Trung Quốc bất ngờ bùng nổ ổ dịch lớn ở Trịnh Châu
Tiêm vacccine cho người lớn tuổi ở Trung Quốc. Ảnh: AFP |
Tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc đang diễn biến theo chiều hướng đáng lo ngại khi ổ dịch bùng phát ở Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam bất ngờ diễn biến khá nhanh.
Tờ Global Times đêm 31-7 cho biết, tính đến 18 giờ cùng ngày, thành phố Trịnh Châu đã báo cáo 11 ca nhiễm COVID-19 và 16 ca không triệu chứng trong khi hôm 30-7 mới phát hiện 1 ca không triệu chứng. Theo ông Wang Songqiang, người đứng đầu Trung tâm kiểm soát và Ngăn ngừa dịch bệnh (CDC) Trịnh Châu, hầu hết các ca COVID-19 đều ở bệnh viện Nhân dân số 6, cho thấy lỗ hổng trong phòng dịch ở bệnh viện vốn được chỉ định làm cơ sở điều trị bệnh nhân không triệu chứng nhập cảnh từ nước ngoài vào Trịnh Châu.
Ông Wang nói rằng, tình hình dịch bệnh ở Trịnh Châu lây lan rất nhanh, trong khi người bệnh có tải lượng virus rất lớn và sẽ mất nhiều thời gian để trở về tình trạng âm tính. Trịnh Châu hiện có một khu vực nguy cơ cao, 3 khu vực nguy cơ trung bình và đang xét nghiệm toàn dân. Làn sóng dịch mới nhất này đặt ra thách thức lớn cho Trịnh Châu trong bối cảnh thành phố này vừa trải qua trận lũ “nghìn năm có một” làm 51 người thiệt mạng.
Bí thư tỉnh Hà Nam Lou Yangsheng hôm 31-7 kêu gọi áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt để ngăn virus lây lan. Vị lãnh đạo này kêu gọi mở cuộc điều tra rõ ràng để tìm ra nguồn gốc và đường lây lan của mầm bệnh ở Trịnh Châu càng nhanh càng tốt. Người đứng đầu Ủy ban y tế Trịnh Châu đã bị sa thải ngay sau khi thành phố này ghi nhận ca nhiễm không triệu chứng và nhiều ca nghi nhiễm hôm 30-7.
Người dân sẽ không được rời tỉnh Hà Nam trừ khi có việc cần thiết. Các chuyến bay quốc tế đến tỉnh Hà Nam sẽ được kiểm tra nghiêm ngặt, và hàng hóa đông lạnh cũng như thư tín quốc tế vào Hà Nam phải tuân thủ phương thức quản lý kho hàng tập trung, cũng như hoạt động kiểm tra xuất nhập khẩu nghiêm ngặt. Ông Lou Yangsheng cũng yêu cầu hủy bỏ các cuộc tụ họp đông người, đẩy nhanh việc tiêm vaccine COVID-19 trên khắp Trịnh Châu và công bố thông tin về dịch bệnh cho toàn thể cộng đồng một cách kịp thời, công khai và minh bạch.
Không chỉ riêng tỉnh Hà Nam, nhiều tỉnh, thành tại Trung Quốc áp dụng các biện pháp mạnh tay hơn nhằm kiểm soát dịch bệnh lây lan. Bắc Kinh ghi nhận 328 ca nhiễm có triệu chứng trong tháng 7, gần bằng tổng số ca nhiễm trong nước từ tháng 2 đến tháng 6. Đợt bùng phát tồi tệ nhất sau nhiều tháng này bắt đầu từ thành phố Nam Kinh, thủ phủ tỉnh Giang Tô và đã lan sang 14 tỉnh khác.
Về mặt địa lý, đây là đợt bùng phát lớn nhất ở Trung Quốc sau nhiều tháng, thách thức thành công ban đầu của nước này trong việc dập tắt đại dịch kể từ đợt bùng phát ở Vũ Hán. Hơn 260 ca lây nhiễm trên toàn quốc liên quan cụm dịch ở sân bay quốc tế Lộc Khẩu, Nam Kinh, nơi 9 nhân viên vệ sinh trên máy bay có kết quả dương tính ngày 20-7. Hàng trăm nghìn người ở tỉnh Giang Tô đang bị phong tỏa, trong khi Nam Kinh đã xét nghiệm hai lần cho toàn bộ 9,2 triệu cư dân.
Theo các quan chức nước này, sự lây lan của biến thể Delta kết hợp mùa du lịch cao điểm và lưu lượng hành khách cao tại sân bay khiến virus lây lan nhanh chóng trong đợt bùng phát này. Sau thông tin một số ca nhiễm trong đợt bùng phát mới nhất là những người đã được tiêm chủng, giới chức y tế cho biết đây là điều “bình thường” và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiêm vaccine cùng các biện pháp nghiêm ngặt. “Khả năng bảo vệ của vaccine COVID-19 đối với biến chủng Delta có thể đã giảm đi phần nào, nhưng vaccine hiện vẫn có tác dụng phòng ngừa và bảo vệ tốt đối với biến chủng này”, Feng Zijian, nhà virus học tại CDC Trung Quốc, nhấn mạnh.
KHẢ ANH
Châu Á chiếm 1/3 số ca nhiễm trên thế giới Theo trang thống kê Worldometers.info, tính đến 9 giờ ngày 1-8, thế giới đã ghi nhận tổng cộng 198.501.621 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 4.232.290 ca tử vong. Số người đã bình phục là 179.257.320, tuy nhiên hiện còn 89.994 ca trong tình trạng nguy kịch. Châu Á chiếm 1/3 số ca nhiễm (62.027.228 ca), là khu vực bị ảnh hưởng nhất thế giới. Tiếp đến là Châu Âu với 51.498.430 ca nhiễm, Bắc Mỹ ghi nhận hơn 42,5 triệu ca trong khi con số này ở Nam Mỹ hiện là hơn 35,5 triệu ca. Tuy nhiên, xét về số ca tử vong, Châu Âu ghi nhận 1.133.255 ca, tương đương 1/3 số ca tử vong trên thế giới. Khu vực Nam Mỹ đứng thứ 2 với 1.089.915 ca, của Bắc Mỹ là 940.338 ca và Châu Á là 896.698 ca. Xét theo quốc gia, Mỹ vẫn là nước bị ảnh hưởng nhất thế giới với số ca nhiễm và tử vong cao nhất, lần lượt là 35.743.293 ca và 629.314 ca. |