Báo Công An Đà Nẵng

Trung Đông - Nút khởi động cho tiến trình ngoại giao của ông Biden

Thứ năm, 10/12/2020 14:11

Sau vụ ám sát nhà khoa học hạt nhân hàng đầu của Iran, chiến lược ngoại giao của chính quyền Mỹ tương lai với Iran sẽ càng khó khăn hơn rất nhiều.

Người biểu tình phản đối vụ ám sát nhà khoa học hạt nhân Mohsen Fakhrizadeh ở Tehran, Iran.   Ảnh: Reuter

Vụ ám sát nhà khoa học hạt nhân hàng đầu của Iran, Fakhrizadeh có thể sẽ không gây ra chiến tranh, nhưng nó sẽ khiến Tổng thống đắc cử Joe Biden khó tạo ra một kiểu hòa bình nào đó trong khu vực - và đó có thể là mục đích của những kẻ đứng sau vụ việc này. Theo cáo buộc từ Iran - chính Mossad, Cơ quan Tình báo nổi tiếng của Israel, đã lên kế hoạch tấn công, trong đó chính quyền Tổng thống Trump gần như chắc chắn đồng ý.

Vụ ám sát được cho là có sự tham gia của 12 tay súng, tất cả đều đã bỏ trốn. Dù động cơ là gì thì chiến thuật cũng không có gì mới. Từ năm 2010-2012, Mossad đã giết 4 nhà khoa học hạt nhân Iran và khiến 1 người khác bị thương; Vào đầu năm 2007, một nhà khoa học Iran đã bị đầu độc, Mossad bị nghi ngờ là thủ phạm. Các vụ giết người có thể được coi là một phần của chiến dịch rộng lớn nhằm cản trở chương trình hạt nhân đang phát triển nhanh của Iran, một chiến dịch bao gồm cả hoạt động tấn công mạng của Mỹ-Israel (được gọi là Stuxnet), phá hoại hàng ngàn máy ly tâm khí, vốn rất cần thiết để làm giàu uranium, tại lò phản ứng Natanz của Iran. Năm 2013, Tổng thống Barack Obama và các nhà lãnh đạo của 5 quốc gia khác bắt đầu đàm phán với Iran về chương trình hạt nhân, dẫn đến việc ký kết một thỏa thuận lịch sử vào tháng 7-2015. Giữa thời điểm đánh dấu sự kết thúc của Stuxnet và bắt đầu của thỏa thuận hạt nhân Iran, không có nhà khoa học hạt nhân Iran nào bị giết.

Tổng thống Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran vào năm 2018, giáng đòn trừng phạt kinh tế vào Iran (đã được dỡ bỏ như một phần của thỏa thuận), và ngay sau đó, áp đặt "lệnh trừng phạt thứ cấp" đối với tất cả các nước khác - bao gồm cả các nước ký kết thỏa thuận hạt nhân và tiếp tục kinh doanh với nước Cộng hòa Hồi giáo. Ông Trump đã làm điều này mặc dù các thanh sát viên quốc tế nhiều lần chứng thực, Iran đã phá bỏ phần lớn chương trình hạt nhân theo yêu cầu của hiệp định. Trong năm tiếp theo, Iran đã cố gắng thực hiện các thỏa thuận tài chính riêng biệt với Liên minh Châu Âu (EU), nhưng không có kết quả.

Theo tờ Slatelive, đáp lại, ông Trump và Ngoại trưởng Mike Pompeo liên tục kêu gọi thay đổi chế độ ở Iran. Vào giữa tháng 11, ngay sau khi có thông tin về việc để thua ông Joe Biden trong cuộc bầu cử ngày 3-11, ông Trump đã hỏi các cố vấn liệu có thể tiến hành một cuộc tấn công vào các cơ sở hạt nhân của Iran trong những tuần cuối cùng trên cương vị tổng thống hay không. Tất cả họ - bao gồm cả ông Pompeo, cố vấn an ninh quốc gia của ông, quyền Bộ trưởng Quốc phòng mới được bổ nhiệm và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân - đều khuyên không nên hành động như vậy, nói rằng, nó có thể gây ra một cuộc chiến tranh rộng hơn.

