Báo Công An Đà Nẵng

Trở lại Giao Thủy

Thứ năm, 15/10/2015 12:25

(Cadn.com.vn) - Tôi lại trở về bến sông quê Giao Thủy, lòng chợt dâng lên niềm vui dạt dào khi chứng kiến cầu Giao Thủy- cây cầu của niềm khát khao, mơ ước bao đời của người dân vùng tây hai huyện Duy Xuyên, Đại Lộc (Quảng Nam) đang dần lộ diện. Nơi bến đò Giao Thủy-Kiểm Lâm, tuổi ấu thơ của tôi đã có biết bao kỷ niệm. Khi còn là đứa trẻ chăn trâu, cắt cỏ, làng quê tôi nơi đây đắm chìm trong khói lửa chiến tranh tàn khốc. Hồi đó, cây cầu nối liền đôi bờ Đại Lộc-Duy Xuyên, trụ cầu là những cây gỗ thông được nhúng nhựa đường đen nhánh để chống chọi sự mục nát của thời gian. Mặt cầu chỉ thảm lớp nhựa mỏng manh. Để hỗ trợ phòng ngự một vùng quân sự liên hợp giữa  cứ điểm Thượng Đức, Núi Lở (Đại Lộc) với Trà Kiệu, Kiểm Lâm, An Hòa (Duy Xuyên), quân đội Mỹ-ngụy đã dựng chiếc cầu dã chiến này.

Tháng 3-1975, đoàn xe tăng của quân giải phóng tiến vào đánh chiếm các căn cứ của chế độ Sài Gòn tại Quảng Nam, Đà Nẵng cũng băng qua cầu Giao Thủy. Khi đến chiếc xe tăng cuối cùng chồm lên thì cầu bị sập một nhịp. Để có đường qua lại, bà con quanh vùng đã lấy những tấm ri sắt bắc tạm rồi mùa lũ lụt ập về, dòng nước đỏ ngầu cuộn xoáy, cái nhịp được nối tạm cũng bị cuốn theo. Đến khi mùa nước rút, họ lại gác những thanh tre, tấm ván rất chông chênh, lắt lẻo. Sau ngày giải phóng, cầu Giao Thủy dần bị hư hỏng trầm trọng, giao thông quá nguy hiểm nên chính quyền cho tháo dỡ toàn bộ.

Thế là cầu Giao Thủy của ngày xưa chỉ còn trong ký ức, người dân quanh vùng qua lại, giao thương ngày đêm bằng những chuyến đò ngang bồng bềnh trên sóng nước. Mùa nắng nóng, sông cạn, lô nhô bãi cát vàng mịn, đôi bờ như xích lại gần hơn nhưng đến mùa lũ, nước từ thượng nguồn ầm ầm đổ xuống, dòng sông lại rộng mênh mang, chảy xiết như muốn nhấn chìm những chuyến đò nhỏ nhoi như chiếc lá lập lờ trên dòng nước xoáy. Khách qua đò đã khổ, người lái đò càng cực hơn, quanh năm, suốt tháng họ cứ lênh đênh trên mặt nước để kiếm cái ăn, cái mặc, cho con cái học hành... từ những đồng tiền lẻ của khách sang sông, cũng nhọc nhằn như người nông dân chân lấm, tay bùn.

Thế rồi, ngày 25-3-2015, cầu Giao Thủy được khởi công để nối liền tuyến tỉnh lộ ĐT609B H. Đại Lộc với ĐT610 Duy Xuyên. Đây là cây cầu phục vụ khai thác tiềm năng cho 4 huyện đồng bằng, miền núi của vùng đất rộng lớn phía tây tỉnh Quảng Nam, do liên danh các nhà thầu gồm Công ty cổ phần 479, Cty TNHH xây dựng Thái Dương và Cty TNHH Thanh Tùng đảm nhận thi công, với tổng vốn đầu tư hơn 823 tỷ đồng. Sau hơn 6 tháng khởi công, nay cầu đã đạt khá nhiều hạng mục quan trọng. Kỹ sư Trần Văn Hùng, chỉ huy công trường thuộc Cty TNHH Thanh Tùng cho biết: "Nhà đầu tư giao trách nhiệm đến ngày 31-12-2015 phải hoàn thành mố M1 và 4 trụ phía bờ Bắc nên chúng tôi cũng lo lắm, bởi vào chặng đổ trụ là thời điểm mưa lụt, do đó để chạy lũ, buộc phải tăng tốc, triển khai liên tục 3 ca/ngày nên cuối tháng 9 đã hoàn thành rồi".

