Báo Công An Đà Nẵng

Trong miên man hồn phố...

Thứ hai, 29/11/2021 18:00

Tôi mới ở Tam Kỳ hơn mười năm, nhưng trong ký ức của tôi, vẫn lưu lại “bóng dáng” của thị xã Tam Kỳ của thời điểm trước năm 1997, khi Quảng Nam- Đà Nẵng chưa chia tách thành hai đơn vị hành chính cấp tỉnh. Bởi tôi không phải quê Tam Kỳ, nhưng tôi có hai người chú ruột ở đây từ sau ngày giải phóng năm 1975. Vì vậy, thỉnh thoảng tôi có dịp vào Tam Kỳ và cũng biết ít nhiều về vùng đất này. Trong ký ức của tôi, đường Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Cao Vân, Nguyễn Thái Học... của Tam Kỳ một thời được ví như những “phố hàng”, là những đường phố xe cộ, mua bán sầm uất với những cửa hiệu sách, may mặc, đóng giày, thêu ren, gò thùng, đồ điện...

Tam Kỳ vào mùa hoa sưa.

Cùng với đó là những nghệ nhân, thợ thủ công ở những cửa hiệu ấy bây giờ đã cao niên hoặc thành thiên cổ... Và, vẫn còn đó những ngôi đình cổ như Vĩnh Bình, Thạch Tân Hương Trà, Phương Hòa, Mỹ Thạch,… ghi dấu ấn miền Hà Đông xưa còn in dáng dấp một thời. Cùng với sự phát triển của xã hội, Tam Kỳ bây giờ là trung tâm tỉnh lỵ, cơ quan hành chính, trường học, phố xá, nhà cửa... mở rộng nhiều, dân cư đông đúc. Những con phố của Tam Kỳ một thời thương mại, bây giờ phong phú hơn với nhiều siêu thị, các tiệm ăn uống, mua bán hàng hóa, các dịch vụ phong phú nhiều hơn...

Thỉnh thoảng, theo bước chân những người “cũ” của Tam Kỳ, tôi mỗi sáng cùng vài người bạn nhâm nhi ly cà-phê trên những quán cóc vỉa hè những con phố ấy. Tôi nhớ, có lần ngồi cà-phê sáng ở góc đường Huỳnh Thúc Kháng, bạn tôi nói vui rằng: Chỉ hơn một cây số thôi, nhưng hàng quán nhiều, đông vui, cả sự mộc mạc và dân dã thì đây là “Tam Kỳ đệ nhất phố”. Cả nhóm bạn cùng hòa vào câu chuyện “đệ nhất phố” với nhiều lý lẽ khác nhau. Nào là thức ăn thức uống bình dân, nào là có “tiêu chí” ở đó có những quán hàng vỉa hè để thưởng thức và cái hồn của phố để nhìn ngắm. Nào là trong cái “mới” có cái “cũ” dung hòa, pha lẫn thích ứng với hiện tại. Và còn nhiều lý lẽ khác, nhất là cuộc sống của nhiều phận người lao động mưu sinh miếng cơm manh áo hằng ngày có một không gian sống... Không kể đến những khu phố dân cư mới, nhà của cao tầng, thẳng tắp, những con đường được mở rộng, quy hoạch bài bản..., những con phố “cũ” của Tam Kỳ vẫn chất chứa một góc thâm trầm và có chiều sâu của phố đến thế. Dẫu biết theo thời gian, những con phố cũ cũng đang dần có sự chuyển đổi công năng để thành phố trở nên hiện đại hơn. Đó là niềm vui đô thị hóa, nhưng ít nhiều cần lắm sự cân bằng cần thiết để giữ lấy sự sâu lắng, giữ lấy cái hồn của phố. Như hôm nay, nhắc đến Tam Kỳ - Phủ Hà Đông xưa, người ta vẫn nhắc nhớ danh trà Mai Hạc, cơm gà Bà Luận, mít hông, chè no...

