Báo Công An Đà Nẵng

Trồng rau nuôi 5 con học đại học

Thứ tư, 16/07/2014 08:25

(Cadn.com.vn) - “Cuộc đời vợ chồng tôi vốn đã nghèo, lại ít học. Thấy con cái có chí học hành nên chỉ biết tạo điều kiện để con theo nghiệp con chữ. Biết sẽ khổ, sẽ cực nhưng cứ nghĩ đến cảnh 5 đứa con được học đại học, vợ chồng tôi cũng đã mãn nguyện lắm rồi” - bà Nguyễn Thị Hạnh (1963, trú buôn Ea Mar, xã Krông Na, H. Buôn Đôn, tỉnh Đắc Lắc) tâm sự.

Căn nhà xập sệ của gia đình bà Hạnh được bao bọc bởi khu rẫy trồng ngô, ớt và rau cải. Đây cũng là nguồn thu chính nuôi sống gia đình bà từ nhiều năm nay. Cách đây 16 năm, ông Vũ Đình Sơn (1960) và bà Nguyễn Thị Hạnh cùng 5 người con “dắt díu” nhau đến buôn Ea Mar, xã Krông Na định cư theo Dự án kinh tế mới. Do không có nghề nghiệp ổn định nên vợ chồng bà chỉ biết khai hoang đất để trồng rau, quả kiếm sống. Cảnh “chạy ăn từng bữa” luôn “bám” vào gia đình vốn đông con này. Khó khăn là thế, nhưng vợ chồng bà Hạnh rất ý thức đến việc học hành của con cái. “Mỗi bữa họp gia đình, vợ chồng tôi đều nhắc nhở các con phải cố gắng học lên cao, sau này kiếm công việc ổn định cho sướng cái thân. Mấy đứa con bảo học lên cao chỉ sợ bố mẹ không lo nổi. Tôi nói, đời bố mẹ chỉ có các con là tài sản lớn nhất. Chỉ cần thấy con cái học thành tài thì khó khăn, cực khổ mấy bố mẹ cũng chấp nhận được” - bà Hạnh tâm sự.

Nhờ trồng bắp, rau cải, ông Sơn nuôi được 5 con học đại học.

Năm 2004, 2 đứa con gái của vợ chồng bà Hạnh cùng thi đỗ vào Trường Đại học Tây Nguyên. Nhớ lại thời điểm này, ông Sơn kể: “Nhận được tin, vợ chồng tui mừng lắm. Cả thôn kéo đến nhà chia vui. Họ cũng ái ngại, sợ chúng tôi không nuôi nổi. Chúng tôi nghĩ con đậu đại học là mừng, dù vất vả nhưng đành hy sinh đời bố để củng cố đời con. Biết rằng cuộc sống sắp tới sẽ rất khó khăn, nhưng gia đình tôi chấp nhận hết, miễn con cái theo được nghiệp con chữ”. Vốn đã nghèo, nay phải “nuôi” cùng lúc 2 con học đại học càng khiến gia đình bà Hạnh vất vả hơn. Vợ chồng bà Hạnh ngoài trồng rau, quả trên nương còn thay nhau đi làm thuê. “Ai thuê gì chúng tôi cũng làm, từ cuốc mướn, hái bắp, trồng đậu. Có bữa mưa gió không làm ra tiền, vợ chồng tôi chạy vạy vay mượn khắp nơi. Nhiều khi đi chợ không dám mua thức ăn, chỉ để tiết kiệm thêm ít tiền gửi cho con học” - bà Hạnh nói.

Những năm sau đó, thêm 3 đứa con của vợ chồng bà lần lượt thi đỗ vào các Trường Đại học Sư phạm TPHCM và Đại học Tây Nguyên. Thấy bố mẹ cơ cực, các con bà Hạnh có ý định bỏ học nhưng vợ chồng bà Hạnh cương quyết: “Đời bố mẹ ít học, khổ cũng khổ rồi. Nếu các con có hiếu thì phải tiếp tục học cho nên người. Đó là cách trả ơn bố mẹ”. Trong 10 năm nuôi các con học đại học, tài sản lớn nhất của vợ chồng bà chính là những tấm bằng đại học mà các con bà đạt được trong những năm qua, được cất giữ trong tủ cẩn thận. Hiện tại, trong số 5 người con của bà đã có 4 người ra trường, người còn lại đang học năm cuối khoa Nông lâm Trường ĐH Tây Nguyên. Em Vũ Minh Dũng, con trai út bà Hạnh tâm sự: “Những lúc nghỉ lễ, em về thăm gia đình. Thấy bố mẹ làm việc quần quật ngày đêm, em thương lắm. Nhiều lúc nản, định bỏ ngang nhưng bố mẹ cương quyết “hy sinh vì các con” nên anh em càng có động lực để học tập, hướng đến tương lai.

Bà Hạnh kể, “4 đứa con ra trường thì 3 con gái đã đi dạy, đứa con gái còn lại hiện đang xin việc. Sắp tới thằng cu út cũng tốt nghiệp. Tôi chỉ mong chúng xin được việc làm cho bõ công đèn sách bao năm”.

H. Phúc