Trung - Mỹ trong “cuộc chiến” công nghệ nghìn tỷ USD
Cuộc đua giành vị trí dẫn đầu về các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán lượng tử và mạng 5G sẽ quyết định sức mạnh địa chính trị trong tương lai. Mỹ và các đối tác từng có lợi thế rõ ràng, nhưng lợi thế đó dường như không còn có thể được thừa nhận. Trung Quốc đang chạy đua với tốc độ tối đa, cố gắng vượt qua một nước Mỹ đang bị phân tâm để giành lấy vị trí lãnh đạo công nghệ trong thế kỷ XXI.
Huawei đã trở thành Cty hàng đầu thế giới về công nghệ mạng 5G. Ảnh: Asia Times |
Trường hợp của Huawei
Đối với Huawei, gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc, việc tìm ra cách khắc phục dài hạn đối với câu hỏi hóc búa trị giá gần 1.000 tỷ USD sẽ rất quan trọng đối với mô hình hoạt động của tập đoàn.
Trong 5 tháng đầu năm 2019, “con cưng” của kế hoạch “Made in Trung Quốc năm 2025”, đã bán được 100 triệu điện thoại thông minh. Năm ngoái, Huawei đã bán được 206 triệu thiết bị cầm tay và thu về 52,5 tỷ USD doanh thu với gần một nửa được chuyển đến thị trường nước ngoài. Nhưng đó là trước khi tập đoàn này bị Mỹ đưa vào danh sách đen sau khi bị cáo buộc đe dọa an ninh quốc gia, và bị cấm sử dụng dịch vụ và phần mềm của Google. “Chúng tôi sẽ tiếp tục sử dụng nền tảng Android vì nó là nguồn mở. Tuy nhiên, chúng tôi không thể sử dụng các dịch vụ giúp ứng dụng chạy trên đó”, ông Joy Joy Tan, Giám đốc truyền thông của Huawei, nói với Financial Times hồi tuần trước.
Không có Google, sản phẩm của Cty có trụ sở tại Thâm Quyến này chỉ còn là một chiếc điện thoại giá cao đối với khách hàng nước ngoài. Kể từ tháng 5, Huawei đã cố gắng khắc phục sau khi bị chặn truy cập vào các ứng dụng tại Mỹ. Mặc dù đã giải quyết xong việc thiếu hụt chất bán dẫn, chip bằng các lô hàng nội địa, nhưng theo nghĩa đen, Huawei không thể làm gì trong thời gian ngắn đối với vấn đề nan giải của Google.
“Cty đang đối mặt với khoảnh khắc sống hoặc chết”, ông Nhậm Chính Phi, người sáng lập doanh nghiệp và là cựu sĩ quan Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, cho biết.
Tham vọng của Bắc Kinh
Trong môi trường đầy cạnh tranh này, Mỹ và Trung Quốc đang bị mắc kẹt trong trận chiến công nghệ, sẽ làm lu mờ cuộc xung đột thương mại và có thể tạo bối cảnh cho một cuộc Chiến tranh Lạnh kinh tế mới.
Bắc Kinh cam kết giành chiến thắng trong cuộc đua bằng cách đầu tư hàng tỷ USD vào nghiên cứu khoa học và công nghệ. Số tiền chủ yếu do chính phủ chi trả nhưng tài trợ tư nhân cũng rất lớn. Theo báo cáo của Cục Thống kê Quốc gia tuần trước, trong 9 tháng đầu năm 2019, chi tiêu tăng 10,6% so với cùng kỳ 12 tháng trước. Năm ngoái, tổng tài trợ cho nghiên cứu và phát triển của Trung Quốc đã tăng 11,8% so với cùng kỳ lên 1.970 tỷ NDT (tương đương 275 tỷ USD). Điều đáng nói, đó là sự gia tăng hàng năm ở mức hai con số lần thứ ba liên tiếp. Hồi tháng 3, một nghiên cứu của chính phủ cho thấy, Bắc Kinh sẽ tăng 13% chi tiêu cho khoa học và công nghệ, lên mức 354,3 tỷ NDT (52,88 tỷ USD) vào năm 2019, mặc dù nền kinh tế có dấu hiệu căng thẳng.
Không gì có thể làm hỏng kế hoạch “Made in Trung Quốc năm 2025”. Theo kế hoạch này, ít nhất 70% các vật liệu và sản phẩm công nghệ cao có liên quan, như chất bán dẫn, sẽ được sản xuất trong nước vào năm 2030.
Lãnh đạo toàn cầu
Trở lại với Huawei, Cty này muốn đóng vai trò là nhà lãnh đạo thế giới về cơ sở hạ tầng mạng 5G. Nhanh hơn 20 lần so với mạng 4G hiện tại, 5G sẽ cung cấp năng lượng cho việc sản xuất điện thoại thông minh và các nhà máy liên quan tới AI trong tương lai. Cho đến nay, Huawei đã bán được 200.000 trạm gốc 5G và ký thỏa thuận trên toàn cầu.
Nhà lãnh đạo thế giới về mạng 5G sẽ kiếm được hàng trăm tỷ USD doanh thu trong thập kỷ tới. “Các quốc gia sở hữu mạng 5G sẽ sở hữu nhiều sáng kiến và đặt ra các tiêu chuẩn cho phần còn lại của thế giới. Quốc gia đó không có khả năng là Mỹ vì Trung Quốc đã dẫn đầu trong phát triển mạng 5G thông qua một loạt các khoản đầu tư mạnh mẽ”, Milo Medin, phó chủ tịch dịch vụ không dây tại Google, nhận định.
AN BÌNH