Báo Công An Đà Nẵng

Trung Quốc "bơm tiền" kích thích kinh tế

Thứ năm, 17/01/2019 12:23

Sự suy thoái kinh tế của Trung Quốc đang gây ra báo động trên toàn thế giới, nhưng chính phủ của Chủ tịch Tập Cận Bình đang nỗ lực để hạn chế thiệt hại.

Một công nhân làm việc tại một nhà máy dệt ở Giang Tô, Trung Quốc.  Ảnh: CNN

Bắc Kinh hôm 15-1 đã công bố các biện pháp mới trị giá 1.300 tỷ NDT (193 tỷ USD) nhằm kích thích nền kinh tế, bao gồm cắt giảm thuế cho các doanh nghiệp nhỏ và giảm thuế quan. Đây là động thái mới nhất trong một loạt các nỗ lực của chính phủ nhằm thúc đẩy tăng trưởng trong những tháng gần đây, chẳng hạn như tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng và nới lỏng chính sách tiền tệ.

Tăng trưởng suy yếu trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới kết hợp với cuộc chiến thương mại với Mỹ khiến các nhà đầu tư hoảng sợ và cảnh báo các Cty hàng đầu như Apple. Các chuyên gia đặt câu hỏi, liệu các biện pháp của Bắc Kinh có đủ để kích thích nền kinh tế.

Scott Kennedy, một chuyên gia về nền kinh tế Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, nhận định: "Sẽ cần nhiều hơn nữa để kéo Trung Quốc ra khỏi cảm giác suy thoái kinh tế". Tốc độ tăng trưởng chính thức của Trung Quốc mong đợi vào khoảng 6,5% trong năm 2018, yếu nhất trong gần 3 thập kỷ qua và dự kiến sẽ giảm gần 6% trong năm nay. Nhưng nhiều nhà phân tích hoài nghi về tính chính xác của các số liệu mà chính phủ công bố và cho rằng tăng trưởng trong thực tế có thể thấp hơn nhiều. Rất nhiều báo động đỏ xuất hiện trong nền kinh tế hiện nay. Tháng 12-2018, xuất khẩu của Trung Quốc đã chịu sự sụt giảm bất ngờ, trong khi doanh số bán hàng vào năm 2018 lần đầu tiên giảm trong 20 năm qua.

Ngăn sụp đổ tăng trưởng

Một phần của vấn đề là các biện pháp nới lỏng của Trung Quốc có thể nhắm sai mục tiêu. Ngân hàng trung ương đã dần cắt giảm lượng giao dịch tiền mặt được yêu cầu giữ như dự trữ của các ngân hàng thương mại. Điều đó có nghĩa là các ngân hàng có nhiều tiền hơn để cho các doanh nghiệp vay, khuyến khích đầu tư và hoạt động kinh tế. "Vấn đề là số tiền này không thực sự chảy vào nền kinh tế", Larry Hu, nhà kinh tế trưởng của Trung Quốc tại ngân hàng đầu tư Macquarie, cho biết.

Thay vào đó, các ngân hàng đang gửi tiền mặt vào trái phiếu chính phủ Trung Quốc hoặc cho các doanh nghiệp nhà nước hoạt động kém hiệu quả vay tiền, nhưng số tiền này thường được sử dụng tái đầu tư các khoản nợ hiện có. Theo ông Hu, số tiền này sẽ hiệu quả hơn nếu được chuyển đến các doanh nghiệp tư nhân. Thay vì thúc đẩy sự phục hồi, những cắt giảm gần đây của ngân hàng trung ương chỉ có thể "ngăn chặn sự tăng trưởng thực sự sụp đổ", Christoper Balding, chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Fulbright Việt Nam cho biết. Bằng chứng rõ ràng cho thấy tốc độ tăng trưởng đang ngày càng tồi tệ hơn khiến chính phủ phải tung thêm nhiều biện pháp kích thích. Trong những tháng gần đây, Bắc Kinh đã có các kế hoạch dự án đường sắt mới hàng tỷ USD và cắt giảm thuế của các doanh nghiệp nhỏ. Các quan chức cũng cho biết họ đang chuẩn bị các biện pháp để giúp ngành công nghiệp ô-tô đang gặp khó khăn.

