Báo Công An Đà Nẵng

Trung Quốc không muốn tham gia đàm phán hạt nhân với Mỹ-Nga, vì sao?

Chủ nhật, 12/07/2020 14:55

Mỹ đã kêu gọi Trung Quốc tham gia cùng Mỹ và Nga đàm phán về một thỏa thuận kiểm soát vũ khí hạt nhân, nhưng Bắc Kinh dường như không mấy quan tâm. Khoảng cách lớn giữa kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc với Mỹ và Nga, cũng như việc Bắc Kinh có nhu cầu cải thiện khả năng quân sự của mình được cho là nguyên nhân chính.

Máy bay ném bom B-52 có khả năng mang vũ khí hạt nhân trong một căn cứ của Mỹ.

Phát biểu trước các phóng viên ở Bắc Kinh hôm 8-7, Fu Cong, người đứng đầu cơ quan kiểm soát vũ khí thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc, tuyên bố rằng Trung Quốc không quan tâm tới việc tham gia thương thuyết với các siêu cường thời Chiến tranh Lạnh trước đây. Ông cho biết, Bắc Kinh sẵn lòng tham gia các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí ba bên với Nga và Mỹ nếu Washington sẵn sàng giảm kho vũ khí hạt nhân xuống bằng với mức của Trung Quốc.

"Tôi có thể đảm bảo với các bạn rằng, nếu Mỹ nói họ sẵn sàng cắt giảm xuống bằng với mức Trung Quốc, thì chúng ta sẽ sẵn lòng tham dự thương thuyết ngay ngày hôm sau. Tuy nhiên, thực tế là chúng ta đều biết điều đó sẽ không xảy ra". Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần kêu gọi Trung Quốc tham gia cùng Mỹ và Nga đàm phán về một thỏa thuận kiểm soát vũ khí thay thế Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START) - hiệp ước về vũ khí hạt nhân giữa Mỹ và Nga sẽ hết hạn vào tháng 2-2021.

New START quy định Mỹ và Nga chỉ được phép triển khai tối đa 1.550 đầu đạn hạt nhân chiến lược trên 700 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa hoặc oanh tạc cơ. Trong khi Moscow muốn đàm phán gia hạn New START, Washington đe dọa chấm dứt hiệp ước này với lý do nó không điều chỉnh kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc nhiều lần khẳng định họ không quan tâm đến việc tham dự các cuộc đàm phán một hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược với Nga và Mỹ.

Ông Fu quả quyết, việc Mỹ đề nghị Trung Quốc tham gia đàm phán ba bên là một âm mưu nhằm đánh lạc hướng và là cái cớ cho việc nước này không muốn tiếp tục gia hạn hiệp ước START mới. "Mục đích chính của Mỹ là rũ bỏ mọi hạn chế và rảnh tay để tìm cách vượt mặt bất kỳ một đối thủ nào, thực tế hay tưởng tượng, về mặt quân sự".

Khoảng cách lớn

Trung Quốc nhiều lần khước từ đề nghị của nhà lãnh đạo Mỹ, cho rằng sức mạnh hạt nhân khiêm tốn của họ chỉ mang tính phòng thủ và không đặt ra mối đe dọa nào. Trên thực tế, kho vũ khí hạt nhân của Mỹ và Nga hiện vượt trội so với của Trung Quốc, nhưng việc Bắc Kinh liên tục có những hoạt động phi pháp ở biển Đông khiến các đồng minh của Mỹ và các nhà hoạch định chính sách tại Nhà Trắng lo ngại.

Theo ông Fu, mọi người có lý do để lo ngại về khoảng cách giữa kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc với Mỹ và Nga. Mỹ không chỉ mở rộng, cải thiện và nâng cấp kho vũ khí hạt nhân của mình, mà còn xây dựng tất cả các hệ thống phòng thủ tên lửa và triển khai chúng ở khu vực lân cận của Trung Quốc. Mỹ cũng đang phát triển vũ khí trong không gian, đã rút khỏi Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) và đã tuyên bố rõ ràng rằng họ đang lên kế hoạch triển khai các tên lửa tầm trung trên đất liền ở khu vực lân cận của Trung Quốc.

Ông Fu lưu ý rằng tất cả những điều này đặt ra các mối đe dọa chiến lược đối với an ninh của Trung Quốc, và chẳng có gì phải ngạc nhiên khi Bắc Kinh cần phải cải thiện khả năng quân sự của mình. Bên cạnh đó, chính sách của Bắc Kinh là duy trì khả năng răn đe tối thiểu và họ dĩ nhiên phải hiện đại hóa vũ khí hạt nhân để bảo vệ an ninh quốc gia… Theo báo cáo công bố ngày 15-6 của Viện Nghiên cứu Hòa bình Stockholm (SIPRI), Mỹ có kho vũ khí hạt nhân khổng lồ, với khoảng 5.800 đầu đạn hạt nhân, gấp khoảng 20 lần số lượng của Trung Quốc. Washington cũng đang lên kế hoạch tăng khoảng cách lớn này bằng cách đầu tư khoảng 494 tỷ USD trong 10 năm tới và 1,2 nghìn tỷ USD trong 30 năm tới để nâng cấp kho vũ khí hạt nhân, cả đầu đạn và hệ thống phóng chúng. Nga hiện đang triển khai 1.570 đầu đạn, niêm cất hoặc chờ tháo dỡ 4.805 đầu đạn khác.

Trong khi đó, Trung Quốc, được cho là có kho vũ khí hạt nhân lớn thứ ba thế giới, sở hữu khoảng 300 đầu đạn loại. SIPRI cho biết Trung Quốc đã trang bị thêm 30 đầu đạn hạt nhân các loại, là một trong 6 quốc gia mở rộng kho vũ khí hạt nhân trong năm 2019.

Không né tránh

Theo ông Fu, việc Trung Quốc từ chối tham gia cuộc đàm phán ba bên với Mỹ và Nga không có nghĩa là Bắc Kinh đang né tránh các nỗ lực giải trừ hạt nhân quốc tế, mà ngược lại, Trung Quốc là một người ủng hộ mạnh mẽ giải trừ hạt nhân tại LHQ và tại Hội nghị Giải trừ quân bị ở Geneva.

Ông Fu nhấn mạnh, Trung Quốc đã khởi xướng cuộc đối thoại về học thuyết hạt nhân giữa 5 thành viên thường trực của HĐBA LHQ (P5) và sẵn sàng thảo luận về tất cả các vấn đề liên quan đến ổn định chiến lược và giảm thiểu rủi ro hạt nhân trong khuôn khổ P5. Ông Fu cho biết việc Trung Quốc gia nhập hiệp ước kiểm soát vũ khí quan trọng này là một minh chứng khác cho quyết tâm của Trung Quốc trong việc chống buôn bán vũ khí bất hợp pháp và cam kết của Bắc Kinh đối với chủ nghĩa đa phương và kiểm soát vũ khí quốc tế.

AN BÌNH