Trong cái rủi, có cái may?
(Cadn.com.vn) - Vụ máy bay Malaysia mất tích bí ẩn trên biển Đông đang kéo các nước quanh khu vực lại với nhau, trong nỗ lực tìm kiếm và cứu nạn. Những nỗ lực không ngừng nghỉ này khiến nhiều người tự hỏi nếu Nhật Bản tình nguyện tham gia việc tìm kiếm máy bay MH370 mất tích vốn chở hơn 2/3 người Trung Quốc trên khoang, có thể giúp giảm căng thẳng giữa Tokyo và Bắc Kinh?
Đối với giới lãnh đạo và người dân Trung Quốc, một tuần vừa trải qua không hề dễ dàng. Một cuộc tấn công khủng bố xảy ra tại nhà ga Côn Minh khiến ít nhất 29 người chết và hơn 130 người bị thương.
Khi vụ việc này chưa kịp lắng dịu, sự biến mất của máy bay Malaysia Airlines càng gieo thêm nhiều lo lắng. Bắc Kinh đang vô cùng sốt ruột khi cho đến nay, đã 4 ngày trôi qua, vẫn chưa có bất kỳ tin tức gì về số phận máy bay này.
Hiện có 11 quốc gia tham gia vào hoạt động tìm kiếm cứu nạn quốc tế này gồm Việt Nam, Trung Quốc, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Singapore, Philippines, Australia, New Zealand, Mỹ và Anh. Nhiều quốc gia không có công dân trên máy bay mất tích vẫn nỗ lực tham gia cứu hộ.
Tuy nhiên, cho đến nay, Nhật Bản vẫn ngồi yên. Tất nhiên, không có công dân Nhật Bản nào trên chuyến bay định mệnh MH370, và vì vụ việc xảy ra trên biển Đông, nên Tokyo cũng không buộc phải tham gia cứu nạn.
Nhưng rõ ràng, Nhật Bản có công nghệ tiên tiến nhất và cơ sở vững chắc nhất trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Đội ngũ nhân viên cứu hộ được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm xử lý thiên tai. Vì vậy, nếu Tokyo tình nguyện tham gia các hoạt động cứu hộ quốc tế MH370 thì sao?
Trung Quốc đang theo dõi chặt chẽ các hoạt động ở nước ngoài của Nhật Bản. Vậy nếu một đội cứu hộ dân sự của Tokyo cùng tham gia tìm kiếm, Bắc Kinh có ít nhất sẽ coi nó như là một cử chỉ tích cực và thân thiện hay không?
Có thể, một hành động như vậy sẽ giúp thúc đẩy đối thoại song phương và giảm bớt căng thẳng do tranh chấp chủ quyền biển đảo.
Thực tế chứng minh cả Trung-Nhật từng được hưởng tình bạn mang tính biểu tượng sau khi Thủ tướng Ôn Gia Bảo đến thăm khu vực động đất ngày 11-3-2011 của Nhật Bản "để truyền đạt sự đồng cảm của người dân Trung Quốc cho người dân địa phương và chứng tỏ sự ủng hộ của chính quyền Chủ tịch Hồ Cẩm Đào lúc bấy giờ" đối với nỗ lực tái thiết của Nhật Bản.
Hiện nay, vẫn chưa có liều thuốc chữa khỏi vết thương căng thẳng trong mối quan hệ song phương Trung-Nhật khi cả hai đã nhiều lần tự đóng cánh cửa họp Hội nghị Thượng đỉnh song phương.
Thiết nghĩ, trong trường hợp này, phương pháp tiếp cận gián tiếp sẽ có hiệu quả hơn, có thể giúp tạo ra một số thay đổi. Một trường hợp đáng chú ý là vào cuối năm 2013 khi phương tiện truyền thông của hai nước đều vui mừng tuyên dương một sinh viên Trung Quốc đã cứu một cậu bé Nhật Bản khỏi chết đuối.
Và nay, có lẽ ai cũng mong đợi một tín hiệu tích cực từ Tokyo với tinh thần hoạn nạn có nhau.
Thanh Văn