Báo Công An Đà Nẵng

Trục vớt tàu Costa Concordia -Phi vụ tốn kém nhất lịch sử

Thứ tư, 18/09/2013 13:03

(Cadn.com.vn) - Sau thảm họa Titanic tròn thế kỷ, tháng 1-2012, thế giới lại sửng sốt khi chứng kiến tàu du lịch 5 sao Costa Concordia của Italia bị mắc cạn ngoài khơi đảo Giglio. Vụ việc khiến hơn 4.000 người phải sơ tán, 32 người tử vong, 2 nạn nhân còn mắc kẹt trong tàu chưa tìm thấy xác. Hiện tại, Italia đang tiến hành công việc trục vớt, cuộc giải cứu được xem là tốn kém nhất trong lịch sử hàng hải nhân loại.

Kế hoạch trục vớt Costa Concordia hiện đang được liên doanh Mỹ-Italia, Cty cứu hộ Titan-Micoperi thực hiện  với chi phí ước khoảng 800 triệu USD.

Phát sinh có thể tăng lên bởi khối lượng công việc cực lớn, nhất là khi khí hậu lại không thuận lợi. Riêng số nhân viên cứu hộ cũng lên tới 500 người. Theo hãng Titan- Micoperi, người ta phải bốc hàng ngàn tấn xi-măng đựng trong bao tải đặt dưới thân tàu để tránh lún chìm và sử dụng thiết bị nổi để kéo tàu trở lại vị trí cân bằng.

Tất cả những công việc này cần được thực hiện khoa học, không gây nguy hiểm cho môi trường. Mặc dù kế hoạch được chuẩn bị kỹ càng, nhưng đây cũng chỉ là lý thuyết vì chưa có tiền lệ, nên người ta phải hết sức thận trọng.

Tàu Costa Concordia được kéo thẳng vào sáng sớm 17-9. Ảnh: CNN.

Khám phá bên trong Costa Concordia

Sau hơn 20 tháng nằm dưới nước, Costa Concordia bắt đầu bị nước biển gặm mòn, trong số này còn có cả 2 thi thể hành khách xấu số mất tích.

Theo các thợ lặn của Titan- Micoperi, dù cố gắng hết sức nhưng họ vẫn không thể thâm nhập vào sâu bên trong tàu do áp lực, ô nhiễm, đặc biệt là vật cản đồ đạc dồn nén bên trong dồn ra lấp kín lối vào. Những thợ lặn cuối cùng cũng cho hay, họ không có  thẩm quyền đi sâu vào trong vì vụ tai nạn này được xếp là vụ án hình sự, hiện trường cần được bảo toàn nguyên vẹn.

Còn theo ngư dân đảo Giglio, ngay sau khi vụ tai nạn, cá và sinh vật biển khu vực này "lớn nhanh như thổi" nhờ thực phẩm Costa Concordia cung cấp như bơ, sữa, thịt, trứng, pho-mát và rau quả. Ngoài thực phẩm còn có rất nhiều vật dụng thoát ra từ thân tàu, trong số này có cả những thùng thực phẩm còn nguyên đựng trong tủ lạnh được nước biển bịt kín. Qua các thước phim, người ta còn thấy những chiếc ghế nổi, đèn chùm, mảnh vỡ bàn ghế, chai lọ, dĩa ăn áp sát vào thành tàu giống như trong phim hoạt hình. Ngay trong ca-bin, giám đốc dịch vụ Manrico Giampedroni may mắn sống sót sau 36 giờ trôi nổi bằng chính những loại thực phẩm trôi nổi trên mặt nước.

Cho đến nay, người ta vẫn chưa hiểu vì sao Costa Concordia lại nổi được thay vì nổ tung như một số vụ tai nạn từng thấy. Nhiều người cho rằng, có thể do hiệu ứng nghiêng, và hiệu ứng bán chìm của 1.500 phòng nhỏ trên con tàu này.

Công việc khó khăn

Khi gặp nạn, các động cơ của tàu còn đủ dầu bồi trơn, trong phòng bếp lại chứa dầu ăn, vật liệu không hòa tan nên đây cũng là môi chất gây ô nhiễm rất mạnh. Ngoài ra, nơi tàu Costa Concordia bị nạn có nhiều động vật quý hiếm vì vậy việc trục vớt và khử độc ở vùng biển này là công việc bức thiết cần thực hiện càng sớm càng tốt.

Trong khi con tàu chờ được cứu hộ thì việc bảo vệ an ninh cũng rất nghiêm ngặt. Nghe nói, một số vật dụng bị đánh cắp, trong đó có quả chuông của con tàu. Sau 9 tháng bị nạn, một vali của hành khách được tìm thấy tại ngoài khơi đảo Elba, nhưng được hoàn trả lại cho khách hàng.

Theo ông Mick Sloane, Giám đốc Titan- Micoperi, trong trường hợp phải dùng đến thuốc nổ, rất có thể một số hàng hóa sẽ bị ảnh hưởng, mất mát, vì bản thân tàu Costa Concordia rất lớn, nặng tới 114.000 tấn, 65% chìm xuống nước, nằm sâu 30m tính từ mặt nước. Cũng theo ông Sloane, do kích thước quá lớn, khi thiết kế người ta không tính đến giải pháp trục vớt, cứu hộ nên việc cẩu con tàu trở lại vị trí nguyên thủy rất khó. Độ xoay thực tế của Costa Concordia hiện tại mới chỉ đạt 3 độ trong khi đó mức xoay yêu cầu phải 65 độ.

Costa Concordia là tàu du lịch xa xỉ, trị giá 570 triệu USD, thuộc sở hữu tập đoàn Costa Cruises của Italia. Vấn đề gây tranh cãi là trong lúc gặp nạn, một số hành khách nhảy xuống nước để bơi vào bờ, một số sẵn sàng sơ tán khỏi con tàu nhưng bị các thành viên phi hành đoàn không cho phép, không hạ thủy phao cứu sinh. Thuyền trưởng Francesco Schettino, và giám đốc dịch vụ Giampedroni bị cáo buộc ngộ sát, đặc biệt là tội danh bỏ mặc nạn nhân không giúp họ sơ tán.

Duy Hùng

(Theo CNN)