Báo Công An Đà Nẵng

Trục Châu Á của Mỹ đang lung lay

Thứ tư, 05/10/2016 09:29

(Cadn.com.vn) - Ngày 4-10, các lực lượng của Mỹ và Philippines bắt đầu tập trận quân sự chung trong bối cảnh mối quan hệ đồng minh đang xuống dốc không phanh. Thậm chí, đây có thể là cuộc tập trận chung cuối cùng giữa hai nước trong nhiệm kỳ của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte.

Các lực lượng Mỹ và Philippines tại lễ khai mạc cuộc tập trận PHIBLEX 33 ở thành phố Taguig, phía đông thủ đô Manila hôm 4-10. Ảnh: AP

Cuộc tập trận đổ bộ lần này mang tên PHIBLEX 33, diễn ra ở đảo Luzon và đảo Palawan của Philippines. Theo AP, 1.100 binh sĩ Mỹ và 400 nhân viên quân sự Philippines cùng tham gia diễn tập lần này, nhằm cải thiện khả năng sẵn sàng đối phó với các cuộc khủng hoảng và củng cố quan hệ lịch sử hai bên.

PHIBLEX 33 diễn ra chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tuyên bố, cuộc tập trận lần này, dự kiến kết thúc vào ngày 12-10, sẽ là cuộc tập trận chung đầu tiên và cuối cùng giữa 2 đồng minh trong nhiệm kỳ 6 năm của ông, sẽ kết thúc vào tháng 6-2022. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay sau đó đã “sửa sai” khi cho biết, quyết định này là không chính thức.

Trong khi đó, phía Mỹ cũng cho biết chưa nhận được bất kỳ thông báo chính thức nào về việc Tổng thống Duterte tuyên bố chấm dứt các cuộc tập trận chung với nước này, đồng thời lưu ý, Washington hy vọng Manila tôn trọng các cam kết của mình. Những động thái này đang đặt ra câu hỏi liệu các cuộc diễn tập quân sự khác giữa Mỹ - Philippines có diễn ra theo đúng kế hoạch hay không.

Kể từ khi Tổng thống Duterte lên nắm quyền, mối quan hệ đồng minh lâu đời Manila-Washington bất ngờ trở nên ảm đạm. Ông Duterte vẽ ra chính sách đối ngoại không phụ thuộc vào Mỹ, và đã thực hiện các bước để làm sống lại mối quan hệ với Trung Quốc, vốn căng thẳng dưới thời những người tiền nhiệm do tranh chấp lãnh hải kéo dài. Giới chuyên gia bày tỏ lo ngại trước những phát biểu chỉ trích Mỹ liên tiếp của ông Duterte và cho rằng việc này đang làm suy giảm quan hệ đồng minh với Washington và không mang lại lợi ích cho bên nào.

Và nếu Manila chính thức ngừng tập trận với Washington đúng như tuyên bố của Tổng thống Duterte, động thái này chắc chắn sẽ cản trở kế hoạch của Washington nhằm mở rộng dấu chân của các lực lượng Mỹ ở Đông Nam Á và cả Châu Á-Thái Bình Dương để đối phó với một Trung Quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ.

Một phát ngôn viên của lực lượng lính thủy đánh bộ Philippines, ông Ryan Lacuesta, tránh né câu hỏi về những tuyên bố của ông Duterte rằng “liệu có ảnh hưởng đến quân đội và không khí cuộc tập trận này hay không. “Dù tôi rất muốn trả lời nhưng tôi muốn để cho chính quyền cao hơn”, ông Lacuesta cho biết. Tướng hải quân Mỹ John Jansen cũng không nói đến tuyên bố của Tổng thống Duterte mà chỉ nhấn mạnh, “ngoài việc thúc đẩy an ninh khu vực, cuộc diễn tập giúp Manila phản ứng nhanh chóng và đầy đủ hơn trước các thảm họa như sự tàn phá của cơn bão Haiyan ở miền trung Philippines hồi năm 2013”.

Giới chuyên gia cho rằng, có lẽ Mỹ nên tiếp tục cách phớt lờ những lời lẽ thù địch của Tổng thống Duterte – nhà lãnh đạo vốn được gọi là “Donald Trump của Philippines” bởi thực tế đó hầu hết là những tuyên bố kiểu bốc đồng, nhất thời. Nhiều người cho rằng, ông Duterte chỉ cảnh báo Mỹ như vậy trong lúc đang tức giận vì những lời chỉ trích của Nhà Trắng nhằm vào chiến dịch chống ma túy gây tranh cãi của mình. Nhưng dù nói gì đi nữa, chính sách tái cân bằng Châu Á của Mỹ cũng đang bị đe dọa.

Khả Anh