Báo Công An Đà Nẵng

Trung Quốc: 5 triệu người Vũ Hán rời đi, họ đi đâu?

Thứ hai, 10/02/2020 14:04

Trong nhiều tuần sau những báo cáo đầu tiên về virus bí ẩn mới ở Vũ Hán, hàng triệu người đã rời khỏi thành phố trung tâm kinh tế của Trung Quốc, chen chúc trên xe buýt, xe lửa và máy bay khi làn sóng người dân đổ về quê và đi khắp nơi trong dịp Tết Nguyên đán của Trung Quốc.

Các quan chức Trung Quốc cuối cùng đã ra lệnh phong tỏa Vũ Hán ở tỉnh Hồ Bắc vào ngày 23-1. Nhưng đã quá muộn. Nói chuyện với các phóng viên vài ngày sau khi thành phố bị cách ly, Thị trưởng TP Vũ Hán Chu Tiên Vượng ước tính, 5 triệu người đã rời đi.

Nhân viên theo dõi màn hình kiểm tra thân nhiệt hành khách tại ga tàu Hankou ở Vũ Hán trước thời điểm chính quyền phong tỏa thành phố. Ảnh: AP

Lần theo dữ liệu bản đồ

Một phân tích của AP về các mô hình du lịch nội địa, vốn sử dụng dữ liệu vị trí bản đồ từ gã khổng lồ công nghệ Baidu (có một ứng dụng bản đồ tương tự như Google Maps) của Trung Quốc, cho thấy, trong 2 tuần trước khi khóa chặt Vũ Hán, gần 70% các chuyến đi ra khỏi thành phố này đều thuộc tỉnh Hồ Bắc. 

14% chuyến đi khác đến các tỉnh lân cận Hà Nam, Hồ Nam, An Huy và Giang Tây. Gần 2% xuống tỉnh Quảng Đông, thành phố ven biển đối diện với Hồng Kông, và phần còn lại bay đi khắp Trung Quốc. Các thành phố bên ngoài tỉnh Hồ Bắc là điểm đến hàng đầu cho các chuyến đi từ Vũ Hán trong khoảng thời gian từ ngày 10-1 đến 24-1 là Trùng Khánh, một đô thị cạnh tỉnh Hồ Bắc, và Bắc Kinh, Thượng Hải. Baidu tập hợp dữ liệu du lịch dựa trên hơn 120 tỷ yêu cầu vị trí hàng ngày từ ứng dụng bản đồ và các ứng dụng khác sử dụng dịch vụ định vị. Chỉ dữ liệu từ người dùng đồng ý chia sẻ vị trí mới được ghi lại và Cty cho biết không công bố dữ liệu để bảo vệ quyền riêng tư.

Việc người dân di chuyển quy mô lớn trong dịp Tết Nguyên đán khiến virus Corona lây lan với tốc độ chóng mặt. Cho đến nay, hầu hết các trường hợp được xác nhận nhiễm bệnh và tử vong đều ở Trung Quốc, trong tỉnh Hồ Bắc, và tiếp theo là số lượng lớn ở miền trung Trung Quốc, với "điểm nóng" ở Trùng Khánh, Thượng Hải và Bắc Kinh. "Mọi việc được xác định quá trễ", Jin Dong-Yan, một nhà virus học phân tử tại Trường Khoa học Y sinh thuộc Đại học Hồng Kông nhận định và cho biết thêm: "5 triệu người Vũ Hán đã đi khắp nơi. Đó là thách thức lớn. Nhiều người trong số họ có thể không quay lại Vũ Hán mà quanh quẩn ở một nơi khác. Để kiểm soát ổ dịch này, chúng ta phải đối phó với điều này. Một mặt, chúng ta cần xác định họ ở đâu. Mặt khác, chúng ta cần giải quyết vấn đề kỳ thị và phân biệt đối xử".

Rời thành phố trước lệnh phong tỏa, 5 triệu người Vũ Hán giờ đây thành mục tiêu truy tìm của giới chức và sự kỳ thị của nhiều người. Nhưng nhiều chuyên gia cảnh báo việc cách ly một nhóm người vốn đã bị tổn thương khỏi xã hội có nguy cơ phản tác dụng, làm tổn hại thêm lòng tin của người dân và khiến những người cần được giám sát và sàng lọc có xu hướng lẩn trốn kỹ hơn. Lai Shengjie, một nhà nghiên cứu của WorldPop, người từng làm việc tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc, cho biết, điều quan trọng là phải biết được số người rời khỏi Vũ Hán đến đâu.

