Báo Công An Đà Nẵng

Trung Quốc đối mặt vấn nạn “lười sinh con”

Thứ ba, 26/02/2019 10:08

3 năm trước, chính phủ Trung quốc đã nới lỏng chính sách một con gây tranh cãi đã được thực hiện trong 4 thập kỷ, vốn quy định các cặp vợ chồng chỉ được phép có một đứa con duy nhất. Bắc Kinh muốn nỗ lực tăng tỷ lệ sinh khi dân số già đi nhanh chóng, nhưng kết quả không như Bắc Kinh mong đợi.

Giáo dục và chăm sóc sức khỏe của cậu bé Xiyan tiêu tốn 1/3 thu nhập của gia đình Chen. Ảnh: CNN

Tiêu tốn 1/3 thu nhập gia đình

Trước khi con trai chào đời, Chen Huijuan sẵn lòng chi tiền để mua các sản phẩm chăm sóc da, quần áo và đi chơi với bạn bè. Giờ đây, cô thậm chí còn phải tính toán khi muốn mua một chiếc váy mới.

Sống ở Tô Châu, phía đông tỉnh Giang Tô, Chen kiếm được 730 USD (5.000 NDT) mỗi tháng với công việc giáo viên trung học, trong khi chồng kiếm được 2.500 USD (16.000 NDT) khi làm việc cho bộ phận bán hàng của một Cty Mỹ tại Thượng Hải. Nuôi cậu bé 2 tuổi, Xiyan, tiêu tốn ít nhất 1/3 thu nhập hàng năm của gia đình. Ở Mỹ, đối với một gia đình tương tự, chi phí nuôi một đứa trẻ bằng 1/5 thu nhập. Những mối lo tài chính của Chen phản ánh những khó khăn mà hàng triệu gia đình trung lưu khác trên khắp Trung Quốc đang phải đối mặt, và đó là lý do chính tại sao chính phủ gặp khó trong việc tăng tỷ lệ sinh.

3 năm trước, chính phủ đã nới lỏng chính sách một con gây tranh cãi đã được thực hiện trong 4 thập kỷ, vốn quy định các cặp vợ chồng chỉ được phép có một đứa con duy nhất. Nhưng kết quả không như Bắc Kinh mong đợi. Tăng trưởng dân số của Trung Quốc đã chậm lại trong năm 2018 với 15,23 triệu người được sinh ra, giảm 2 triệu so với năm trước. Theo nghiên cứu năm 2017, hơn 50% gia đình ở nước này không có ý định sinh con thứ hai - và chi phí để nuôi một đứa trẻ là một trong những lý do chính. “Tôi sẽ không bao giờ cân nhắc việc sinh con thứ hai. Nó quá đắt đỏ”, Chen nói.

Đó là vấn đề đau đầu đối với chính phủ nước này, vốn ưu tiên tăng trưởng kinh tế nhưng đang phải vật lộn với lực lượng lao động ngày càng thu hẹp và dân số già đi nhanh chóng. Theo số liệu chính thức, năm 2017, Trung Quốc có hơn 240 triệu người trên 60 tuổi, chiếm hơn 17% dân số. Con số này được dự báo sẽ tăng lên, chiếm 1/3 dân số vào năm 2050 - tương đương 480 triệu người. Đến năm 2030, nhiều người dự báo, dân số của đất nước sẽ bị thu hẹp lại, làm dấy lên lo ngại, Trung Quốc sẽ già đi trước khi trở nên giàu có.

Đứa trẻ triệu đô

Cha mẹ và các chuyên gia cho biết, chi phí nuôi dạy một đứa trẻ ở Trung Quốc đã tăng mạnh khi mức sống ở nước này được cải thiện và niềm tin của người dân vào các sản phẩm trong nước bị suy yếu. Chẳng hạn, Chen chưa bao giờ mua một nhãn hiệu sữa bột trẻ em Trung Quốc cho con trai mình, mà chỉ chọn các thương hiệu nước ngoài nhập khẩu đắt tiền. Năm 2008, sữa cho trẻ em Trung Quốc bị nhiễm độc đã giết chết ít nhất 6 em bé và gây sỏi thận và các vấn đề về đường tiết niệu đối với hàng trăm ngàn em khác. Vụ bê bối đó vẫn ám ảnh nhiều bậc cha mẹ ở nước này. Chen thậm chí không tin tưởng thực phẩm địa phương. Cậu bé Xiyan chỉ ăn thịt bò, cá tuyết và cá hồi nhập khẩu.

Theo Wang Dan, phó giám đốc tại Trung tâm nghiên cứu giáo dục Wah Ching thuộc Đại học Hồng Kông tại Trung Quốc, chi phí giáo dục và giải trí cũng là một vấn đề nghiêm trọng. Cho đến những năm 1990, hầu hết người dân Trung Quốc đã sử dụng nền giáo dục công, miễn phí hoặc có chi phí tối thiểu. “Nhưng hiện nay, giáo dục đã trở thành một ngành công nghiệp lớn. Tất nhiên, chi phí tổng thể sẽ được đẩy lên”, bà Wang cho biết.

