Báo Công An Đà Nẵng

“Trồng cây gì, nuôi con gì” cho cán bộ Lào

Thứ sáu, 06/09/2019 15:00

Trung tâm khuyến nông tỉnh Quảng Nam vừa tiếp tục tập huấn cho cán bộ của Lào về lĩnh vực cây trồng, vật nuôi và những cán bộ Lào sau lần xuất ngoại này sẽ đi khắp các vùng nông thôn của tỉnh Sê Kông để truyền đạt lại kiến thức đã tu nghiệp tại Việt Nam.

 

Chị Nguyễn Thị Bích Lợi (đầu tiên bên phải) đang chia sẻ kiến thức cho cán bộ Lào thông qua phiên dịch. Ảnh: Văn Chương

* Trong khóa tập huấn cho 12 cán bộ của tỉnh Sê Kông năm 2019,  đơn vị Khuyến nông tỉnh Quảng Nam sẽ hỗ trợ bạn về giống, kỹ thuật canh tác các loại cây nông nghiệp như: Ngô lai CP 888, ngô nếp MX 10, ngô nếp Hội An, ngô nếp Nù, hạt giống rau ăn lá, lúa nước, mít thái và bưởi da xanh.

Trong lớp học đào tạo công tác khuyến nông cho cán bộ Lào tại trụ sở Trung tâm khuyến nông TP Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam), chị Nguyễn Thị Bích Lợi- cán bộ Trung tâm truyền đạt cho các học viên trong lớp về kinh nghiệm trồng cây ba kích tím và đảng sâm. Đây là 2 loại cây dược liệu mà qua nghiên cứu trước đó của Trung tâm khuyến nông thì rất hợp với thổ nhưỡng của tỉnh Sê Kông của nước bạn Lào. Anh Seng Phết và các học viên trong lớp nghe và hiểu được nội dung bài giảng thông qua phiên dịch là Thiếu tá Võ Hồng Tuyến của BĐBP tỉnh Quảng Nam.

Tại tỉnh Quảng Nam, cây dược liệu ba kích tím được trồng thành công ở một số địa phương, trong đó có xã Phước Kim, H. Nam Trà My. Tỉnh Sê Kông, Lào là địa phương có độ che phủ của rừng còn rất tốt, đây chính là điều kiện để canh tác cây ba kích tím, có đặc tính sinh trưởng tốt dưới tán rừng già. Hiện nay thị trường Việt Nam thu mua ba kích tím với giá từ 150 đến 250 ngàn đồng/kg ba kích tím. Nếu nông dân tỉnh Sê Kông phát triển tốt nguồn dược liệu này thì nhiều người Việt Nam có cơ hội được mua loại thảo dược ba kích tím với mức giá rẻ hơn.

Ông Võ Văn Nghi - Giám đốc Trung tâm khuyến nông TP Tam Kỳ tỉnh Quảng Nam cho biết, trước khi tổ chức lớp tập huấn, đơn vị đã đến tỉnh Sê Kông vào cuối tháng 3-2019 để làm việc với cơ quan cùng cấp của bạn và bàn 3 nội dung: Đánh giá kết quả hợp tác trong năm 2018, triển khai kế hoạch 2019 và đề xuất nội dung hợp tác trong thời gian đến (2019 - 2020); giao các loại hạt giống, cây giống cho Trung tâm Giống cây trồng con vật nuôi; khảo sát địa điểm xây dựng Trung tâm Khuyến nông và đi khảo sát thực địa các địa điểm dự kiến triển khai xây dựng mô hình năm 2019.

Trong nhiều nội dung mà tỉnh Quảng Nam đã hỗ trợ cho tỉnh Sê Kông kết nghĩa, về lĩnh vực nông nghiệp và nuôi trồng, Trung tâm khuyến nông đã hỗ trợ trong năm 2018, bao gồm: Mô hình Ngô lai CP333, với quy mô1,5 ha. Kết quả sau một năm thực hiện mô hình, diện tích ngô CP 333 đạt năng suất bình quân 7,56 tấn/ha, tổng sản lượng đạt 86,9 tấn (đây là mô hình triển khai thực hiện năm thứ ba trên địa bàn các huyện của tỉnh Sê Kông). Theo đánh giá của 2 bên, năng suất mô hình thu được năm sau cao hơn năm trước. Đối với mô hình ngô nếp lai MX10, hai bên triển khai trên diện tích 9 ha, năng suất bình quân đạt 7,1 tấn/ha, tổng sản lượng đạt 63,9 tấn; năng suất mô hình tăng cao hơn mô hình triển khai năm 2017 là 0,6 tấn/ha.

Để giúp nông dân ở tỉnh Sê Kông phát triển nông nghiệp và thoát nghèo bền vững, trong thời gian tới, đơn vị sẽ tập trung vào các nội dung: xây dựng các mô hình: Lâm nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản để nông dân học tập, nhân rộng. Ngoài ra, hỗ trợ cho Trung tâm Giống nông lâm nghiệp, Trung tâm Khuyến nông của tỉnh Sê Kông sản xuất một số giống cây trồng cung cấp cho người dân trong tỉnh; chuyên gia Sở Nông nghiệp & PTNT Quảng Nam sang hướng dẫn lý thuyết và thực hành để xây dựng các mô hình; Chọn từ 70 -100 ha trở lên tại H. Đắc Chưng gần biên giới Việt Lào để thực hiện các dự án nông nghiệp làm địa điểm cho nông dân đến tham quan học tập.

Anh Seng Phết và các cán bộ kỹ thuật Sở Nông lâm nghiệp tỉnh Sê Kông tham gia tập huấn cho biết, chương trình được học tập ở Quảng Nam rất hiệu quả và cần thiết, khi về nước thì cán bộ tập huấn sẽ được Sở Nông lâm nghiệp tỉnh Sê Kông tăng cường đi xuống các huyện chỉ đạo sản xuất nông nghiệp, sử dụng kiến thức, kinh nghiệm học hỏi được ở Quảng Nam vận dụng vào sản xuất tại địa phương.

LÊ VĂN CHƯƠNG