Các chuyến tàu cuối cùng rời Vũ Hán vào sáng ngày 23-1. Các thành phố gần đó vội vã áp đặt các hạn chế đi lại của riêng họ. Từ ngày 23-1 đến 26-1, 15 thành phố mà dữ liệu của Baidu cho thấy đã nhận được nhiều du khách nhất từ Vũ Hán - tất cả đều áp đặt một số mức độ hạn chế đi lại. Các quốc gia khác cũng nhanh chóng hành động theo, bao gồm Mỹ, Australia, Singapore, New Zealand và Philippines, tất cả đều hạn chế nhập cảnh đối với những người đến từ Trung Quốc.

Tín hiệu hy vọng từ số liệu mới

Ngày 9-2, số người chết bởi dịch bệnh do virus Corona gây ra ở Trung Quốc lên đến 813 người sau khi tỉnh Hồ Bắc thông báo 81 trường hợp mới tử vong.

Tổng số người chết hiện đã cao hơn số người tử vong toàn cầu do dịch Hội chứng Viêm đường hô hấp cấp (SARS) khiến 774 người chết hồi năm 2002-2003. Trong báo cáo hàng ngày, ủy ban y tế tỉnh Hồ Bắc cũng xác nhận 2.147 ca nhiễm mới ở trung tâm tỉnh này, nâng tổng số người bị nhiễm bệnh là 37.552.  Tuy nhiên cũng có một dấu hiệu hy vọng khi số trường hợp nhiễm mới được báo cáo trong 24 giờ qua giảm đáng kể so với giai đoạn trước. Có 2.147 ca nhiễm mới trong báo cáo mới nhất trong khi 24 giờ trước đó là 3.399 ca. Trong khi đó, có 2.152 ca đã phục hồi.

Trong một tuyên bố, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đánh giá cao khả năng ứng phó “xuất sắc” của Trung Quốc đối với tình trạng bùng phát dịch bệnh lần này, đồng thời cảnh báo không được bôi nhọ công tác này. Phát biểu họp báo tại trụ sở của Liên minh Châu Phi, nơi sẽ khai mạc hội nghị thượng đỉnh trong 2 ngày tới, ông Guterres nêu rõ: “Rõ ràng là có những nỗ lực lớn của Trung Quốc nhằm kiềm chế dịch bệnh và tránh lây lan ra ngoài. Tôi cho rằng nỗ lực đó là rất xuất sắc… Bản thân Trung Quốc nhận thức được rằng quy mô như vậy của dịch bệnh là có một số bất lợi và có một số vấn đề cần phải được giải quyết”.

Các hãng hàng không Trung Quốc sa thải hàng loạt  phi công

Các trang mạng ngày 9-2 dẫn nguồn báo Trung Quốc cho biết các hãng hàng không Trung Quốc bắt đầu sa thải các phi công Nga và người nước khác. Trước mắt, 2 hãng hàng không Hainan Airlines và China Southern Airlines cùng lên kế hoạch sa thải hơn 100 phi công dân dụng Nga.

Một phần trong số các phi công này sẽ được cho nghỉ tạm thời không lương cho đến khi có thông báo quay trở lại làm việc trong trường hợp tình hình được cải thiện. Một số phi công sẽ bị chấm dứt hợp đồng. Báo SCMPost cũng cho biết, các hãng hàng không China Southern Airlines, Xiamen Airlines, Hainan Airlines, Tianjin Airlines và Beijing Capital Airlines quyết định hủy hợp đồng với phi công nước ngoài. Theo báo này, các phi công nước ngoài được chọn: ra đi hoặc ở lại, nhưng với mức lương giảm đáng kể. Một phi công Nga làm việc tại một trong những hãng hàng không Trung Quốc cho biết, hiện Bắc Kinh hủy từ 60-90% số các chuyến bay của tất cả các hãng hàng không. Tuy nhiên ông này cho biết chưa có phi công nào bị sa thải trong khi các phi công Trung Quốc tạm thời không bay và không nhận lương.

Theo SCMPost, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do sự bùng phát của dịch bệnh virus Corona. Tuy nhiên cũng có lập luận rằng các biện pháp như vậy liên quan đến thời gian nằm bãi của máy bay Boeing 737 MAX. Trung Quốc không có đủ phi công dân dụng nên đã phải tích cực thuê phi công nước ngoài, đặc biệt là các phi công Nga. Trong hơn 3 năm qua, khoảng 500 phi công dân sự Nga đã sang làm việc ở Trung Quốc do mức lương cao.

KHẢ ANH