Báo Công An Đà Nẵng

Trọng thể Lễ truy điệu Đại tướng Võ Nguyên Giáp (trực tuyến)

Chủ nhật, 13/10/2013 13:44

(Cadn.com.vn) - Sáng nay, tại Nhà tang lễ Quốc gia, Thủ đô Hà Nội, Ban chấp hàng T.Ư Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội, Nhà nước CHXHVN, Chính phủ trọng thể tổ chức Lễ Truy điệu Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân và dân cả nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc Điếu văn, kính cẩn khắc ghi sự nghiệp, cuộc đời, công lao vĩ đại, kiệt xuất của Đại tướng trong niềm tư hào và biết ơn vô hạn...

VIDEO CLIP:

>> Linh cữu Đại tướng về với đất mẹ Quảng Bình
>> Tiễn đưa Đại tướng tới sân bay Nội Bài
>> Diễn biến lễ tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp
>> Toàn cảnh lễ treo cờ rủ Quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp
>> Giây phút cuối cùng của Đại tướng tại viện Quân y 108
>> Hàng chục nghìn người đến viếng Đại tướng trong ngày cuối cùng

TPHCM: Ngập tràn tình cảm kính yêu Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên sổ tang

(Cadn.com.vn) - Sáng nay 13-10, đông đảo người dân  TPHCM tiếp tục đã đến Hội trường Thống Nhất dự lễ truy điệu Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Một không gian đau buồn bao trùm, ai nấy cũng lặng lẽ cuối đầu chờ thời khắc diễn ra  lễ truy điệu, mọi người cùng hướng mắt nhìn màn hình để theo dõi lễ truy điệu Đại tướng Võ Nguyên Giáp được truyền hình trực tiếp từ Nhà Tang lễ Quốc gia.

Đến 8 giờ, sau khi Lễ truy điệu Đại tướng kết thúc, vẫn còn rất nhiều người dân thành phố và từ các tỉnh thành phía Nam xếp hàng dài đến viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nghẹn ngào trong nỗi đau, nhiều sinh viên học sinh, công nhân lao động trẻ nối tiếp chờ đợi được vào phòng ghi sổ tang, từng trang viết  với nhiều cảm xúc, như những lời hứa với Bác từ trái tim mình sẽ nỗ lực phấn đấu học tập theo tấm gương sáng ngời của Bác về tinh thần một lòng  vì nước, vì dân:

“Con rất buồn khi Việt Nam mất đi một chỗ dựa tinh thần, nhưng cũng lạc quan, nhìn thấy nhân cách Đại tướng đã truyền đi cảm hứng về lòng tự hào dân tộc về bản lĩnh ý chí và cả về một nhân cách sống , đối với người ở lại nhất là thế hệ trẻ chúng con …TP HCM hôm nay một ngày nắng đẹp, con mong Đại tướng về với quê hương trong yên bình …”. (Nguyễn Thị Thanh Loan- TPHCM)

“Con rất buồn khi nghe tin Đại tướng ra đi. Từ nhỏ , con đã nghe mọi người nhắc đến tên người và trong tâm tưởng con Người là vị tướng rất vĩ đại. Khi Đại tướng mất đó chính là sự mất mát vô cùng to lớn lao cho Đảng, Nhà nước và cả dân tộc ta” . (Phan Thị Tú- SV TPHCM)

“Chúng con thấy ông là một Đại tướng có nhiều kinh nghiệm giúp quân dân ta đánh bại được quân Pháp, quân  Mỹ. ông còn là một tấm gương sáng để thế giới noi theo” . (Nguyễn Minh Đức – học sinh lớp 6-TPHCM )

“Đại tướng sinh ra trên quê hương Quảng Bình đầy nắng và gió, là mảnh đất nuôi dưỡng và ươm mần cho biết bao thế hệ anh hùng hào kiệt và những vị tướng vĩ đại của nhân dân. Cháu cũng là người con của mảnh đất miền Trung đầy khắc nghiệt và khó khăn, có lớn lên trên mảnh đất ấy mới thấu hiểu nỗi cơ cực của người dân, của vùng bom đạn. Chúng con biết ơn những người đã hy sinh xương máu để có hòa bình như ngày hôm nay. Ông bà , chú bác của cháu cũng ra đi. Giờ đây, cháu cố gắng phấn đấu vì cháu là thế hệ trẻ, là mầm non mà Bác và mọi người đã gieo, đã ươm mầm nó .. Bác và Bác Hồ hãy theo dõi chúng cháu và dân tộc Việt Nam một ngày không xa sẽ khẳng định vị thế lớn mạnh và chúng cháu sẽ tự hào ‘Tôi là người Việt Nam”. (Hoàng Minh Giang – SV- TPHCM)

