Báo Công An Đà Nẵng

Trung-Ấn lại “gầm gừ nhau” trên dãy Himalaya

Thứ năm, 03/09/2020 17:19

Hai “ông lớn Châu Á” Trung Quốc và Ấn Độ lại đang rơi vào vòng xoáy căng thẳng biên giới, vào thời điểm cả hai đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng kinh tế do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Một đoàn xe quân đội Ấn Độ di chuyển trên đường cao tốc Srinagar ở Ladakh, khu vực do Ấn Độ kiểm soát, hôm 1-9.   Ảnh: AP

Những giờ căng thẳng ở biên giới

Cả hai đã cáo buộc binh sĩ của nhau vượt qua đường biên giới không chính thức ở khu vực Ladakh để tranh giành lãnh thổ từ đêm 29-8 cho đến ngày 31-8.

Trong đó, New Delhi cáo buộc Bắc Kinh có những hành động mang tính khiêu khích mới, cố gắng chiếm các đỉnh đồi - nơi Ấn Độ tuyên bố chủ quyền xung quanh hồ nước Pangong Tso ở độ cao 4.200 m, bất chấp bối cảnh quan chức hai bên đang đối thoại để hạ nhiệt căng thẳng. Bộ Quốc phòng Ấn Độ khẳng định quân đội của họ “đã thực hiện các biện pháp để củng cố vị trí và ngăn cản các ý định đơn phương hòng làm thay đổi thực địa của Trung Quốc”. Một phái đoàn quân đội Ấn Độ được nhìn thấy di chuyển về phía vùng biên giới Ladakh trên dãy núi Himalaya. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ấn Độ Anurag Srivastava cũng tuyên bố, quân đội Ấn Độ đã ngăn chặn được “những nỗ lực làm thay đổi hiện trạng” của Trung Quốc và khẳng định đã liên lạc với Bắc Kinh qua các kênh ngoại giao và quân sự để giải quyết bất đồng.

Tuy nhiên, Bắc Kinh bác bỏ các cáo buộc và tố ngược New Delhi. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zhao Lijian khẳng định, binh sĩ nước này chưa bao giờ vượt qua Đường Kiểm soát thực tế (LAC), nằm giữa khu vực Ladakh do Ấn Độ quản lý và Aksai Chin do Trung Quốc kiểm soát. Bắc Kinh cáo buộc các binh sĩ Ấn Độ vi phạm thỏa thuận giữa hai nước và vượt qua LAC, vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền của Trung Quốc, phá hoại hòa bình và ổn định ở biên giới Trung-Ấn. Trong khi cả hai nước chưa công bố thông tin cụ thể vụ việc, AFP ngày 2-9 dẫn một số nguồn tin cho rằng, một binh sĩ Ấn Độ gốc Tây Tạng đã thiệt mạng trong vụ đụng độ vào tối 29-8. Nguồn tin trên cho biết một thành viên khác của Lực lượng Đặc nhiệm Biên giới Ấn Độ, đơn vị có nhiều người gốc Tây Tạng, bị thương.

“Bóng ma tháng 6”

LAC có chiều dài 4.057 km là khu vực thường xuyên xảy ra tranh chấp giữa TrungẤn trong hàng thập niên qua. Cho đến nay, ngay cả khi xung đột hoàn toàn giữa Trung - Ấn vẫn là một viễn cảnh xa vời, có lý do để lo ngại rằng quan hệ giữa hai cường quốc lớn nhất ở Châu Á đang trở nên tồi tệ hơn, nhất là khi “bóng ma tháng 6” vẫn còn đó.

Trên thực tế, những cáo buộc mới nhất này được đưa ra chỉ vài tháng sau khi hai nước xảy ra cuộc đụng độ đẫm máu nhất trong hơn 4 thập kỷ hồi tháng 6. Sự cố đó, khiến hàng chục binh sĩ thiệt mạng, sau đó là những lời kêu gọi bình tĩnh và giảm căng thẳng, nhưng các cuộc đàm phán giữa các quan chức Ấn Độ và Trung Quốc chẳng đi đến đâu, và mọi thứ lại một lần nữa nóng lên dọc theo LAC. Cả hai đã đưa hàng chục nghìn binh sĩ tới khu vực biên giới tranh chấp kể từ sau vụ ẩu đả kéo dài 6 giờ đồng hồ tại thung lũng Galwan hồi tháng 6. Các cuộc đụng độ nhỏ cũng đã được báo cáo nhưng giới phân tích cho rằng tình hình vẫn ổn định cho đến nay.

Giới chuyên gia cho rằng, cuộc xung đột vào tháng 6 - nhờ chính sách rõ ràng là không mang súng ở biên giới tranh chấp - hai bên đã chiến đấu bằng tay và gậy, và con số thương vong không quá lớn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cả hai nước đều đang xây dựng sức mạnh quân sự dọc biên giới và có rất nhiều tên lửa và vũ khí trang bị xung quanh khu vực.

KHẢ ANH