Báo Công An Đà Nẵng

Trở lại vụ "Tan hoang rừng giống A Sờ"

Thứ tư, 03/06/2015 11:49

* Kỳ 1: Sau tấm màn nhung che đậy sự thật

(Cadn.com.vn) - Báo Công an thành phố Đà Nẵng số ra ngày 30-4-2015 có đăng bài viết "Tan hoang rừng giống A Sờ", phản ánh tình trạng lâm tặc ngang nhiên tàn phá, khai thác các loại gỗ quý hiếm tại rừng giống ở thôn A Sờ (xã Macooih, H. Đông Giang, Quảng Nam). Sau đó, Ban Quản lý rừng phòng hộ A Vương (BQLRPHAV-đơn vị quản lý rừng giống A Sờ) phản ứng, cho rằng không có chuyện rừng giống bị tàn phá. Để làm rõ hơn về câu chuyện này, chúng tôi đã quay lại xã Macooih để ghi nhận thông tin từ người dân, cán bộ cơ sở và thâm nhập sâu hơn khu rừng này để ghi nhận thực trạng rừng bị xâm hại.

Trở lại rừng giống A Sờ lần này, ngoài chúng tôi, còn có trinh sát của Phòng CSĐTTPVKT&CV- CA tỉnh Quảng Nam để đảm bảo tiếp cận khu rừng thành công. Chiều 26-5, khi chúng tôi trò chuyện với những người cung cấp thông tin về vụ phá rừng thì chốc lát lại có nhân viên của BQLRPHAV tới, lui dòm ngó, theo dõi. "Từ ngày Báo đăng, các đường vào nơi rừng bị tàn phá đều bị canh gác ngày đêm, người dân vào rừng hái nấm, bẫy thú họ cũng không cho", anh H. một người dân địa phương cho biết.

Cây gỗ lớn bị triệt hạ.

Sáng sớm 27-5, chúng tôi bắt đầu thâm nhập trở lại khu rừng giống A Sờ, nhưng khi xe chúng tôi vừa xuất hiện nơi bìa rừng thì đã có 6 nhân viên của  BQLRPHAV đón lõng. Chẳng cần hỏi chúng tôi đến đây làm gì, họ đã chặn đầu, khóa đuôi, định ngăn cản không cho chúng tôi vào rừng. Lúc này, khi nhận ra trong đoàn chúng tôi có cán bộ Phòng CSĐTTPVKT&CV- CA tỉnh Quảng Nam, họ mới tản ra, bối rối nói: "Các chú lên sao không cho anh biết?"; "Em đi làm việc, báo cho các anh làm gì. Bây giờ, anh cho em vào rừng thực hiện nhiệm vụ được giao"- một cán bộ CA trả lời. Biết không thể ngăn cản đoàn chúng tôi nên họ nhất quyết đòi theo cho bằng được. Không chỉ vậy, một đồng nghiệp của chúng tôi khi đi tiếp cận, nắm thông tin từ người dân cũng bị 2 nhân viên BQLRPHAV tên Sơn và Bách "kèm" chặt.

Từ bìa rừng nhìn vào, rừng giống A Sờ vẫn còn xanh lắm, nhưng đó chỉ là tấm màn nhung che giấu sự tàn phá rừng khốc liệt bên trong. Men theo con đường mòn để vào tiểu khu 158, nơi người dân phản ảnh rừng bị tàn phá, chúng tôi dần phát hiện những gốc cây trơ trụi hiện ra. Đập vào mắt chúng tôi là gốc lim có đường kính 60cm bị đốn hạ chưa lâu, cách đó không xa là gốc chò có đường kính 80cm, dấu cưa máy hiện rõ trên thân cây, bìa gỗ nằm ngổn ngang... Đi thêm một đoạn, chúng tôi tiếp tục phát hiện thêm 2 gốc lim khác và nhiều gốc kiền kiền, trám hồng và chò. Thế nhưng, ông Nguyễn Văn Hoàng, Phó ban BQLRPHAV đi theo chúng tôi luôn miệng: "Những cây này bị chặt trộm lâu rồi, chứ mới thì không có, chúng tôi canh giữ suốt mà" (?!). Thế nhưng, khi đoàn chúng tôi phát hiện và chỉ ra 1 gốc lim bị đốn hạ chưa lâu, thì cán bộ BQLRPHAV ngụy biện: "Dân lén vào chặt trộm về làm cột nhà". Lần theo con đường mòn thứ nhất, chúng tôi phát hiện và đánh dấu được 13 gốc cây gỗ quý các loại bị lâm tặc khai thác.

