Trưng bày, giới thiệu hơn 100 hiện vật tiêu biểu gốm Chu Đậu đến công chúng
Ngay sau khi tiếp nhận số hiện vật trên, Trung tâm QLBT Di sản Văn hóa Hội An đã triển khai việc xây dựng hồ sơ hiện vật, ban hành Quyết định nhập hiện vật Bảo tàng Hội An; đồng thời tuyển chọn những hiện vật tiêu biểu để thiết lập phòng trưng bày chuyên đề: “Gốm Chu Đậu - cổ vật từ lòng biển Cù Lao Chàm”. Theo đó, Phòng trưng bày chuyên đề trưng bày hơn 100 hiện vật tiêu biểu nhất lần đầu tiên được lựa chọn, giới thiệu đến công chúng. Hầu hết số cổ vật gốm Chu Đậu được khai quật từ di tích con tàu đắm Cù Lao Chàm đưa vào trưng bày, giới thiệu tại phòng trưng bày này có niên đại vào thế kỷ XV, thuộc nhiều chủng loại: chén, bát, đĩa, hộp hũ, bình, tước…, có phương pháp và kỹ thuật chế tác đã đạt đến trình độ cao, được chuốt bằng bàn xoay, sau đó được trang trí và tráng men. Các hiện vật được trang trí chủ yếu bằng các hình thức vẽ, khắc, đắp nổi kết hợp chạm thủng, được tráng hoặc trang trí nhiều loại men khác nhau, phổ biến là các loại men trắng, hoa lam, men ngọc, xanh lục, vàng nhạt, men rạn và men tam thái. Những họa tiết, hoa văn chủ yếu trên dòng gốm này được thể hiện tinh tế, mềm mại, cân đối, hài hòa với các đồ án trang trí về các loại hoa sen, cúc, đào; cây cỏ, chim, cá; cảnh thiên nhiên, làng quê dân dã; hoạt động thường nhật của con người…Tất cả đều thể hiện đậm nét bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.
Từ Phòng trưng bày chuyên đề này giúp công chúng hình dung được sự phát triển mạnh mẽ của đồ gốm Việt Nam trên con đường mậu dịch quốc tế, cũng như vai trò vị trí Cù Lao Chàm - Hội An trên tuyến đường hàng hải quốc tế ở nhiều thế kỷ trước. Qua đó, góp phần thu hút người địa phương cũng như du khách trong nước, quốc tế đến với Bảo tàng Hội An thời gian đến.
Quyên Quyên