoàn đã gặp người quen là gia đình một bà mẹ ở Battambang. Họ nhận ra nhau và ôm chầm hạnh phúc. Một số người dân trước đây là Khơme đỏ cũng đã nhận ra các anh, nhiệt tình dẫn đường chỉ những nơi đơn vị đóng quân. Sự thân thiện của họ khiến ai nấy yên lòng về vùng đất này sẽ luôn bình yên.

Về đến tỉnh lỵ Battambang, gạt đi những dòng nước mắt cứ lăn dài khi tắm mình trong nỗi nhớ thương đồng đội, đoàn vui mừng được lãnh sự quán Việt Nam tại đây đón tiếp chân tình. Nhiều cán bộ chính quyền sở tại và nhân dân cũng đã đến thăm, hỏi han. Ai nấy đều cảm ơn sự trở lại của người lính tình nguyện năm xưa. Những cái ôm nồng thắm, tiếng cười giòn giã làm tất cả thêm ấm lòng. Đại tá Đỗ Xuân Thu như chưa dứt dòng hồi tưởng miên man. Anh thông báo sắp đến, khoảng chừng tháng 11, sẽ tiếp tục đi qua đất nước Chùa Tháp lần thứ hai. Lần này chắc chắn đông hơn. Đoàn sẽ chuẩn bị tăng võng, đi sâu hơn vào tận các chốt, ở lại đêm và có thể ngủ rừng những nơi đơn vị từng chiến đấu. Các anh muốn tái hiện lại một thời gian khó năm nào để thêm trân trọng những ngày đang sống.

HỒNG VÂN