Đi trên những đường phố của thành phố Tam Kỳ hôm nay, vẻ đẹp được gọi là hồn của phố do nhiều yếu tố cấu thành chắc hẳn mỗi người có những cảm nhận khác nhau. Theo định hướng quy hoạch phát triển, Tam Kỳ là đô thị xanh, xác lập tiếp nối ý tưởng “làng trong phố, phố trong làng” góp phần giữ gìn nét thuần hậu của hồn phố và những giá trị văn hóa cộng đồng. Mênh mang những hồ nước điều hòa... Những con đường cây xanh như sưa, me, bằng lăng, hoa sữa... Những quán cóc vỉa hè với những chiếc ghế gỗ nho nhỏ cho khách khách ngồi tào lao những câu chuyện phố xá vào thời khắc buổi sáng với ly cà-phê, trà đá, hay các quán ăn bình dân, cả tiếng rao trong các hẻm phố...

Đó chính là những chất men tráng nên hồn phố, làm sinh động thêm cốt cách phố phường. Rồi, bây giờ trong thành phố cũng có thể gặp những hàng quán ăn uống với đủ loại tên đặt theo kiểu “Tây”, nhìn thôi cũng thấy hồn phố có sự phôi pha trên từng con chữ bảng hiệu. Rồi, thời gian hai năm nay khi dịch bệnh COVID-19bùng phát, các hoạt động, sinh hoạt tập trung đông người tại các hàng quán ăn uống, mua bán cũng bị chi phối theo ít đi, các dịch vụ ship hàng được nhiều người lựa chọn hơn. Nhưng, vẫn còn đó trong dòng đời lao xao, ồn ã kia của phố vẫn còn một thứ, là những tiếng rao hàng, có thể là giản đơn hơn, vất vả hơn nhưng đó lại là một phần “linh hồn” của phố. Đó là tôi cảm nhận được mỗi sớm mai hay xế chiều, tôi nghe những tiếng rao ngào ngạt mùi thơm mỗi thức quà quê đi trong phố. Như là xôi, là bắp, là khoai lang, bánh ướt, bánh bèo, đậu hũ, bánh chiên...

Niềm vui pha lẫn sự háo hức của mọi nhà, mọi người, ấy là sự hóng hớt, chờ đợi ấy từ những món ăn dân dã, mộc mạc... Hồn của phố từ đấy, có sự ân cần, nhọc nhằn mưu sinh từ những gánh hàng rong, xe đẩy, xe đạp và bóng dáng lướt trên đường phố, con hẻm, dù mưa nắng bốn mùa... Từ trung tâm thành phố, đến các vùng ven, những ngả đường hằng ngày vẫn tấp nập ngược xuôi dòng người đi về. Đường xuống biển Tam Thanh rộng thoáng mát, đường về vườn Cừa rợp bóng sưa vàng tháng ba và xanh um mát rượi, đường vào cửa ngõ và đi ra thành phố được quy hoạch rộng rãi, khang trang... Thành phố của những cây cầu lớn nhỏ, của dòng sông, của biển, của gió... Tất cả như gói gọn cả Tam Kỳ - thành phố yêu thương với 9 xã, phường hôm nay...

Trong xu thế phát triển, đôi lúc tự mỗi người - cư dân Tam Kỳ - có lúc lại lắng lòng với miên man với hồn phố để nhớ về ký ức một thời, để không bao giờ quên với từng con đường, mái nhà, những góc nhỏ trên phố Tam Kỳ và nghĩ suy về Tam Kỳ hôm qua- hôm nay... Bài toán giữa bảo tồn và phát triển, nhất là trước xu hướng đô thị hóa rất mạnh mẽ trong mấy năm gần đây cũng đặt ra nhiều nghĩ suy. Hồn phố gắn liền với những giai đoạn lịch sử. Hồn phố không chỉ đơn giản là những con phố vật chất, mà hơn thế là một giá trị có tính mạch nguồn đã từng kết tinh trong tâm thức, suy nghĩ của biết bao thế hệ người dân Tam Kỳ. Tất cả nhằm góp phần giữ gìn nét thuần hậu và những giá trị văn hóa cộng đồng tạo nên cái hồn phố riêng có...

QUYÊN QUYÊN