Cảm thấy áp lực của một xã hội ngày càng cạnh tranh, Chen bắt đầu mua đồ chơi giáo dục cho Xiyan ngay từ khi đang mang thai để cậu bé không “thua ngay ở vạch xuất phát”. Manhong Lai, giáo sư tại Đại học Hồng Kông, cho biết, các gia đình Trung Quốc luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc học tập từ nhỏ. Nhưng bà Lai cho biết, chính sách một con đã tập trung hơn nữa sự chú ý của cha mẹ vào đứa con duy nhất của họ, khiến họ đầu tư nhiều hơn vào giáo dục. “Cuộc thi để được vào trường tốt là rất quan trọng, vì vậy cha mẹ rất nghiêm túc và gây áp lực cao cho con cái để có thể cạnh tranh”, bà Lai cho biết. Chen và chồng cô đã chi 737 USD (5.000 NDT) mỗi tháng cho trung tâm song ngữ của con trai họ - tất cả số tiền lương hàng tháng của cô.

Không chỉ là giáo dục cơ bản, các hoạt động ngoại khóa cũng tiêu tốn một khoản lớn chi phí của các gia đình. Fan Meng và chồng là những chuyên gia toàn thời gian làm việc tại Bắc Kinh, nhưng cả hai đều nói rằng họ sẽ không sinh con thứ hai. “Ngày nay, việc nuôi dạy một đứa trẻ thực sự rất tốn kém”, Fan nói. Con gái 5 tuổi của họ, Qi Xuanru, không chỉ được học nhạc cụ mà cô bé còn thích trượt tuyết và lặn. Fan cho biết, họ sẽ chi tiền cho cô bé, ngay cả khi chi phí cao. “Trẻ em ngày nay không giống như khi chúng ta còn nhỏ. Chúng tôi chỉ đơn giản là cần được đưa đến trường. Bây giờ, con gái tôi có sở thích riêng của mình”, cô nói.

Chi phí y tế tăng

Nhiều phụ huynh lo lắng, dịch vụ chăm sóc y tế cơ bản do chính phủ tài trợ là không đủ để chữa trị các bệnh nặng. Chẳng hạn, con trai của Chen bị các vấn đề về đường ruột và dạ dày và phải đến bệnh viện một lần mỗi tháng từ khi sinh đến năm 2 tuổi. Nhưng ngay cả sau khi Chen đã tìm được một bác sĩ giỏi, cô cho biết, cô phải gửi cho bác sĩ một khoản tiền bồi dưỡng được nhét trong một phong bì màu đỏ để đảm bảo con mình được chăm sóc tốt nhất.

Trung Quốc là nước có tỷ lệ số bác sĩ/bệnh nhân thấp nhất trong số các quốc gia phát triển và hệ thống y tế công cộng quá tải buộc bệnh nhân phải đưa tiền hối lộ để được điều trị tốt hơn. Hàng năm, Chen phải chi tiền mua thuốc theo toa và phí bảo hiểm y tế tư nhân 2.200 USD (15.000 NDT) cho con trai mình. “Tôi luôn muốn dành cho con những điều tốt nhất. Các bác sĩ giỏi nhất, đồ chơi tốt nhất, giáo dục tốt nhất”, Chen nói.

“Một đứa con là đủ”

Các nhà chức trách cung cấp các khoản trợ cấp cho những cha mẹ có con thứ hai, chẳng hạn như hỗ trợ tài chính cho sữa bột trẻ em, và thời gian nghỉ thai sản đã được gia hạn. Ở tỉnh Hồ Bắc, một thành phố đang cung cấp dịch vụ sinh con miễn phí cho phụ nữ sinh con thứ hai, trong khi một thành phố khác sẽ trao 179 USD (1.200 NDT) cho những ai sinh con. Hiện có nhiều nguồn tin cho rằng, Bắc Kinh sẽ xóa bỏ hoàn toàn giới hạn sinh trong một nỗ lực để tăng thêm tỷ lệ sinh.

Nhưng Chen cho rằng, chỉ cha mẹ mới quyết định có bao nhiêu đứa con. “Có con hay không là lựa chọn cá nhân. Đó là một lựa chọn cuộc sống của chính bạn”, cô nói. Fan cho biết, dù cha mẹ cô thích một ngôi nhà “đông con nhiều cháu”, nhưng cô lại cảm thấy khác. “Đối với tôi, một đứa con là đủ. Một con là những gì tôi có thể đủ khả năng, về cả công sức lẫn tiền bạc”, Fan cho biết.

AN BÌNH