Báo Công An Đà Nẵng

Trở lại vùng “bệnh lạ” Ba Điền

Thứ hai, 06/06/2016 10:53

(Cadn.com.vn) - Cách đây 5 năm, vào thời điểm xảy ra căn “bệnh lạ”, xã Ba Điền, H. Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi được ví như vùng đất chết, là nỗi ám ảnh của nhiều người thì hôm nay vùng đất ấy lại đang trỗi dậy, vươn lên mãnh liệt như những cây lim xanh cổ thụ giữa đại ngàn. Không khí u ám, xơ xác ngày nào đã không còn, thay vào đó là những con đường rộng thênh thang, sạch sẽ dẫn vào xã và các buôn làng, đồng bào dân tộc Hrê thì vui tươi, tin tưởng vào một tương lai tốt đẹp hơn.

Đường vào Ba Điền hôm nay rộng thênh thang, sạch sẽ và không còn bề bộn rác
như trước đây.

Ngôi làng quỷ ám

Những ngày này, dù mới  chớm hạ mà nắng đã rải  lửa xuống khắp dải đất miền Trung. Trời cao thẳm, tịnh không một ngọn gió khiến Ba Điền nóng như rang. Ấy vậy mà không gian nơi đây thật thanh bình và giàu sức sống với những cánh đồng lúa xanh mơn mởn trải dài đến tận chân núi. Thật may mắn, chúng tôi được Trưởng thôn Rêu, anh Phạm Văn Un nhiệt tình dẫn đi khắp buôn làng để mục sở thị cuộc sống nơi đây thay đổi như thế nào sau cơn “đại dịch”. Anh Un bảo: Hai năm trở lại đây, bệnh lạ không còn nữa nên bà con hăng hái lên rẫy phát rừng làm kinh tế. Cầu Làng Rêu bắc qua sông Nước VRanh cũng vừa được khánh thành và đưa vào sử dụng cuối năm 2015, bà con lại càng hồ hởi, tạm quên đi những nỗi sợ hãi vừa qua.

Trong sự đổi thay của làng xã, có một cựu binh đến nay vẫn được đồng bào dân tộc HRê kính trọng và biết ơn khi giúp buôn làng vượt qua cơn đại dịch. Đó là ông Phạm Văn Tiến (1955), trước đây làm công tác Mặt trận xã Ba Điền. Lúc xảy ra “bệnh lạ”, ông Tiến cũng đau đến đứt ruột khi có 2 người thân trong gia đình bị nhiễm căn bệnh quái ác. Người con gái của ông ra đi để lại đứa cháu ngoại vừa tròn 18 tháng tuổi. Nhiều đêm mất ngủ, nước mắt ông tuôn dài theo nỗi đau khi phải chứng kiến người thân, họ hàng và nhiều dân làng chịu khổ. Quyết không để bà con tin vào những lời bói toán, ngay khi còn làm công tác Mặt trận, ông ra sức vận động dân làng tin theo cách điều trị của ngành y. Ông nhớ lại: Giữa lúc căn bệnh đang bùng phát nặng nề thì một số kẻ xấu đã đến Làng Rêu tuyên truyền gây mất đoàn kết. Một số kẻ thì lợi dụng tình hình đến làng Rêu bán thuốc không rõ nguồn gốc để kiếm lời trong sự bất an của bà con. Ông đã cùng cán bộ thôn, xã đã kịp thời phát hiện. Một mặt thông tin cho cấp trên có biện pháp giải quyết, mặt khác ông vận động bà con đề phòng không để bị mắc lừa. Qua tuyên truyền, giải thích thấu tình đạt lý, dân Làng Rêu càng tin tưởng ông hơn, họ lấy ông làm hình mẫu, là tấm gương để học tập và noi theo.

Sau 5 năm, kể từ khi bệnh lạ xuất hiện, nỗi đau vẫn còn hằn sâu trong tâm trí của ông Tiến và nhiều người dân nơi đây. Trở lại lúc đỉnh điểm của dịch bệnh, chỉ trong vòng 2 năm, Hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân đã gây ra hàng trăm ca mắc bệnh với 24 người chết. Trong đó, Làng Rêu bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Không khí ảm đạm, đau thương bao trùm lên ngôi làng nhỏ. Những đứa trẻ thẫn thờ, đứng trân trối giữa trời mưa, khóc chẳng nên tiếng khi cha mẹ chúng lần lượt qua đời. Những thanh thiếu niên đang khỏe mạnh bỗng dưng gầy sọp, nằm dặt dẹo trên giường trong cơn hấp hối...

