Trung Á - Châu Âu và Hồi giáo
(Cadn.com.vn) - Tại thời điểm căng thẳng tôn giáo và bạo lực cực đoan gia tăng như hiện nay, những chấn động về mối đe dọa Hồi giáo ở Trung Á cần được phân tích cẩn thận để xem đó là mối đe dọa thực sự hay chỉ là “bánh vẽ”.
Còn nhớ, trong suốt chuyến thăm của Tổng thống Vladimir Putin đến Uzbekistan hồi tháng 12-2014, người đồng cấp nước chủ nhà Islam Karimov liên tục nhờ ông chủ Điện Kremlin giúp nước mình chống lại các mối đe dọa ngày càng tăng của Hồi giáo vũ trang cực đoan.
Trong khi giới phân tích muốn nói về lý do tại sao những lời kêu gọi giúp đỡ này được cho là khá chung chung và vô căn cứ, sự trùng hợp rõ ràng rằng, mối đe dọa mang tên Hồi giáo cực đoan này sẽ xảy ra vào tháng 3 tới, khi ông Karimov lên kế hoạch tái tranh cử.
Các thuật ngữ chủ nghĩa cực đoan, chủ nghĩa cấp tiến hay khủng bố... thường được các nhà lãnh đạo trong khu vực dùng để mô tả các mối đe dọa về khả năng Hồi giáo chính trị có thể gây ra mối đe dọa cho chính quyền.
Sự bạo lực tàn nhẫn của một số nhóm, chẳng hạn như IS hoặc Al-Qaeda, đã là cơn ác mộng tái diễn cho các nhà lãnh đạo Trung Á và bây giờ có vẻ như càng nghiêm trọng hơn, khi quân đội Mỹ rời khỏi Afghanistan. Rõ ràng, một thiên đường Hồi giáo ôn hòa đang bị vây hãm.
Hồi tháng 11-2014, Ủy ban An ninh Quốc gia Kazakhstan (KNB) ước tính có khoảng 300 người dân tham gia vào IS. Tuy nhiên, KNB có rất ít bằng chứng cho công bố này. Trong khi đó, giới truyền thông địa phương tiếp tục “giúp” nhấn mạnh các mối đe dọa.
Nhưng rồi, hôm 13-1, IS tung ra đoạn băng - lồng tiếng Nga - cho thấy một công dân Kazakhstan, 15 tuổi, xử tử 2 “điệp viên Nga” vì tội chống lại các mục tiêu của Nhà nước Hồi giáo (Caliphate). Một trong những nạn nhân, Zhanbolat Mamayev, là người Kazakhstan, vấn đề thật sự gây quan ngại cho chính phủ Astana. Trước đó cùng ngày cũng có đoạn băng về việc một số trẻ em Kazakhstan được tuyển chọn để chiến đấu ở Syria.
Trong khi đó, một nguồn từ Mỹ bày tỏ mối quan tâm về Tajikistan, khi cho biết có 300 chiến binh người nước này có thể ở Syria. Một trong số này được tuyển dụng thông qua trang mạng xã hội Odnoklassniki, phiên bản tiếng Nga của Facebook. Ngoài ra, vấn đề đào tạo của Hồi giáo vẫn là điểm nóng cho các chính phủ Trung Á. Do đó một số lệnh cấm lựa chọn được đưa ra như hạn chế nhập khẩu sách tôn giáo vào Kazakhstan...
Tuy nhiên, dẫu sao, giới phân tích cho rằng, Trung Á vẫn còn xa tầm với hơn so với Châu Âu. Với những cuộc tấn công gần đây ở Châu Âu, IS và cả Al-Qaeda đang cho thấy dã tâm chinh phục lục địa này. Kênh truyền hình tư nhân RTL hôm 19-1 phát sóng phỏng vấn nhân vật IS Christian Emde vốn bị trục xuất khỏi Anh năm 2012 cho biết, nhóm này có tham vọng vượt biên giới Nhà nước Hồi giáo, trước mắt tiến đến Libya, Ai Cập, Yemen, Saudi Arabia và rồi sẽ chinh phục Châu Âu.
Sau Pháp, Bỉ, có lẽ mục tiêu tiếp theo sẽ là Đức do nước này hỗ trợ vũ khí cho lực lượng chống IS.
Thanh Văn