Báo Công An Đà Nẵng

Trung Á với các "chiến thuật quyền lực"

Thứ năm, 12/03/2015 12:16

(Cadn.com.vn) - Kazakhstan và Uzbekistan đều dự kiến sẽ tái bầu cử lãnh đạo vào mùa xuân này. Sẽ chẳng có gì ngạc nhiên nếu ông Nursultan Nazarbayev vẫn tái đắc cử tại Kazakhstan dù ông chưa công bố sẽ tranh cử một lần nữa, hoặc nếu ông Islam Karimov vẫn là Tổng thống Uzbekistan. Cả hai đã nắm quyền kể từ thời Liên Xô và là hai trong số các nhà lãnh đạo phục vụ lâu nhất trên thế giới. Họ đã sử dụng “chiến thuật” nào để giữ vững quyền lực của mình?

1. Tổ chức trưng cầu dân ý

Thông thường, thay vì tổ chức bầu cử, trưng cầu dân ý được tổ chức nhằm kéo dài thời hạn tổng thống. Điều này đặc biệt phổ biến trong những năm 1990 khi Trung Á thời hậu Liên Xô đang trải qua quá trình chuyển đổi đau đớn với nghèo đói gia tăng, thất nghiệp cao. Uzbekistan và Kazakhstan tổ chức trưng cầu dân ý vào năm 1995, mở rộng nhiệm kỳ của cả hai tổng thống cho đến năm 2000. Một cuộc trưng cầu trong năm 2002 cho phép ông Islam Karimov lãnh đạo Uzbekistan thêm 2 năm, cho đến năm 2007.

2. Thay đổi lịch bầu cử

Các cuộc bầu cử ở Trung Á không nhất thiết phải theo đúng lịch trình.

Đây là lần thứ hai Uzbekistan tổ chức bầu cử tổng thống, rất lâu sau khi lãnh đạo hết hạn làm tổng thống. Cuộc bầu cử lần này lẽ ra diễn ra hồi tháng 12-2014 nhưng bị hoãn để tránh đụng độ với cuộc bầu cử Quốc hội. Và nó sẽ diễn ra vào ngày 29-3 tới. Kêu gọi bầu cử sớm, như thực hiện 3 lần ở Kazakhstan, cho phép lãnh đạo đương nhiệm có nhiều khả năng loại đối thủ. Đảng đối lập chính của Kazakhstan tẩy chay cuộc bầu cử vào đầu năm 2011, cho rằng họ có ít thời gian để chuẩn bị.

Đưa lịch trình bầu cử về phía trước cũng có thể hữu ích nếu các vấn đề khó khăn đang hiện ra lờ mờ. Công bố bầu cử sớm vào cuối tháng trước, Tổng thống Nazarbayev đề cập đến “cuộc khủng hoảng kinh tế đang phát triển” và” chủ nghĩa đối lập địa chính trị đang tăng cao” - ám chỉ cuộc khủng hoảng ở Ukraine – là một trong những lý do cho quyết định của mình. Việc bỏ phiếu sẽ diễn ra vào ngày 26-4.

Ông Nursultan Nazarbayev (trái) và Islam Karimov (phải) đã nắm quyền lực trong khoảng 50 năm. Ảnh: BBC

3. Không có đảng đối lập thực sự

Theo các quan sát viên của Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE) - cơ quan giám sát dân chủ trong khu vực - các cuộc bầu cử ở Kazakhstan và Uzbekistan thiếu cạnh tranh.

Nhiều ứng cử viên không có nghĩa là các cử tri có thể lựa chọn được người mong muốn. Ứng cử viên đối lập có xu hướng ủng hộ Tổng thống đương nhiệm và trong một số trường hợp, họ thậm chí còn thừa nhận đã bỏ phiếu cho Tổng thống đương nhiệm. Điều này có thể hiểu là do những áp lực mà các ứng cử viên có thể phải đối mặt. Lãnh đạo đối lập thách thức Tổng thống Karimov trong cuộc bầu cử Uzbekistan năm 1991, ông Muhammad Solih của Đảng Erk, phải rời khỏi đất nước sau cuộc bầu cử.

Năm 1999, ứng cử viên đối lập chính Akezhan Kazhageldin tại Kazakhstan bị kết tội tham gia biểu tình không được thừa nhận, khiến ông bị cấm tranh cử.

4. Thay đổi Hiến pháp

Sắp tới, Tổng thống Karimov tranh cử cho nhiệm kỳ thứ tư của mình trong khi nếu Tổng thống Nazarbayev quyết định tranh cử, đây là chiến dịch thứ 5 của ông. Thậm chí nếu hiến pháp quy định 1 người chỉ có thể phục vụ 2 nhiệm kỳ, các tổng thống Trung Á có thể dễ dàng bỏ qua điều này bằng cách sửa đổi nó, hoặc thông qua một hiến pháp mới. Và các nhiệm kỳ trước khi thay đổi hiến pháp không được tính vào giới hạn mới.

Đây là cách ông Nazarbayev và ông Karimov được phép tranh cử nhiệm kỳ 3. Nhưng sau đó, Kazakhstan quyết định thông qua đạo luật cho phép ông Nazarbayev tái tranh cử số lượng nhiệm kỳ không hạn chế.

An Bình
(Theo BBC)