Trung Quốc đáp trả Mỹ vụ khinh khí cầu
Đáp trả Mỹ
Dẫn một thông báo của Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 16-2, hãng tin Reuters đưa tin hai công ty là Lockheed Martin và Raytheon đã bị đưa vào danh sách trừng phạt của Trung Quốc. Hai công ty này bị cấm xuất nhập khẩu và đầu tư tại Trung Quốc. Cả hai công ty cũng phải chịu mức phạt tiền gấp đôi do bán vũ khí cho Đài Loan (Trung Quốc) kể từ tháng 9-2020. Các giám đốc điều hành của hai công ty cũng sẽ bị cấm nhập cảnh và làm việc tại Trung Quốc. Hiện chưa rõ Bắc Kinh sẽ thi hành biện pháp trừng phạt như thế nào. Mặc dù Mỹ không bán vũ khí cho Trung Quốc song một số nhà thầu quốc phòng của Mỹ vẫn duy trì quan hệ đối tác liên quan đến các lĩnh vực dân sự.
Động thái của Bắc Kinh được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Bộ Thương mại Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt 6 công ty Trung Quốc được cho là có liên quan đến chương trình hàng không vũ trụ của quân đội Trung Quốc sở hữu công nghệ của Mỹ mà không có sự cho phép của chính phủ. Được biết, hôm 10-2, Bộ Thương mại Mỹ thêm vào danh sách đen về xuất khẩu 5 công ty và 1 viện nghiên cứu của Trung Quốc, được cho là hỗ trợ "các nỗ lực hiện đại hóa quân sự của Bắc Kinh, đặc biệt là chương trình hàng không vũ trụ của quân đội, trong đó có khinh khí cầu". Các thực thể bị liệt vào danh sách này sẽ không được tiếp cận hàng xuất khẩu công nghệ của Mỹ.
Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc diễn ra chiều 15-2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết, Bắc Kinh sẽ triển khai những biện pháp thực tế, để đáp trả lệnh trừng phạt của Washington nhằm vào 6 thực thể của nước này. Ông Uông Văn Bân tái khẳng định, việc khinh khí cầu dân dụng không người lái của Trung Quốc đi lạc vào không phận Mỹ và bị Mỹ bắn rơi hôm 4-2 là sự cố ngoài ý muốn, do nguyên nhân bất khả kháng. Trung Quốc đã nhiều lần giải thích với phía Mỹ, nhưng Mỹ đã phản ứng thái quá và trừng phạt các công ty, tổ chức của Trung Quốc. Theo ông Uông, Trung Quốc kiên quyết phản đối điều này và sẽ thực hiện các biện pháp đáp trả với các thực thể của Mỹ.
Tuyên bố ngày 16-2 của Bộ Thương mại Trung Quốc không đề cập đến sự cố khinh khí cầu bị bắn rơi, cũng như các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với các công ty Trung Quốc. Thay vào đó, thông báo viện dẫn “chủ quyền quốc gia” là nguyên nhân khiến Bắc Kinh ra lệnh trừng phạt.
Trung Quốc tố khinh khí cầu Mỹ xâm phạm
Cũng tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc chiều 15-2, người phát ngôn Uông Văn Bân đã cáo buộc các khinh khí cầu do thám tầm cao của Mỹ đã xâm phạm không phận nước này ở Tân Cương và Tây Tạng. "Không có sự chấp thuận của các cơ quan có liên quan của Trung Quốc, những khinh khí cầu này đã bay bất hợp pháp ít nhất 10 lần trên không phận lãnh thổ của Trung Quốc, bao gồm cả Tân Cương, Tây Tạng và các tỉnh khác", ông Uông phát biểu. Ông Uông khẳng định Trung Quốc sẽ có "các biện pháp đối phó với các thực thể có liên quan của Mỹ đã làm suy yếu chủ quyền và an ninh của Trung Quốc theo luật pháp". Đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc không nêu tên cụ thể các thực thể và biện pháp trả đũa là gì.
Đây là lần thứ hai trong tuần Bắc Kinh nêu cáo buộc khinh khí cầu do thám Mỹ xâm phạm không phận nước này. Trong lần đầu tiên ngày 13-2, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tố khinh khí cầu Mỹ đã 10 lần "xâm phạm" kể từ tháng 5-2022 nhưng không nói rõ địa điểm. Tuy nhiên, Hội đồng An ninh Quốc gia và Bộ Ngoại giao Mỹ đều đã lên tiếng bác bỏ.
Kêu gọi Nhật Bản và Hàn Quốc không theo lập trường của Mỹ
Cùng ngày 15-2, Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi Tokyo “chớ làm ầm ĩ” sau khi Nhật Bản cho biết ít nhất 3 vật thể bay không xác định trên bầu trời Nhật Bản từ năm 2019 “rất có thể là khinh khí cầu do thám không người lái từ Trung Quốc”. Bộ Quốc phòng Nhật Bản “yêu cầu mạnh mẽ Chính phủ Trung Quốc xác nhận sự thật” về những vật thể bay được phát hiện vào tháng 11-2019, tháng 6-2020 và tháng 9-2021, và bảo đảm “tình huống như vậy sẽ không xảy ra trong tương lai”.
Phản hồi trước thông tin trên, ông Uông Văn Bân cho biết, “phía Nhật Bản nên ngừng theo Mỹ để tham gia vào những đồn đoán giả tạo và ầm ỉ” liên quan đến sự việc khinh khí cầu. Ông Uông khẳng định Bắc Kinh kiên quyết phản đối những hành vi tấn công bằng tin đồn. “Phía Nhật Bản nên giữ lập trường khách quan, không thiên vị, có quan điểm đúng đắn về những tình huống bất khả kháng, dừng việc theo sau lập trường của Mỹ, đưa ra những đồn đoán giả tạo, lợi dụng tình hình”, ông Uông nói.
Trước đó, Trung Quốc cũng đưa ra lời kêu gọi tương tự với Hàn Quốc, trong cuộc gặp giữa Thứ trưởng Ngoại giao Tôn Vệ Đông với Đại sứ Hàn Quốc Chung Jae-ho, rằng Seoul nên “phân biệt đúng sai, và đưa ra những đánh giá khách quan, hợp lý và công bằng”.
Trung Quốc đưa ra lời kêu gọi với phía Hàn Quốc, Nhật Bản trong bối cảnh Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman cho biết Washington đang thắt chặt quan hệ đồng minh với Seoul và Tokyo để đối phó Bắc Kinh. Hôm 16-2, đảng cầm quyền tại Nhật Bản đã thông qua kế hoạch của chính phủ nới lỏng các quy định đối với Lực lượng phòng vệ (SDF), nhằm cho phép họ dùng vũ khí bắn hạ các vật thể bay xâm phạm không phận Nhật Bản. Hiện tại, SDF chỉ có thể bắn những phương tiện vi phạm không phận Nhật Bản nếu việc đó nhằm mục đích tự vệ.
AN BÌNH