Báo Công An Đà Nẵng

Trung - Ấn “tìm đường” giảm căng thẳng

Thứ bảy, 20/06/2020 17:34

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ngày 19-6 mở cuộc gặp các nhà lãnh đạo phe đối lập hàng đầu trong bối cảnh chính phủ cố gắng giảm căng thẳng với Trung Quốc sau khi 20 binh sĩ nước này thiệt mạng trong cuộc đụng độ nguy hiểm ở khu vực biên giới Himalayan.

Một đoàn xe quân sự của Ấn Độ trên đường đến khu vực Ladakh ở miền bắc Ấn Độ.   Ảnh: Reuters

Ấn Độ và Trung Quốc cáo buộc lẫn nhau gây chiến ở thung lũng Galwan, một phần của khu vực Ladakh đang tranh chấp dọc khu vực biên giới Himalayan. Theo phía Ấn Độ, 43 binh sĩ Trung Quốc thiệt mạng trong vụ này, nhưng Bắc Kinh không xác nhận thông tin. Đây là vụ đụng độ nghiêm trọng nhất giữa hai bên trong vòng 45 năm qua khiến căng thẳng khu vực leo thang.

Bài toán khó nhằn

Cả hai đã xảy ra 6 tiếng ẩu đả chết người trong đêm 16-6. Trong động thái mới nhất, Ấn Độ cáo buộc phía Trung Quốc sử dụng vũ khí “man rợ” để tấn công. Nhà phân tích quân sự Ấn Độ Ajai Shukla đăng trên Twitter hình ảnh những cây gậy sắt đóng đinh và cho rằng, đây là vũ khí tấn công của phía binh sĩ Trung Quốc. “Những cây gậy đóng đinh này được binh sĩ Ấn Độ tại thung lũng Galwan chụp lại. Trung Quốc đã sử dụng chúng để tấn công đội tuần tra của Ấn Độ và giết chết 20 binh sĩ Ấn. Phải lên án sự man rợ này”, ông Ajai Shukla viết. Một hình ảnh do BBC công bố cho thấy, những đoạn dây sắt ghim đinh được cho là do binh sĩ Trung Quốc sử dụng trong cuộc đối đầu với phía Ấn Độ.

Trong khi đó, theo nguồn tin mới nhất của Reuters, quân đội Trung Quốc mang theo một số loại máy móc, xây dựng đường và có thể xây đập để ngăn một con sông nơi đây trước khi cuộc đụng độ xảy ra. Reuters dẫn hình ảnh vệ tinh từ Planet Labs được chụp hôm 16-6 cho thấy, Bắc Kinh đã tăng cường hoạt động tại khu vực với tần suất nhiều hơn một tuần trước đó. Các hình ảnh cho thấy dấu hiệu quân đội nước này nỗ lực làm thay đổi hiện trạng khu vực này bằng cách mở rộng đường, chuyển đất đá và di chuyển qua sông. Cty phân tích địa chất Haweye 360 nói với Forbes rằng, vệ tinh thương mại của đơn vị này phát hiện tần số hoạt động thường xuyên của radio ở phía Trung Quốc tại khu vực thung lũng. Cơ quan này cũng nhận được các hình ảnh vệ tinh của khu vực do Planet Labs ghi nhận, trong đó có khả năng xuất hiện các phương tiện, lều và thiết bị dọc thung lũng.

Hiện Trung Quốc chưa có bình luận gì về những thông tin này. Tuy nhiên, nhiều nguồn tin hai nước cho biết đang liên lạc qua các kênh quân sự và ngoại giao để giảm căng thẳng và nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ rộng lớn hơn. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, tình hình khó lắng dịu, thậm chí có khả năng tiếp tục leo thang khi cả hai được cho là đang nỗ lực tăng quân ở vùng biên giới tranh chấp dù rằng cũng khó có thể xảy ra chiến tranh.

Làn sóng tẩy chay hàng Trung Quốc tại Ấn Độ

Sau những căng thẳng chết người trong những ngày qua, làn sóng phản đối Trung Quốc và tẩy chay hàng hóa của nước này bùng nổ khắp Ấn Độ.

Nhiều hình ảnh ghi lại cho thấy, người dân vứt bỏ những hàng hóa của Trung Quốc. Liên đoàn Thương nghiệp Ấn Độ cũng hưởng ứng với kế hoạch tẩy chay 3.000 loại hàng hóa đến từ Trung Quốc. Chính phủ cũng cam đoan sẽ chặn đầu tư và tăng thêm thuế đối với hàng hóa đến từ quốc gia láng giềng sau vụ đụng độ. Trong thông cáo chính thức, New Delhi tuyên bố sẽ tăng thêm hàng rào thuế quan đối với 300 loại hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Bộ Truyền thông Ấn Độ cũng yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông nhà nước và tư nhân loại bỏ tất cả các hợp đồng sẽ ký với Bắc Kinh trong tương lai. Các nhà thầu Trung Quốc cũng sẽ bị cấm tham gia các dự án trong thời gian tới, bao gồm cả dự án nâng cấp mạng lưới 4G hiện tại của Ấn Độ.

Thực tế, làn sóng tẩy chay hàng Trung Quốc nổi lên từ đầu tháng 5, khi Trung Quốc bắt đầu xây dựng lực lượng ở vùng biên giới tranh chấp tại tỉnh Ladakh, dẫn đến nhiều vụ căng thẳng giữa binh lính hai bên. Một ứng dụng của Ấn Độ cho phép người dùng tìm kiếm và xóa bỏ các ứng dụng có nguồn gốc Trung Quốc đã đạt 5 triệu lượt tải trước khi bị Google gỡ bỏ. Với diễn biến bạo lực đẫm máu mới đây, làn sóng này trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết, khi có cả sự tham gia của chính quyền.  Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến chống lại làn sóng trên vì cho rằng, làn sóng tẩy chay là “không thực tế và chỉ gây tổn hại cho bản thân nền kinh tế lớn thứ 3 Châu Á khi tạo nên nhiều chia rẽ với nền kinh tế số 2 thế giới”.

KHẢ ANH

Ấn Độ tiêu diệt 5 tay súng trong cuộc đấu súng tại Kashmir

5 tay súng đã bị tiêu diệt trong cuộc đấu súng với lực lượng chính phủ Ấn Độ tại khu vực bất ổn Kashmir do Ấn Độ kiểm soát vào ngày 19-6.

Cuộc đấu súng bùng phát tại làng Bandapoh thuộc tỉnh Shopian, cách thành phố Srinagar, thủ phủ mùa hè của khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát 65km về phía Nam, sau khi lực lượng chính phủ tấn công khu vực này dựa trên thông tin tình báo riêng cho thấy sự hiện diện của các tay súng. Giao tranh tiếp tục suốt cả đêm. Người phát ngôn quân đội Ấn Độ, Đại tá Rajesh Kalia cho biết 5 tay súng đã bị tiêu diệt. Lực lượng chính phủ không thiệt hại gì.