Trung Quốc khai mạc kỳ họp Quốc hội khóa XII: Bài kiểm tra đầu tiên cho ông Tập Cận Bình
(Cadn.com.vn) - Kỳ họp Quốc hội Trung Quốc đầu tiên khóa XII khai mạc sáng 5-3 được đánh giá là thước đo thành công thời kỳ “trăng mật” của tân Tổng Bí thư Tập Cận Bình.
Phiên họp thường niên đầu tiên Quốc hội Trung Quốc khóa XII chính thức khai mạc với sự tham dự của các nhà lãnh đạo hàng đầu cùng gần 3.000 đại biểu trên cả nước. Kỳ họp lần này được coi là bài kiểm tra sớm đầu tiên của tân Tổng Bí thư Tập Cận Bình đối với những cam kết kiềm chế tham nhũng, nâng cao mức sống và tạo ra xã hội công bằng hơn.
Lên nắm quyền sau khi hình ảnh đảng Cộng sản Trung Quốc bị hoen ố do vụ bê bối Bạc Hy Lai, ông Tập tạo ấn tượng mạnh với người dân bằng những cuộc nói chuyện gần gũi, cam kết đấu tranh chống tham nhũng, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, cải thiện công bằng xã hội và giải quyết các vấn đề chất lượng của cuộc sống cũng như môi trường. Tuy nhiên, “tuần trăng mật” đang yếu dần khi cho đến nay, tất cả mới chỉ dừng ở những lời hứa.
Nhiều khó khăn đặt ra trong đó có việc khiến ông Tập bất ngờ khi hầu hết quan chức cao cấp Trung Quốc phản đối công khai tài sản ngay bây giờ, - một biện pháp phòng chống tham nhũng. Những người này cho rằng, Bắc Kinh không nên tiến hành chống tham nhũng theo kiểu phong trào, nếu không sẽ dẫn tới mất ổn định và gây ra tổn thất không thể vãn hồi cho đảng Cộng sản Trung Quốc.
Tân Tổng Bí thư Tập Cận Bình (phải) và Chủ tịch Hồ Cẩm Đào trao đổi tại phiên họp Quốc hội. Ảnh: Reuters
4 tháng sau cuộc chuyển giao quyền lực yên ả, ông Tập cùng với Thủ tướng tương lai Lý Khắc Cường, vốn được thừa hưởng một nền kinh tế tăng trưởng với số lượng người giàu quá lớn và người nghèo cũng không ít, vẫn chưa thể làm được gì nhiều. Bởi sự phân hóa giàu nghèo sâu sắc không chỉ là thách thức duy nhất của quốc gia 1,3 tỷ dân.
Tình trạng mất cân bằng giới tính cũng đang khiến chính quyền Bắc Kinh khốn đốn. Những năm 1970, trước tình trạng dân số tăng mạnh, Trung Quốc nỗ lực giảm sinh bằng chính sách kế hoạch hóa “mỗi gia đình chỉ sinh 1 con”. Kể từ đó, sự thiên vị đối với trẻ em nam dẫn đến chênh lệch tỷ lệ giới tính nghiêm trọng. Ước tính, sẽ có hàng triệu nam giới đối mặt với tương lai không chắc chắn do thiếu các bạn đời nữ giới.
Ngoài 2 bài toán nan giải này, chính quyền ông Tập Cận Bình còn cần phải nỗ lực lấy lại danh tiếng mất sau những bê bối an toàn thực phẩm nghiêm trọng như “sữa nhiễm melamin”; giải quyết vấn nạn thiếu nước và ô nhiễm không khí. Giới chuyên gia nhận định, rõ ràng, việc đảm bảo an ninh lương thực, nước và không khí cho hơn 1,3 tỷ dân không phải là một nhiệm vụ dễ dàng.
Tại kỳ họp kéo dài 13 ngày này, Quốc hội hoàn thiện quá trình chuyển đổi lãnh đạo trong thập kỷ qua ở Trung Quốc khi chính thức bầu ông Tập Cận Bình làm Chủ tịch nước và ông Lý Khắc Cường làm Thủ tướng. Dưới thời ông Tập, quân đội - một cử tri quan trọng- có tiếng nói mạnh mẽ hơn so với thời của “người tiền nhiệm” Hồ Cẩm Đào. Vì thế, không có gì bất ngờ khi Trung Quốc tuyên bố tăng ngân sách quốc phòng ở mức 2 con số. Tuy nhiên, động thái của Bắc Kinh đưa ra đúng thời điểm căng thẳng tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng gia tăng khiến cộng đồng quốc tế lo ngại.
Mặc dù vậy, Bắc Kinh biện hộ việc họ đổ tiền của vào quốc phòng là để góp phần bảo đảm “an ninh khu vực”. “Sẽ không hay cho thế giới nếu nước lớn như Trung Quốc lại không thể bảo vệ được an ninh của chính mình”, người phát ngôn kỳ họp Quốc hội, bà Phó Oánh nói trước các phóng viên. Trong phiên khai mạc Quốc hội, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo cũng đọc báo cáo công tác chính phủ, trong đó nhấn mạnh đảm bảo cam kết bảo vệ “toàn vẹn lãnh thổ”. Giọng điệu của người đứng đầu chính phủ Trung Quốc được đẩy lên mức quyết liệt nhất khi ông nói đến điều này.
Ngân sách dành cho quân sự của Trung Quốc tăng đều trong những năm gần đây. Các chuyên gia cho rằng, con số thực sự còn cao hơn nhiều so với số liệu thông báo chính thức. Theo một báo cáo chính phủ, Bắc Kinh nêu mức tăng chi tiêu quân sự trong năm 2013 là 10,7% lên mức 720,2 tỷ NDT (115,7 tỷ USD).
Khả Anh