Trung-Mỹ "bắt tay" chống biến đổi khí hậu
Hai quốc gia có khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính lớn nhất thế giới là Trung Quốc và Mỹ bày tỏ cam kết sẽ cùng hợp tác, kể cả với các quốc gia khác, trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Ô nhiễm môi trường là vấn đề nổi cộm của Trung Quốc trong những năm gần đây. |
Tuyên bố này được đưa ra sau những cuộc gặp gỡ giữa Đặc phái viên khí hậu Trung Quốc Giải Chấn Hoa và người đồng cấp Mỹ John Kerry tại Thượng Hải (Trung Quốc) vào tuần trước. Hai nước đồng ý sẽ có những hành động cụ thể hơn để giảm lượng khí thải. "Mỹ và Trung Quốc cam kết hợp tác với nhau và với các nước khác để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu, một vấn đề cần được phải giải quyết với mức độ nghiêm trọng và khẩn cấp", BBC dẫn văn bản chung cho biết. Văn bản này nói thêm rằng, hai nước sẽ tiếp tục thảo luận về "các hành động cụ thể trong thập niên 2020 để giảm lượng khí thải nhằm duy trì giới hạn nhiệt độ ở mức theo quy định của Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu quy định".
Hai quốc gia cũng đồng ý tài trợ các nước đang phát triển trong việc chuyển đổi sang năng lượng các-bon thấp. Li Shuo, cố vấn khí hậu cấp cao của tổ chức môi trường Greenpeace, nói tuyên bố này là "thực sự tích cực". "Tuyên bố chung gửi một thông điệp rất rõ ràng là về vấn đề cụ thể này (Trung Quốc và Mỹ) sẽ hợp tác. Trước các cuộc họp ở Thượng Hải, đây không phải là một thông điệp mà chúng tôi có thể nghĩ tới", ông Li nói với Reuters.
Chuyến đi Trung Quốc của ông Kerry là chuyến thăm cấp cao đầu tiên của một thành viên trong chính quyền Tổng thống Biden đến nước này kể từ khi ứng viên của đảng Dân chủ lên nhậm chức. Sau khi lên nắm quyền, ông Biden đã đảo ngược chính sách của người tiền nhiệm Donald Trump, đưa Mỹ trở lại Hiệp định Paris ràng buộc các quốc gia hành động với chỉ tiêu giảm khí thải cụ thể để kiềm chế mức nhiệt tăng toàn cầu ở khoảng 2 độ C so với thời kỳ tiền Cách mạng công nghiệp.
Tuy nhiên, các quan chức Mỹ và Trung Quốc đã gặp nhau để đàm phán ở Alaska vào tháng trước, một cuộc gặp được đánh giá là nhằm để hai bên "tát vào mặt nhau". Trước chuyến đi đến Thượng Hải, ông Kerry nói với CNN là sự hợp tác của Trung Quốc "tối quan trọng" trong việc đối phó với khủng hoảng khí hậu. Ông nói: "Đúng, chúng Mỹ có những bất đồng lớn với Trung Quốc về một số vấn đề chính. Nhưng khí hậu phải là một ngoại lệ".
Động thái lạc quan này được đưa ra chỉ vài ngày trước khi Tổng thống Joe Biden tham gia hội nghị thượng đỉnh trực tuyến với các nhà lãnh đạo thế giới để thảo luận về vấn đề này. Theo kế hoạch, hội nghị sẽ diễn ra trong tuần này (vào ngày 22 và 23-4), một sự kiện Trung Quốc nói họ rất quan tâm và mong đợi. Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu sẽ là cơ hội lớn để lãnh đạo các nước, các doanh nghiệp và các tổ chức xã hội thảo luận về tính cấp bách của vấn đề và yêu cầu đưa ra những hành động mạnh mẽ hơn để tháo gỡ vấn đề. Hội nghị thượng đỉnh cũng sẽ đặt trọng tâm vào mục tiêu giảm phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu, cách thức mang lại các cơ hội kinh tế và việc làm mới.
Tuy nhiên, vẫn chưa biết liệu Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có tham gia hội nghị cùng với các nhà lãnh đạo thế giới đã cam kết tham dự hay không. Hôm 18-4, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cũng đã thông báo sẽ tham dự hội nghị này. Thông báo của Văn phòng Thủ tướng Canada nêu rõ, nước này cam kết hợp tác với Mỹ để ứng phó với cuộc khủng hoảng khí hậu, đồng thời tạo việc làm và cơ hội kinh tế cho người dân ở cả hai nước.
Các nhà khoa học khí hậu cảnh báo, nhiệt độ toàn cầu cần được giữ ở mức thấp hơn 2 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp, hướng tới mục tiêu tham vọng hơn, 1,5 độ C, để tránh viễn cảnh tồi tệ nhất của sự suy thoái khí hậu. Các nước phát thải khí nhà kính lớn đang chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của LHQ tiếp theo diễn ra tại Glasgow, Anh, vào tháng 11 tới. Hội nghị thượng đỉnh nhằm mục đích khởi động lại các nỗ lực toàn cầu nhằm giữ cho mức tăng nhiệt độ xuống dưới 1,5 độ C theo Hiệp định Paris.
KHẢ ANH