Báo Công An Đà Nẵng

Trọn vẹn nghĩa tình

Thứ bảy, 22/07/2017 11:30

Sáng nay (22-7), Nghĩa trang liệt sĩ (NTLS) xã Hòa Khương (H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng) ở khu quy hoạch mới được tổ chức khánh thành, nhưng nhiều ngày qua, từ khắp các ngả đường vào nghĩa trang, đông đảo người dân đã tìm đến để tham dự các hoạt động tưởng niệm, thắp nến tri ân... Tại đây, có vô vàn câu chuyện cảm động mà chúng tôi tường tận trong tháng Bảy này, mỗi câu chuyện là một tấm lòng của người còn sống gửi đến người đã hy sinh trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Làm sao quên được một thời đau thương của dân tộc, hào hùng và bi tráng...

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí kiểm tra tiến độ thi công NTLS xã Hòa Khương.

Từ tuyến ĐH4 đoạn qua thôn Phú Sơn Tây lên Khu du lịch sinh thái Đồng Xanh-Đồng Nghệ (thôn Phước Sơn), người đi đường đều có thể nhìn thấy công trình hoành tráng được xây dựng trên đồi cao Gò Cà với đầy đủ các hạng mục: Khu tượng đài, Nhà bia ghi danh, Nhà đại hồng chung và mộ phần liệt sĩ được khép kín trong tường rào, cổng ngõ cùng với hệ thống thoát nước, điện chiếu sáng hoàn thiện. Tất cả còn thơm mùi vôi mới... Ông Trà Văn Sinh (82 tuổi, thôn La Châu) chậm rãi bước từng bậc thang để đến nơi yên nghỉ của những người thân đã hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Ông xúc động khi tận mắt chứng kiến phần mộ người thân và đồng đội được yên nghỉ ở một nơi cao ráo, khang trang. Đối với tuổi "gần đất, xa trời" như ông, vậy là mãn nguyện lắm rồi! An lòng với nơi quy hoạch NTLS mới, không ít người nhà của liệt sĩ các tỉnh phía Bắc khi tìm được mộ đã quyết định không di dời phần mộ người thân về quê nữa, bởi người thân của họ đang được nằm lại bên cạnh đồng đội và được chính những người dân địa phương từng bao bọc, che chở trong chiến đấu giờ tiếp tục chăm sóc mộ phần. Còn trong tâm thức của người dân Hòa Khương, NTLS xã đã trở thành chốn thiêng liêng, tưởng niệm những người con anh dũng của quê hương và các nơi khác đã hy sinh tuổi xuân phơi phới trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc. Hàng ngàn người dân trong và ngoài địa phương mỗi năm về đây thăm viếng, bày tỏ tấm lòng cảm kích, tri ân, kính cẩn nghiêng mình trước những con người quả cảm đã ngã xuống cho đất nước trường tồn.

Trong những dòng người đến đây hôm nay, không chỉ có thân nhân các liệt sĩ, những người đồng đội đi tìm nhau, những người chị, người em, người con vẫn rải bước đi tìm người thân, mà giữa cái nắng nóng như thiêu như đốt, rất nhiều người đã tìm về với tấm lòng biết ơn vô hạn. Việc mộ phần của người thân được di dời đến nơi quy hoạch mới đã sưởi ấm trái tim của họ. Họ vui sướng tự hào và cảm thấy được an ủi khi những cống hiến, hy sinh vì đất nước của người thân mình tiếp tục được ghi nhận. Nhìn theo những hàng bia mộ, chúng tôi biết rằng có rất nhiều liệt sĩ đã hy sinh khi tuổi đời chưa quá đôi mươi, độ tuổi đang hừng hực nhựa sống và nhiệt huyết. Các anh hiến dâng cả đời mình cho đất nước, đã anh dũng chiến đấu và thanh thản trở về với đất Mẹ. Nhiều anh, quê tận Hà Giang, Bắc Ninh, Thanh Hóa... xa xôi đã đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, của miền Nam ruột thịt công tác, chiến đấu và nằm lại nơi đây. Nhiều anh, không kịp để lại cái tên, năm sinh và quê quán của mình.

Nhân dân xã Hòa Khương thắp hương tri ân các mộ phần liệt sĩ.

Theo Trưởng phòng LĐ-TB&XH H. Hòa Vang Phùng Kiệm, từ năm 2005, khi tuyến QL14B nâng cao trình thì NTLS xã Hòa Khương cũ nằm ở vùng trũng thấp, thường xuyên bị ngập nước mỗi mùa mưa lũ khiến người dân địa phương, thân nhân liệt sĩ bức xúc. Năm 2016, Dự án xây dựng NTLS xã Hòa Khương  được TP đầu tư thi công với kinh phí hơn 23,2 tỷ đồng nằm trên đồi Gò Cà với khuôn viên rộng 14.630m2. Toàn bộ 916 phần mộ trong nghĩa trang được ốp đá granite, các lối đi đều được lát gạch hoa, bê-tông kiên cố, không gian còn lại ngập tràn hoa, cây cảnh. Sau khi đưa vào sử dụng, NTLS xã Hòa Khương sẽ là một điểm nhấn về kiến trúc thiên nhiên giữa vùng đất bán sơn địa này, là "địa chỉ đỏ" để các thế hệ trẻ soi mình... Bí thư Đảng ủy xã Hòa Khương Đinh Ngọc Thiên nhớ lại: "Để chuẩn bị cho công tác cất bốc, di dời hài cốt liệt sĩ về nghĩa trang mới, chính quyền địa phương đã có nhiều cuộc họp lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của thân nhân, gia đình liệt sĩ nhằm tránh những sai sót, nhầm lẫn. Song, công việc di dời mộ liệt sĩ bây giờ đã trở thành việc làng, việc nước nên ai cũng hăng hái đóng góp công sức, tận tình giúp đỡ đưa các anh về nơi quy hoạch mới".

Tháng Bảy là dịp để mỗi người dân khơi thêm nguồn mạch nhân văn cao cả của dân tộc. Quá khứ hào hùng mà các chiến sĩ anh dũng hy sinh để đổi lấy độc lập, tự do đã được đồng bào, đồng chí nâng niu, trân trọng và tiếp nối bằng những nghĩa cử cao đẹp với truyền thống "Uống nước nhớ nguồn". Chính sách, chế độ cho thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng hàng năm luôn được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Hàng trăm gia đình chính sách, người có công neo đơn ở vùng nông thôn Hòa Vang cũng được các tổ chức, đoàn thể quan tâm đến cuộc sống bằng vật chất, tinh thần một cách chu đáo. Việc đền ơn đáp nghĩa không chỉ diễn ra trong dịp tháng 7 cao điểm mà là hoạt động thường xuyên trong năm, liên tục từ năm này qua năm khác và không có điểm dừng... Không ai tường tận như người Hòa Vang về những hy sinh, mất mát trên từng mảnh đất quê hương và cũng ít ai thấu cảm hơn người Hòa Vang về vị ngọt thời bình. Đất và người Hòa Vang luôn thắm đượm chữ  tình, vẹn nguyên niềm tin và giàu khát vọng vươn lên.

VY HẬU