“Dẫu biết rằng mỗi con người chúng ta phải tuân theo quy luật sinh, lão, bệnh, tử. Nhưng khi được biết Bác đã ra đi vào một buổi chiều cuối mùa Thu, lòng con càm thấy có gì như siết lại, một cảm giác bồi hồi xúc động như ùa về”. (Lê Bình Phương SV- TPHCM)

“Ông ơi! Con đến từ quê hương Quảng Bình. Con xin phép gọi bằng ông, vì quê hương Lệ Thủy đã hay gọi như vậy rồi, kể từ khi có con đường mà người dân quê hương hay gọi một cái tên thân thương  là đường “Ông Giáp”.  Con luôn tự hào về quê hương Lệ Thủy giàu truyến thống Cách Mạng …”  (Nguyễn Thị Nguyệt- SV TPHCM)

Và còn hàng nghìn trang viết như thế với cảm xúc ngập tràn niềm tiếc thương Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Theo Ban tổ chúc lễ viếng tại TPHCM, đã có hàng nghìn người đại diện cho tổ chức và ghi vào sổ tang, gồm 40 cuốn trong 2 ngày qua tại TPHCM.

Quảng Bình: Vũng Chùa lúc chiều nay

Dòng tộc họ Võ tại Lý Hòa (H.Bố trạch) lập bàn thờ Đại tướng bên QL1A.


Lực lượng CSGT phân luồng trên đường xuống Vũng Chùa.

Dòng người đổ về Vũng Chùa lúc 12 giờ, ngày 13-10.

Một nhóm người từ Thị trấn Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đã có mặt ở Vũng Chùa từ sáng sớm,
mang theo cơm đùm, cá kho để chờ Đại tướng về.

Bất chấp cả trưa nắng gắt, hàng vạn người lặng lẽ nối gót nhau cùng hướng về Vũng Chùa- nơi yên nghỉ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ở Vũng Chùa giờ đây người xa lạ cũng trở thành người thân quen, ai cũng với một tâm trạng bồi hồi xúc động, ngóng chờ. Trong dòng người lặng lẽ đi, ai ai cũng nói về Đại tướng với một niềm tự hào khôn xiết…

Một số hình ảnh dòng người đổ về vũng chùa tiễn đưa Đại tướng về với đất Mẹ:

 

Các địa phương:

Đúng 7 giờ sáng 13-10, đồng loạt ở tất cả 17 ban chỉ huy quân sự huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Gia Lai đều tổ chức Lễ truy điệu Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Cùng lúc, tại Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, Binh đoàn Tây Nguyên, Binh đoàn 15 và Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh cũng tổ chức Lễ truy điệu.

Người dân lập bàn thờ bái vọng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại tổ 15, P. Phù Đổng, TP Pleiku.

CBCS Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Gia Lai dự Lễ truy điệu.

Quảng Bình:

Đúng 7 giờ sáng, hàng nghìn người dân tề tựu về UBND tỉnh để làm Lễ truy điệu. Tất cả các cán bộ công nhân viên chức các sở ban ngành chức năng đều có mặt để tiễn đưa Đại tướng về nơi an nghỉ cuối cùng.

Tại lễ truy điệu, chúng tôi đã tiếp xúc 3 sinh viên đạp xe từ TPHCM vượt qua chặng đường hơn 1000km để kịp về dâng hương Đại tướng vào tối 12-10. Các sinh viên cho biết, do không kịp chuẩn bị nên mỗi ngày một người chỉ dùng một gói mỳ tôm. Bất chấp khó khăn thiêu thốn, các em vẫn quyết tâm thực hiện hành trình, bởi phía trước là tình cảm bao la, là sự kính trọng vô ngần đối với Đại tướng.