Những con đường mà lâm tặc mở trong rừng để kéo gỗ.

Theo phản ánh của người dân địa phương, lâm tặc thường lợi dụng đêm tối và trời mưa vào rừng giống A Sờ để khai thác. Chúng chặt hạ hàng chục cây một lần, sau đó chờ cho lá rụng, cây khô mủ... mới quay lại cưa xẻ thành từng phách nhỏ, rồi men theo các khe, suối để chuyển ra khỏi rừng. Có tận mắt nhìn thấy những cây gỗ to, quý, bị đốn hạ mới thấy rừng giống A Sờ bị tàn phá ra sao. Lâm tặc sử dụng cưa máy công suất lớn để phá rừng, ở những nơi khó di chuyển, chúng còn đắp đường để dễ vận chuyển gỗ ra ngoài. Ngoài ra, chúng không khai thác đồng loạt ở một khu vực, mà chọn những cây to, quý để cắt tỉa dần.

Đoàn chúng tôi tiếp tục men theo những đường mòn khác để tiến sâu vào rừng, càng đi, chúng tôi phát hiện thêm nhiều chứng cứ mới về thực trạng lâm tặc tàn phá rừng giống A Sờ. Có những điểm, các cây gỗ lớn như kiền kiền, lim... bị lâm tặc đốn hạ, nhưng chưa kịp chuyển đi, nằm khô khốc dưới đất. Khi men theo con đường mòn thứ 3, chúng tôi phát hiện khoảng rừng trống hoác, với 5 cây kiền kiền đã bị chặt hạ, dấu vết vẫn còn mới. Nhìn cảnh ấy, một cán bộ CSĐTTPVKT&CV- CA tỉnh Quảng Nam, bảo: "Như thế này thì rừng giống còn đâu nữa". Thế nhưng, 2 nhân viên BQLRPHAV vẫn cho rằng: "Do người dân lên làm trại nuôi bò, phá ra thế. Chúng tôi phát hiện nên ngăn cấm" (?!).

Hiện trường mà lâm tặc chặt hạ cây trong rừng A Sờ.

Đoàn chúng tôi đi từ sáng sớm đến gần 15 giờ ngày 27-5, lần theo 3 đường mòn mà lâm tặc vận chuyển gỗ, chúng tôi đã phát hiện được hơn 40 gốc gỗ. Trong đó có nhiều loại gỗ quý, hiếm thuộc loại cấm khai thác như lim, kiền kiền, xoan đào và trám hồng..., Với chừng đó gốc gỗ thì có thể sơ tính có gần 200m3 gỗ đã bốc hơi khỏi rừng A Sờ nhưng không bị phát hiện.

Theo ghi nhận của chúng tôi, cũng như phản ánh của người dân thì lâm tặc mở hàng chục đường mòn để vào rừng giống A Sờ lấy gỗ. Thế nhưng, sau khi Báo Công an TP Đà Nẵng đăng bài phản ánh, H. Đông Giang tổ chức đoàn kiểm tra do ông Đỗ Tài, Chủ tịch UBND H. Đông Giang làm Trưởng đoàn, chỉ phát hiện 10 gốc cây bị đốn hạ, gồm: 3 cây gỗ lim, 4 cây kiền kiền và các loại cây khác. Và từ kết quả trên, Chủ tịch UBND H. Đông Giang Đỗ Tài cho rằng: "Đây có thể gọi là những vụ khai thác trộm nhỏ lẻ và trải đều qua nhiều năm chứ không phải là ồ ạt khai thác một cách ngang nhiên với quy mô lớn" (?!).

Song trái với kết quả kiểm tra của chính quyền H. Đông Giang, sau 2 lần thâm nhập thực tế, chúng tôi khẳng định rằng rừng giống A Sờ đã và đang bị lâm tặc tàn phá nghiêm trọng. Vậy mà chính quyền H. Đông Giang và BQLRPHAV vẫn cho rằng rừng giống A Sờ vẫn... nguyên vẹn quả là điều khó hiểu.

Minh Trí- Hoàng Anh
(còn nữa)