Người dân hoang mang, lo sợ và không hiểu chuyện gì đang xảy ra với buôn làng khi nhiều người đều mắc chứng bệnh như nhau rồi lần lượt chết. Tiếp đó, các đoàn công tác của T.Ư, tỉnh và ngành Y tế cứ đến rồi đi mà vẫn chưa tìm ra nguyên nhân, dịch bệnh thì ngày càng lan rộng. Dần mất niềm tin, người dân lại tìm đến thầy cúng để xua đuổi tà ma, quỷ ám nhưng oái oăm là thầy cúng cũng hốt hoảng bỏ làng ra đi. Nhiều gia đình khác lại kéo nhau chui lủi vào tận rừng sâu sinh sống để trốn tránh bệnh tật nhưng rồi cũng không thấy quay về. Mãi đến năm 2013, bằng sự nỗ lực, cố gắng của các ban ngành đoàn thể và sự tin tưởng, giúp đỡ của người dân, “bệnh lạ” được kiềm chế, đồng bào dân tộc Hrê nơi đây mừng rơi nước mắt.

Ông Phạm Văn Tiến vẫn chưa nguôi ngoai nỗi đau mất con bởi “bệnh lạ”.

Nhịp sống mới

Sau cơn “đại dịch” ấy, người dân Ba Điền đã có sự thay đổi nhận thức rất lớn. Thay vì tin tưởng vào thầy cúng, sự tồn tại của ma quỷ như trước đây, họ đã biết được điều gì nên làm và dám từ bỏ các hủ tục đã tồn tại từ lâu. Suốt thời gian sau này, mỗi khi có đoàn công tác xuống khám chữa bệnh ai cũng hồ hởi, nhiệt tình đến trạm y tế để được khám, được hướng dẫn cách vệ sinh phòng bệnh. Cũng từ đấy, đồng bào dân tộc Hrê đã biết dọn dẹp, gìn giữ vệ sinh sạch sẽ từ đầu ngõ đến cuối xóm; đường làng trở nên xanh mát, không còn bề bộn rác như trước. Bà Phạm Thị Ướt đã ngoài 70 tuổi nhưng vẫn hồ hởi với phong trào giữ gìn vệ sinh chung.

Bà bảo: “Bây giờ đã có công trình nước sạch do nhà nước xây dựng nên người mình chỉ dùng nước này để ăn uống thôi, không dùng nước suối nữa. Mình cũng đã biết dọn dẹp nhà cửa cho sạch sẽ, không còn bề bộn như trước đây”. Giờ đây, trẻ con lại được dịp tắm táp, nô đùa bên dòng Nước VRanh chảy róc rách đêm ngày. Những bước chân hối hả của đồng bào dân tộc Hrê thêm phần rộn ràng hơn bởi tiếng người cười nói xôn xao, tiếng trẻ em ngồi đánh vần ê a học chữ trên những vách nhà sàn. Trong làng hôm nay có gia đình đang cất lại nhà và có rất nhiều bà con nơi khác tới phụ giúp công. Đàn ông khỏe mạnh thì khuân vác các cột gỗ, phụ nữ cũng cõng gùi chứa các viên gạch, ngói cũ đi. Cuộc sống nơi đây đang hồi sinh sau cơn đại dịch.

Nói về sự đổi thay ở làng xã, ông Phạm Văn Oa-Bí thư Đảng ủy xã Ba Điền, cho biết: “Từ khi căn bệnh lạ được kiểm soát đến nay, cuộc sống đồng bào dần ổn định rồi, nhất là làng Rêu, họ có ý thức hơn trong nếp sinh hoạt hằng ngày. Nhờ việc tuyên truyền của chính quyền và ngành Y tế, đồng bào Hrê đã biết dọn vệ sinh nhà cửa, đường làng ngõ xóm, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng. Đặc biệt, là đã biết tìm đến bác sĩ ở trạm y tế để khám, chữa bệnh chứ không cúng quẩy, tin theo các hủ tục như trước đây”.

Nguyễn Hữu Đức