Sinh viên Bủi Kiến Quốc, trưởng đoàn, nói: Chúng em đi bằng xe đạp, mang đất từ 10 tỉnh trên đường đi, như Ninh Thuận, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Bình Thuận… Những nắm đất tượng trưng cho tình cảm dạt dào của tuổi trẻ mỗi vùng đất. Còn em Võ Khắc Việt (Đại học Lạc Hồng), ngậm ngùi: Chúng em muộn mất lễ viếng của Đại tướng, nhưng không sao vì vẫn kịp để hòa vào dòng người tiễn đưa Người về với quê hương Quảng Bình…

Đoàn xe đưa linh cửu Đại tướng đi đến đâu, nước mắt tiễn biệt Đại tướng về quê Mẹ
rơi đến đó.

8 giờ15, xe rước linh cữu lăn bánh qua lăng Bác, nơi hàng chục nghìn người đã chờ sẵn và hô vang "Đại tướng muôn năm" trong tiếng nấc nghẹn.

Hà Nội:

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng kết thúc Điếu văn và mọi người dành một phút mặc niệm Đại tướng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc Điếu văn.

Thay mặt gia đình phát biểu đáp từ, ông Võ Điện Biên, con trai Đại tướng khẳng định:
"Mọi lời ca ngợi Đại tướng chính là lời ca ngợi với Bác Hồ, với các thế hệ cách mạng của Đảng, với các đồng bào, đồng chí đã hi sinh xương máu trong hai cuộc kháng chiến vừa qua. Đấy là lời ca ngợi với tất cả những người con ưu tú của đất Việt đã ngã xuống để bảo vệ vùng đất này".

Ông cũng bày tỏ sự cảm ơn riêng tới tập thể y, bác sĩ Viện 108 và ngẩng đầu tạ ơn tiên tổ của đất nước Việt Nam, anh linh của những anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống vì Tổ quốc đã luôn đồng hành cùng Đại tướng trong cuộc trường chinh và cho đến phút cuối cùng.
"Đại tướng cả đời vì nước, vì dân và chắc chắn khi mất đi, tinh thần của Đại tướng sẽ hòa vào tinh thần của người dân đất Việt, vì một nước Việt Nam hùng cường", ông Biên nói.

7 giờ 20: Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là người đầu tiên đi qua linh cữu để tiễn biệt vị Đại tướng của dân tộc. Tiếp theo đó là các đồng chí lãnh đạo, nguyên là lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp được chuyển ra linh xa. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cùng 10 chiến sỹ khiêng linh cữu di chuyển từ trong Nhà tang lễ ra linh xa.  Từ Nhà tang lễ quốc gia Hà Nội, cỗ linh xa này cùng 25 xe tiêu binh chạy qua các tuyến phố trung tâm thủ đô để cán bộ CBCS, nhân dân tiễn biệt Đại tướng và dừng lại ở số 30 Hoàng Diệu, tư gia Đại tướng theo phong tục.

Sau đó, đoàn xe tiếp tục lộ trình ra sân bay Nội Bài để bay tới Đồng Hới (Quảng Bình) theo lịch trình  các tuyến đường: Trần Thánh Tông – Lê Thánh Tông – Quảng trường Cách mạng Tháng Tám – Tràng Tiền – Hàng Khay – Tràng Thi – Điện Biên Phủ - Độc Lập – Hoàng Văn Thụ - Hoàng Diệu – Trần Phú – Sơn Tây – Kim Mã – Cầu Giấy – Phạm Văn Đồng – Bắc Thăng Long – sân bay Nội Bài. Đặc biệt, Linh cửu Đại tướng vòng qua Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, nơi yên nghỉ của lãnh tụ, người Thầy của Đại tướng.

Hai chuyên cơ được Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam chuẩn bị phục vụ tang lễ, trong đó chiếc ATR72 chở linh cữu mang số hiệu VN103 (lấy theo tuổi của Đại tướng) và một chiếc A321 chở theo 184 khách đi cùng mang số hiệu VN1911 (lấy theo năm sinh của Đại tướng).

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội và các đoàn dự Lễ Truy điệu.

Quảng Bình:

Đêm 12-10 nơi quê hương Đại tướng là một đêm đặc biệt. Ngoài Ban tổ chức Lễ tang địa phương, các đoàn viếng  Đại tướng và nhân dân hầu như không ai ngủ, thức với những kỷ niệm, những câu chuyện về cuộc đời và sự nghiệp lẫy lừng của vị anh hùng dân tộc.

Hơn 1.000 học sinh-sinh viên huyện Lệ Thủy đã tập trung tại sân Trung tâm văn hóa thông tin huyện Lệ Thủy, cùng nhau thắp nến tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người con của đất mẹ Lệ Thủy (Quảng Bình).