Nhưng những nỗ lực của Bắc Kinh sẽ không thể có hiệu quả ngay lập tức. Chen Long, một nhà phân tích tại Cty nghiên cứu Gavekal cho biết: "Sẽ mất thêm vài tháng nữa trước khi nền kinh tế và thị trường chứng khoán bắt đầu khởi sắc. Chứng khoán Trung Quốc đã có một năm 2018 khốn khổ, chịu đựng sự chậm chạp và sự thù địch thương mại với Mỹ. Và điều này sẽ tiếp diễn cho đến khi các biện pháp kích thích bắt đầu có hiệu lực thực sự", ông Long cho biết.

Bài học từ "vụ nổ lớn"

Kế hoạch của Trung Quốc lần này có sự thay đổi nhỏ so với kích thích "vụ nổ lớn" mà Bắc Kinh đã đưa ra để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Trong năm 2008 và 2009, Bắc Kinh bơm gần 600 tỷ USD vào nền kinh tế để chống lại tác động của suy thoái toàn cầu.

"Trung Quốc vẫn còn rất nhiều đạn dược", Jeff Ng, nhà kinh tế trưởng Châu Á tại Cty nghiên cứu Continuum Economics nhận định. Nhưng ông cảnh báo sẽ "có tác dụng phụ". Mối quan ngại lớn nhất là số nợ khổng lồ trong hệ thống tài chính của đất nước. Nền kinh tế Trung Quốc mở rộng nhanh chóng trong những năm sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nhờ các khoản nợ lặp đi lặp lại. Chủ tịch Tập Cận Bình và các quan chức hàng đầu trong những năm gần đây đã thúc đẩy hệ thống tài chính của Trung Quốc giảm cho vay rủi ro, một chiến dịch thường được gọi là "hủy bỏ". Nhưng khi nền kinh tế suy yếu, ưu tiên này đã thay đổi.

"Trước những khó khăn đang phải đối mặt trong bối cảnh căng thẳng thương mại, Trung Quốc sẵn sàng tạm "đình chiến" để bảo vệ sự tăng trưởng", Janet Mui, nhà kinh tế tại Cty đầu tư Cazenove Capital ở London cho biết. Tuy nhiên, những mất mát trên thị trường chứng khoán đã làm tăng áp lực lên nỗ lực này.

Những rủi ro

Quá nhiều kích thích khiến mức nợ đáng lo ngại của Trung Quốc ngày một tăng lên. Điều này cũng có thể gây áp lực lên đồng NDT. Điều đó có thể dẫn đến những lo ngại mới về việc các nhà đầu tư chuyển số tiền khổng lồ ra khỏi Trung Quốc và làm gia tăng căng thẳng thương mại với chính quyền Tổng thống Trump, vốn đã nhiều lần cáo buộc Bắc Kinh làm suy yếu đồng tiền của mình để thúc đẩy các nhà xuất khẩu Trung Quốc.

"Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc cảnh giác với các kích thích trên diện rộng với liều lượng cao. Nới lỏng chính sách tiền tệ quá nhanh thực sự có thể khiến đồng NDT suy yếu nhanh chóng", Darren Tay, nhà phân tích rủi ro quốc gia tại Cty nghiên cứu Fitch Solutions, cho biết. Việc nhiều lần bơm tiền mặt vào nền kinh tế cũng có thể đổ thêm dầu vào thị trường bất động sản đang nóng của Trung Quốc và làm biến dạng nghiêm trọng ngành công nghiệp của nước này.

Vào tháng 12-2018, giá hàng hóa công nghiệp và sản xuất của Trung Quốc đã tăng với tốc độ chậm hơn nhiều so với dự kiến. Một số nhà phân tích cho rằng, điều này có nghĩa là Trung Quốc lại bắt đầu phải chịu đựng sản xuất vượt quá nhu cầu và làm giảm giá toàn cầu. "Chúng tôi tin rằng Bắc Kinh nhận thức sâu sắc về những rủi ro này, đó là lý do tại sao chúng tôi không mong đợi những kích thích trong thời gian này", ông Tay nói.

AN BÌNH