Báo Công An Đà Nẵng

Trung Quốc kéo Mỹ đến với Triều Tiên

Thứ ba, 28/02/2017 08:58

(Cadn.com.vn) - Một nhân vật luôn đi đầu trong các chính sách ngoại giao của Trung Quốc đã đến Mỹ, chuyến thăm được cho là đi kèm theo thông điệp gửi đến chính quyền Tổng thống Donald Trump: Đây là thời điểm thích hợp để nói chuyện với Triều Tiên.

Ngày 27-2, Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc, ông Dương Khiết Trì bắt đầu chuyến thăm Mỹ theo lời mời của chính phủ Tổng thống Donald Trump. Giới chuyên gia cho rằng, trọng tâm chuyến đi này chính là vấn đề Triều Tiên, nhất là trong bối cảnh Bình Nhưỡng đang ngày càng tỏ ra khiêu khích trong chương trình phát triển tên lửa và hạt nhân.

Ông Dương Khiết Trì là quan chức cấp cao nhất của Trung Quốc đến thăm Mỹ kể từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức. Chuyến công du 2 ngày của ông diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Triều Tiên và các nước láng giềng gia tăng do chương trình vũ khí hạt nhân gây tranh cãi của Bình Nhưỡng và cả những diễn biến bí ẩn quanh vụ ông Kim Jong-Nam, anh trai cùng cha khác mẹ của nhà lãnh đạo Kim Jong-Un, bị sát hại tại Malaysia.

Chuyến thăm Mỹ lần này của ông Dương Khiết Trì được cho là nhắm trọng tâm về chương trình hạt nhân-tên lửa của Triều Tiên. Ảnh: AP

Mục tiêu mở cửa đàm phán

Giới phân tích cho rằng, ông Dương Khiết Trì sẽ cố gắng thuyết phục chính phủ Mỹ mở cửa cho các cuộc đàm phán với Triều Tiên.

Bắc Kinh, đồng minh thân cận và cũng là “vị ân nhân kinh tế” của Bình Nhưỡng, từ lâu ủng hộ các cuộc đàm phán ngoại giao về vấn đề Triều Tiên  trong khi Washington lại chú trọng vào các biện pháp trừng phạt. Mới đây, Tổng thống Trump liên tục chỉ trích Trung Quốc “không hành động đủ mạnh” để kiềm chế Triều Tiên. Nhưng Bắc Kinh đã cho thấy một sự thay đổi lớn trong cách xử lý vấn đề Triều Tiên. Hồi đầu tháng này, Trung Quốc khiến thế giới bất ngờ khi quyết định ngừng nhập khẩu than của Triều Tiên cho đến ngày 31-12 tới. Động thái này của Trung Quốc được cho là nhằm chứng tỏ cho cả thế giới thấy rằng, họ đã nỗ lực thực hiện đúng theo các lệnh trừng phạt của HĐBA LHQ. Bắc Kinh cũng muốn tỏ rõ thiện chí hợp tác với Mỹ, xoa dịu những chỉ trích của Washington.

Than là nguồn thu chủ chốt và cũng là nguồn ngoại tệ quan trọng cho nền kinh tế mong manh của Triều Tiên. Vì vậy, có thể thấy, quyết định bất ngờ này của Trung Quốc sẽ giúp Bắc Kinh kiểm tra xem liệu chính quyền ông Trump thực sự sẵn sàng làm điều gì đó về vấn đề vũ khí hạt nhân của Triều Tiên hay chưa. Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump thậm chí nói rằng sẽ hội đàm với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un. Tuy nhiên, cho đến nay, ông Trump vẫn chưa có bất kỳ chính sách nào về vấn đề Triều Tiên mà chỉ cho biết “đang đánh giá lại chính sách”.

Sẽ có một thỏa thuận?

Hành động khiêu khích gần đây nhất của Triều Tiên khiến cho bất kỳ nỗ lực tiếp cận nào của Mỹ cũng sẽ rất khó khăn. Sau thời gian tạm lắng trong thời điểm diễn ra cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, Triều Tiên thử tên lửa khi ông Trump đang gặp gỡ Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm 12-2. Báo cáo của Cơ quan tình báo trung ương Hàn Quốc (NIS) hôm 27-2 còn cho biết, Triều Tiên có thể thử hạt nhân vào bất kỳ khi nào.

Vụ sát hại ông Kim Jong-Nam cũng khiến vấn đề trở nên rối rắm. Các cuộc đàm phán không chính thức dự kiến diễn ra vào tuần tới, giữa một phái đoàn của Triều Tiên và một nhóm các cựu quan chức Mỹ, đã bị hủy sau khi chính quyền Trump quyết định thu hồi thị thực phái đoàn này. Việc thu hồi thị thực diễn ra vài giờ sau khi chính phủ Malaysia thông báo, ông Kim Jong-Nam bị sát hại bằng chất độc thần kinh VX – được LHQ phân loại là vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Mặc dù Nhà Trắng hủy hội đàm, việc lên kế hoạch cho các cuộc đàm phán như thế này có thể là dấu hiệu cho thấy, chính quyền Tổng thống Trump cởi mở hơn trong vấn đề đi đến một thỏa thuận với Triều Tiên.

Khả Anh