Báo Công An Đà Nẵng

Trung Quốc kết nối đường sắt Đông Phi

Thứ ba, 29/11/2016 09:56

(Cadn.com.vn) - Trung Quốc đang đầu tư hàng tỷ USD giúp Đông Phi xây dựng tuyến đường sắt kết nối các quốc gia với nhau.

Kết nối Đông Phi

Nằm gần khu vực Sừng Châu Phi về phía đông lục địa, một tuyến đường sắt điện mới chạy dọc theo tuyến đường sắt bỏ hoang cũ kỹ qua sa mạc khô cằn và cao nguyên xanh. 750 km đường sắt với chi phí 4 tỷ USD, được Trung Quốc tài trợ một phần và xây dựng, khánh thành hồi tháng 10, nối Ethiopia với bờ biển Djibouti. Tuyến đường này có thể sớm nối đến nước láng giềng Sudan và Kenya - nơi phần đầu tiên của tuyến đường sắt 13 tỷ USD nối Mombasa với Nairobi đang được xây dựng. Mạng lưới này sẽ  tiếp tục tiến vào Nam Sudan, Uganda, Rwanda và Burundi, hướng đến mục tiêu kết nối các nước Đông Phi.

Mục tiêu này có thể thay đổi cách thức di chuyển hàng hóa và đi lại của người dân cũng như thúc đẩy thương mại ở các nước. Việc 90% hàng hóa nhập khẩu và xuất khẩu của Châu Phi được vận chuyển bằng đường biển gây khó khăn với các nước không có biển. Tuyến đường sắt mới sẽ tiếp cận các cảng biển, vận chuyển hàng hóa thẳng vào nội địa.

Tuyến đường sắt đầu tiên của Trung Quốc tại Châu Phi, Tazara, được xây dựng trong những năm 1970. Ảnh: CNN

Các khoản vay hàng tỷ USD

Tuyến đường sắt mới này là một phần của Dự án đường sắt LAPPSET và Dự án đường sắt Đông Phi, do Cộng đồng Đông Phi (EAC) - một tổ chức liên chính phủ gồm Burundi, Kenya, Rwanda  Nam Sudan, Tanzania, và Uganda - quản lý.

Các quốc gia Châu Phi vay tiền từ Trung Quốc để lập các quỹ thực hiện các dự án này. Trong thời gian 10 năm (2004-2014), các nước Châu Phi vay của Trung Quốc gần 10 tỷ USD cho các dự án đường sắt, theo các nhà nghiên cứu của tổ chức Sáng kiến Trung Quốc-Châu Phi tại Trường Johns Hopkins.

Theo bà Deborah Brautigam, giáo sư kinh tế chính trị quốc tế, Trung Quốc coi các tuyến đường sắt này là cơ hội đầu tư và tạo ra thị trường xuất khẩu cho ngành công nghiệp thép và xây dựng đang bùng nổ của nước này. "Họ có tiền. Họ có thép và muốn sử dụng chúng. Họ có các Cty có kinh nghiệm trong việc xây dựng đường sắt", bà Brautigam nói. Tuy nhiên, rủi ro ở đây là liệu các khoản vay này sẽ được hoàn trả đầy đủ hay không.

Không chỉ đầu tư vào đường sắt, Trung Quốc cũng đang tham gia xây dựng nhiều tòa nhà, đập và cầu tại Châu Phi. "Các công trình đang được các Cty Trung Quốc xây dựng ở Châu Phi có chi phí lên tới 50 tỷ USD/năm", bà Brautigam nói. Trong giai đoạn 2000-2011, Bắc Kinh hỗ trợ hơn 1.700 dự án tại 50 quốc gia Châu Phi với chi phí 75 tỷ USD.

Mỹ và các nước phương Tây đã hỗ trợ cho một số tuyến đường sắt và các dự án cơ sở hạ tầng khác trên khắp lục địa, nhưng họ không đầu tư mạnh như Trung Quốc, một phần do lo sợ các nước Châu Phi không đảm bảo việc nâng cấp và bảo trì. "Họ tài trợ tiền cho các tuyến đường sắt nhưng không phải là quá nhiều. Họ cảm thấy chính phủ các nước Châu Phi không bảo vệ tốt những gì họ đã làm", bà Brautigam cho biết.

Sẽ khả thi?

Dự án đường sắt Đông Phi mới sẽ khả thi? Theo Andrew Grantham, biên tập viên tờ Railway Gazette International, miễn là có tiền và ý chí chính trị, không có thách thức kỹ thuật nào có thể ngăn cản dự án này. "Trung Quốc đã xây dựng tuyến đường sắt nối đến Tây Tạng, và họ đã có nhiều kinh nghiệm", ông cho biết. Ông Grantham giải thích, các tuyến đường sắt mới của Trung Quốc sẽ được chuẩn hóa, giúp dễ dàng kết nối các nước với nhau.

Tuy nhiên, dự án của Trung Quốc cũng có nhiều điểm bàn cãi. Chẳng hạn như, các nhà bảo tồn lên tiếng lo ngại chúng có thể làm xáo trộn đời sống hoang dã khi băng ngang qua công viên quốc gia Kenya.

An Bình
(Theo CNN)