Hiện nay phía bờ Bắc 4 trụ đã hoàn thành, đạt 100%  số trụ, phía bờ Nam 10 trụ, đã đổ xong phần thân 8 trụ, 2 trụ còn lại đã thi công xong phần móng. Riêng đối với trụ giữa sông (T5), Cty cổ phần 479 đã hoàn thành xong việc khoan và đóng cọc, đóng khung thép vây quanh nhưng đây là trụ thi công có nhiều khó khăn, phức tạp bởi thời điểm tiến hành đổ thân trụ lại rơi đúng vào tâm điểm mùa lũ lụt nên phải dừng lại, đợi hết mùa lũ, nước cạn mới tiếp tục triển khai. Theo kế hoạch, tháng 3-2016 mới đúc dầm cầu nhưng nếu thời tiết thuận lợi, ít mưa bão Cty TNHH Thanh Tùng sẽ hoàn thành việc đúc dầm các nhịp phía Bắc trước Tết Nguyên đán 2016. Được biết, giá trị xây lắp cầu Giao Thủy 409 tỷ đồng (trừ ngân sách đầu tư đường dẫn) cho cả 3 đơn vị thi công thì gần một nửa do Cty TNHH Thanh Tùng đảm nhận. Đường dẫn từ đầu cầu phía Bắc cho đến thị trấn Ái Nghĩa, H.Đại Lộc cũng do Cty Thanh Tùng đảm nhận trong giai đoạn 2.

Cầu Giao Thủy đã đạt thi công nhiều hạng mục quan trọng, hy vọng sẽ kịp hoàn thành
vào tháng 9-2017.

Những ngày tháng 10, mưa tầm tã, nước sông Thu Bồn đỏ ngầu phù sa cuộn trôi nhưng công trường cầu Giao Thủy vẫn không ngừng nhộn nhịp. Các kỹ sư, công nhân cũng đang tất bật, hối hả chạy đua với thời gian. Nếu nước dâng cao, không thể thi công được họ mới thu dọn các vật tư, thiết bị, máy móc để tạm nghỉ, tránh lụt chỉ có mưa thì mọi việc vẫn diễn ra bình thường. Theo dự đoán của những người thợ công trình, với tiến độ thi công như hiện nay thì cuối năm 2016, dáng hình cầu Giao Thủy có chiều dài 1.002m, rộng 12m sẽ sừng sững vắt qua dòng sông Thu nổi tiếng của xứ Quảng anh hùng. 

Chiều tháng 10 xám xịt, mưa xối xả trắng trời nhưng trên đỉnh các trụ cầu những người thợ vẫn đội mưa, miệt mài với công việc. Những chuyến đò ngang nối liền giữa Giao Thủy-Kiểm Lâm vẫn hoạt động bình thường như mọi khi để giải quyết nhu cầu cho người qua lại. Đứng trên đò, ai nấy cũng đổ dồn những ánh mắt tràn trề niềm vui về phía công trường xây dựng cầu, thầm mong chiếc cầu 21 nhịp Giao Thủy sẽ về đúng đích vào tháng 9-2017 như kế hoạch dự kiến ban đầu. Rồi đây những chuyến đò bé nhỏ, nguy hiểm như thế này sẽ không còn nữa, tính mạng của con người sẽ được an toàn hơn, nhất là mỗi mùa lũ về.

Thái Mỹ