Trung Đông mơ “một ngày yên ả”
(Cadn.com.vn) - Nhắc đến Trung Đông, người ta chỉ mường tượng ra được khung cảnh: bạo lực và chiến tranh đẫm máu triền miên.
Trung Đông thật sự chưa bao giờ có một ngày êm ả trong nhiều thế kỷ qua.
Từ Iraq, Syria cho đến Palestine và Israel, bóng ma bạo lực luôn bao phủ. Trong thời điểm hiện nay, Trung Đông càng trở thành tâm điểm lo ngại với cuộc nội chiến đẫm máu ở Syria, làn sóng đánh bom liều chết nhấn chìm Iraq, bàn đàm phán hòa bình vẫn bế tắc giữa Israel và Palestine. Kết cục này cho thấy, chiến lược Trung Đông và chống khủng bố của Mỹ dường như vẫn bị chệch hướng.
Trong cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Iraq Hoshyar Zebari, người đồng cấp Mỹ John Kerry cảnh báo về mối đe dọa ngày càng gia tăng ở Iraq bắt nguồn từ Al-Qaeda, mạng lưới khủng bố đang tiến hành các vụ đánh bom xe và đánh bom liều chết với mật độ dày đặc hơn vào thời điểm gần 2 năm sau khi quân đội Mỹ rút khỏi nước này. Vì thế mà Mỹ đã không ngần ngại nhất trí tăng cường hợp tác trong một loạt vấn đề an ninh, trong đó có việc Washington giúp Baghdad tăng cường khả năng phòng thủ. Theo các thỏa thuận vừa ký kết, Mỹ sẽ bán cho Iraq hệ thống phòng không tích hợp và các máy bay chiến đấu F-16 với tổng trị giá 2,6 tỷ USD. Hai nước cũng cam kết hợp tác chia sẻ thông tin và tình báo trong thời gian trước mắt.
Cuộc đàn áp dã man của quân đội Ai Cập nhằm vào người biểu tình chính là “vết đen mới” của Trung Đông luôn bất ổn. Ảnh: CNN |
Bạo lực ở Iraq trong thời gian gần đây tăng mạnh tới mức không ít chuyên gia lo ngại quốc gia Trung Đông này đang có nguy cơ rơi vào vòng xoáy bạo lực mới. Chỉ trong vài tháng qua, hơn 3.000 người đã chết, trong đó có 69 người thiệt mạng cuối tuần qua trong hàng loạt vụ đánh bom xe nhằm vào các tín đồ Hồi giáo nhân kỷ niệm kết thúc tháng lễ Ramadan. Trong khi đó, Syria vẫn là điểm đen lớn nhất ở khu vực luôn nóng bỏng này. Cuộc nội chiến kéo dài hơn 2 năm qua đang nhấn chìm nước này vào những cuộc xung đột đẫm máu. Cùng với sự hỗ trợ đắc lực từ Iran - quốc gia đang khiến LHQ đau đầu vì chương trình hạt nhân gây tranh cãi - bộ đôi này khiến Trung Đông càng thêm “nước sôi lửa bỏng”.
Ánh sáng hòa bình “le lói dưới đường hầm” duy nhất là việc Israel và Palestine nối lại bàn đàm phán hòa bình sau nhiều năm bế tắc. Tuy nhiên, bàn đàm phán này khó có thể đạt thành công. Đó là chưa kể khủng hoảng mới xuất phát từ Ai Cập sau vụ lật đổ Tổng thống Mohammed Morsi. Theo con số mới nhất, có gần 700 người chết sau vụ “tắm máu” người biểu tình của quân đội Ai Cập vào hôm 14-8. Căng thẳng càng leo thang sau khi Bộ Nội vụ Ai Cập chỉ thị cho tất cả các lực lượng sử dụng đạn thật để đối phó với các vụ tấn công của người biểu tình. Trong khi đó, Tổ chức Anh em Hồi giáo (MBO) cũng kiên quyết “đòi lại công bằng” bằng những cuộc biểu tình trong “ngày giận dữ” ở thủ đô Cairo. Còn Tamarod, nhóm kêu gọi biểu tình rầm rộ dẫn tới việc Tổng thống Mohamed Morsi bị lật đổ, cũng kêu gọi tất cả người Ai Cập xuống đường trong ngày 16-8 để bảo vệ đất nước trước “chủ nghĩa khủng bố”.
Vậy giải pháp nào để mở cánh cửa hòa bình cho Trung Đông? Ngày 15-8, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đến khu vực này trong chuyến thăm kéo dài 2 ngày thể hiện sự ủng hộ đối với việc tái khởi động các cuộc đàm phán Israel - Palestine, tìm cách tháo gỡ cuộc nội chiến Syria, bàn về mối đe dọa hạt nhân Iran và những vấn đề khác trong khu vực.
Thật sự là, đã đến lúc LHQ, Mỹ, Liên minh Châu Âu cần phải ngồi lại để tìm một giải pháp thực sự hữu hiệu để làm nguội “chảo lửa” Trung Đông.
Khả Anh