Sau đó, ông Trump có tham khảo ý kiến của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, người bạn và đồng minh trung thành nhất của ông, người đã kêu gọi tấn công Iran kể từ khi ông George W. Bush làm tổng thống. Thủ tướng Netanyahu sau đó khởi động vụ ám sát nhà khoa học Mohsen Fakhrizadeh, được xem là “cha đẻ” của chương trình hạt nhân chế tạo bom của Iran. Và nhiều câu hỏi được đặt ra. Có phải đó là điều ông Trump muốn “phải làm gì đó với Iran trước khi rời nhiệm sở”, hay ông Netanyahu (và Mossads) đã tận dụng cơ hội này để sát hại nhà khoa học Iran, hay mọi việc chỉ là trùng hợp?

Dù bằng cách nào, cả hai đều khiến cho chính quyền tương lai của Mỹ gặp nhiều khó khăn hơn nữa trong con đường theo đuổi một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng sắp xảy ra. Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã đặt cược rất lớn vào việc tiếp cận với phương Tây khi ông bắt đầu đàm phán thỏa thuận hạt nhân ban đầu và ông đã phải đối mặt với một thất bại lớn khi người đồng cấp Trump rút đi. Các phe phái cứng rắn của Iran, dẫn đầu bởi Lực lượng Vệ binh Cách mạng, lực lượng quân sự tinh nhuệ, luôn phản đối thỏa thuận và hành động của Trump đã thúc đẩy sức mạnh của họ.

Tổng thống đắc cử Biden đã nói rằng, ông sẽ sớm khởi động lại thỏa thuận hạt nhân, đề nghị dỡ bỏ các lệnh trừng phạt nếu quốc gia Hồi giáo đồng ý cắt giảm hoạt động làm giàu uranium. Tổng thống Rouhani và những người cùng phe cũng muốn bắt đầu lại từ đầu; vì một điều, các biện pháp trừng phạt mới và thắt chặt đang phá hủy nền kinh tế của họ. Nhưng mối ngờ vực đang gia tăng giữa hai quốc gia có thể khiến mọi việc không hề dễ dàng. Ít nhất, nhiều quan chức Iran sẽ muốn Washington dỡ bỏ các lệnh trừng phạt trước khi họ từ bỏ uranium đã được làm giàu; một số đang yêu cầu Mỹ bồi thường những mất mát trong thời gian ông Trump trừng phạt.

Đến lượt mình, ông Biden sẽ khó tuân thủ một trong hai yêu cầu, do sự thù địch của các đảng viên Quốc hội phe Cộng hòa (và một số đảng viên Dân chủ). Vì thỏa thuận hạt nhân Iran là một hiệp định đa quốc gia, không phải là một hiệp ước, nên nó không yêu cầu Thượng viện phê chuẩn; nhưng Quốc hội có thể áp đặt các điều kiện hạn chế hoặc ngăn chặn những gì ông Biden có thể làm.

Dù điều gì xảy ra, Thủ tướng Netanyahu đạt được ít nhất một chiến thắng trong ngắn hạn với vụ ám sát mới nhất. Nếu hành động này kích động Iran tấn công đáp trả, thì Israel có thể tấn công mạnh mẽ hơn, có thể cùng với Mỹ và có thể là một số đồng minh Arab Sunni mới của họ (một liên minh được xây dựng chủ yếu dựa trên mối ác cảm chung với Iran do người Shiite lãnh đạo). Và dù Iran có đáp trả hay không, ông Biden sẽ gặp khó khăn khi làm điều mà ông Netanyahu lo sợ nhất: quay trở lại thỏa thuận hạt nhân Iran như đã ký ban đầu.

KHẢ ANH